Bị cấm nhập, phế liệu vẫn ùn ùn đổ về

18/07/2018 - 08:04

PNO - Phế liệu đổ vào VN ngày càng nhiều, gây ứ đọng tại các cảng. Mới đây, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, TP triển khai kế hoạch ngăn chặn rác phế liệu, nhưng các doanh nghiệp vẫn tìm cách tuồn rác về.

Công khai bán hàng cấm

Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định 187/2013/NĐ-CP nghiêm cấm nhập khẩu những mặt hàng đã qua sử dụng như hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, nhưng trên thị trường vẫn đang tràn ngập mặt hàng này, các cửa hàng thì rao bán công khai.

Tại cửa hàng điện máy Nhân Tâm (đường Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), hàng chục chiếc máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, máy rửa chén… cũ được bày kín trước cửa, tràn ra vỉa hè.

Cửa hàng này chuyên kinh doanh hàng nội địa đã qua sử dụng từ các nước Nhật Bản, Đức, Mỹ, Ý, Hàn Quốc, Singapore. Mặc dù hàng cũ nhưng giá khá “chát”, chẳng hạn máy rửa chén Nhật giá từ 3,3 - 12 triệu đồng/sản phẩm, tủ lạnh Nhật từ 7 - 35 triệu đồng/sản phẩm (tùy dung tích), máy lạnh từ 5,5 - 9,5 triệu đồng/sản phẩm. 

Bi cam nhap, phe lieu van un un do ve
Một kho hàng điện tử, điện lạnh nhập lậu bị lực lượng quản lý thị trường TP.HCM bắt giữ.

Ngoài cửa hàng trên, hiện ở TP.HCM, còn rất nhiều cửa hàng điện máy chuyên bán hàng điện tử, điện lạnh cũ. Chẳng hạn như khu chợ điện tử cũ tại đường Nhật Tảo (Q.10), cửa hàng điện máy Bảo Kim (307A Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú), cửa hàng điện máy Gia Phát (190F Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh), cửa hàng điện máy Tân Bình (249 Tây Thạnh, Q.Tân Phú), cửa hàng điện máy Công Nghệ Nhật (79 Trần Tấn, Q.Tân Phú)…

Để tránh lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ hàng hóa, mỗi cửa hàng này đều có vài kho bãi riêng, cửa hàng chính chỉ trưng bày một ít sản phẩm.  

Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, một trong số những cửa hàng trên đã từng bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ hàng hóa, xử phạt, nhưng sau đó vẫn hoạt động.

Nguyên nhân là mức xử phạt vi phạm đối với hành vi tàng trữ, kinh doanh hàng nhập lậu còn thấp, chỉ từ 200.000 - 50 triệu đồng, tùy số lượng hàng hóa nhiều hay ít. Trong khi đó, người ta có thể thu về hàng tỷ đồng nếu nhập lậu trót lọt một lô hàng điện tử, điện lạnh và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ngoài hàng điện lạnh, điện tử “xài rồi”, hiện trên thị trường còn công khai bán các hàng thải nguy hại cấm nhập khẩu khác như vỏ đạn. Cửa hàng Mô Hình Quân Sự trên đường Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình, TP.HCM) hiện bày bán rất nhiều vật dụng như viết, móc khóa, ly được làm từ vỏ đạn.

Đặc biệt, cửa hàng này còn bán nhiều mẫu vỏ đạn chưa chế tác như vỏ đạn pháo phòng không 37 ly, vỏ đạn AL bằng đồng của Nga, vỏ đạn, pháo cỡ 57, 130, 150 ly. Nhân viên cửa hàng cho biết, tất cả hàng đều nhập từ nước ngoài về, thu hút những khách hàng có tiền, thích sưu tầm đồ cổ. 

Ùn ứ hàng ngàn container phế liệu

Cục Hải quan TP.HCM cho biết, đến giữa tháng 6/2018, các cảng biển của TP.HCM còn 3.220 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan, trong đó có 2.255 container quá 90 ngày, tập trung tại cảng Cát Lái (2.181 container).

Trong quá trình làm thủ tục thông quan các lô hàng phế liệu, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm Luật Hải quan, thường gặp nhất là chưa được cấp giấy xác nhận “đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất”.

Một số doanh nghiệp (DN) đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật. Một số DN không có giấy xác nhận hoặc có giấy xác nhận đã quá hạn nhưng vẫn đóng hàng về, khiến hàng tồn đọng nhiều.

Ông Lê Văn Triển - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP.HCM - cho biết, cục đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, phân loại phế liệu tồn đọng, nếu xét thấy các lô phế liệu còn sử dụng được mà không ai nhận, sẽ làm thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước, cho bán đấu giá, thu ngân sách.

Với hàng phế liệu vô chủ, không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu theo quy định, gây ô nhiễm môi trường, sẽ buộc tái xuất. 

Ngoài ra, nguyên nhân gây tồn đọng lượng lớn rác phế liệu tại cảng ở TP.HCM còn do chính sách siết chặt nhập khẩu phế liệu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. Một số DN không ngần ngại nhận tiền từ nước ngoài để trộn rác vào hàng nhập khẩu, tuồn về Việt Nam.

“Tại nước ngoài, việc xử lý phế liệu tiêu tốn chi phí cao hơn nhiều so với việc thuê chở về Việt Nam” - ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Phùng Chí Sỹ - Tổng thư ký phụ trách phía Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho rằng, để xảy ra tình trạng tồn hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu tại cảng, hàng phế liệu điện lạnh, điện tử bày bán công khai trên thị trường có thể do khâu cho hàng cập cảng, xuất cảng còn lỏng lẻo.

Ở nước ngoài, nếu hàng nhập cảng có dấu hiệu vi phạm, hãng tàu và thuyền trưởng sẽ bị quy trách nhiệm và có thể giữ tàu, vì thuyền trưởng hay hãng tàu phải biết rõ hàng mình chở về gồm những gì. Nhưng Việt Nam chưa áp dụng cách thức này. 

Còn ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - nói: “Chính người tiêu dùng cũng tiếp tay cho phế liệu nói chung, phế liệu điện tử nói riêng tràn vào Việt Nam. Nếu người dân không sử dụng các loại hàng này thì các DN sẽ không nhập hàng về, vì không có nguồn tiêu thụ”.  

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI