Các dòng tiền vô tư 'chảy' qua ví điện tử

11/09/2018 - 06:00

PNO - Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, hiện chưa có quy định đối với việc thanh toán thông qua các loại ví điện tử của Trung Quốc tại Việt Nam...

Đầu tháng Chín vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, chấn chỉnh tình trạng thất thu thuế sau vụ du khách Trung Quốc chuyển thẳng tiền về Trung Quốc thông qua máy POS (máy cà thẻ), hoặc QR Code - mã phản hồi nhanh trên ví điện tử (VĐT) thay vì qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Phương tiện chuyển tiền trái phép 

VĐT đang trở thành xu thế với nhiều tiện ích, giúp giải quyết nhanh nhu cầu chuyển tiền, mua sắm trên toàn cầu. VĐT không cần sự hiện diện của thẻ tín dụng hay thẻ ATM.

Người sử dụng chỉ cần nhập thông tin thẻ vào điện thoại thông minh (smartphone), sau đó liên kết ngân hàng với VĐT của mình; khi thanh toán, mua sắm, chỉ cần mang theo smartphone để quét mã thanh toán, không cần đưa thẻ tín dụng hay thẻ ATM để cửa hàng quẹt thẻ.

Cac dong tien vo tu 'chay' qua vi dien tu
Ví điện tử giúp giải quyết nhanh nhu cầu chuyển tiền, mua sắm trên toàn cầu... Khách hàng chỉ cần mang theo smartphone để quét mã thanh toán

Có thể nói, hiện VĐT đang phát triển với tốc độ vũ bão. Tính từ tháng 9/2017 - thời điểm VĐT ra đời - đến nay, tại Việt Nam, đã có 60 công ty công nghệ tài chính (fintech) cho ra mắt hàng chục loại VĐT khác nhau. Nhiều VĐT dù chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chấp nhận cũng âm thầm len lỏi vào thị trường.

Điều đáng lo ngại là các VĐT này trở thành con đường chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài. Điển hình là vào tháng 8/2018, Thanh tra NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh phát hiện một cửa hàng tại địa phương chuyển trái phép hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) về Trung Quốc mà không thông qua ngân hàng trung gian của Việt Nam. 

Ngoài Quảng Ninh, tại tỉnh Khánh Hòa, TP.Đà Nẵng cũng xuất hiện tình trạng tương tự.

Cơn sóng ngầm của ví điện tử “chui”

Hiện ở TP.HCM, có rất nhiều nơi treo biển chấp nhận thanh toán hoặc thanh toán hộ qua VĐT Alipay, WeChat Pay.

NHNN Việt Nam cho biết, hiện chưa có quy định đối với việc thanh toán thông qua các loại VĐT của Trung Quốc tại Việt Nam và cơ quan này đang trình Chính phủ ban hành quy định.

Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín - khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM - nhận định, hoạt động thanh toán “chui” này vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của nhà nước, do đồng tiền niêm yết, giao dịch và thanh toán đều bằng ngoại tệ. 

Mặt khác, hành vi này còn gây thất thoát thuế, do các giao dịch được xử lý ở nước ngoài. Vì vậy, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát đối với các cổng trung gian thanh toán.

Nếu không có giải pháp xử lý tận gốc vấn đề, các cổng trung gian thanh toán nội địa bị mất thị trường tiềm năng, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy nguy hiểm cho doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế.

Tuy nhiên, các VĐT Wechat Pay và Alipay chưa được chấp nhận tại Việt Nam, và đơn vị nào thực việc thanh toán qua các VĐT này là thanh toán “chui”. 

Tại Saigon Square - “thủ phủ” của hàng nhái thương hiệu nổi tiếng tại TP.HCM - một tiểu thương cho biết, thường lấy hàng tại Trung Quốc; để thuận tiện trong việc giao dịch, tiểu thương này nhờ người đứng tên mở tài khoản tại Trung Quốc, từ đó có thể nhận hoặc chuyển tiền từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

“Giao dịch tại Trung Quốc thường thông qua VĐT Alipay, WeChat Pay nên việc có tài khoản tại Trung Quốc giúp thanh toán dễ hơn, không phải mất phí nạp tệ, không bị giới hạn mức thanh toán. Hầu hết các tiểu thương bán hàng Trung Quốc với mức thanh toán lớn đều nhờ người thân mở thêm thẻ tại Trung Quốc” - tiểu thương này tiết lộ. 

Hiện ở TP.HCM cũng đang nở rộ dịch vụ “thanh toán hộ qua Alipay, WeChat Pay”, tức cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam mua hàng tại Trung Quốc, nhờ các điểm này chuyển tiền sang Trung Quốc để thanh toán.  

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI