Bán lẻ Việt đang ở đâu trong cuộc chiến không cân sức?

09/11/2018 - 06:00

PNO - “Trận đấu quyền anh giữa hai đối thủ yếu, mạnh” là hình ảnh ví von cho sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ Việt với các nhà bán lẻ ngoại tại thị trường Việt Nam (VN) hiện nay.

Ông Bod Hayward, đại diện công ty KPMG đánh giá: VN là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhiều nhà bán lẻ ngoại nhìn vào “miếng bánh bán lẻ VN” rất thèm thuồng. Nền kinh tế mở thu hút nhiều nhà bán lẻ ngoại vào VN, người tiêu dùng (NTD) sẽ ngày càng được phục vụ tốt hơn và các nhà bán lẻ VN đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn.

Có thể thấy, các nhà bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường VN rất sớm, chủ yếu là mô hình cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi và mô hình đại siêu thị. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chính sách của VN mở toàn diện, cuộc cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ nội, ngoại giống như “trận đấu quyền anh”.

Ban le Viet dang o dau trong cuoc chien khong can suc?
Khách hàng ngày càng thích sự tiện lợi, nhanh chóng trong mua sắm và thói quen tiêu dùng thay đổi rất nhanh.

Ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc thương mại công ty Kantar Worldpanel cho biết, hiện tại VN có 35 siêu thị Big C, 4 trung tâm thương mại Aeon và 19 trung tâm phân phối Mega market, 100 siêu thị Co.op Mart, 160 cửa hàng Family Mart, 250 cửa hàng Co.op Food,… Sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ nội và ngoại tập trung nhiều ở phân khúc cửa hàng tiên lợi và siêu thị mini.

Các nhà bán lẻ ngoại phát triển rất mạnh tại thị trường VN, tuy nhiên hiện thị phần kênh bán lẻ hiện đại đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, mua về nhà thì bán lẻ nội chiếm 73%, 27% là chuỗi ngoại. Nếu chia khu vực thành thị và nông thôn thì ở thành thị, bán lẻ ngoại chiếm 32%, bán lẻ nội chiếm 68% ở bốn thành phố lớn (TP.HCM, HN, Đà Nẵng, Cần Thơ); còn ở nông thôn bán lẻ nội chiếm 84%, 16% còn lại là bán lẻ ngoại.

Như vậy, hiện các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần khá cao, ¾ so với ¼ là các nhà bán lẻ ngoại. Trong ba năm gần đây, các nhà bán lẻ nội vẫn duy trì được thị phần hàng tiêu dùng nhanh phân phối cho người tiêu dùng (NTD), tăng từ 72% năm 2016 lên 73% năm 2017 ở khu vực thành thị. Các mô hình bán lẻ của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) thì đại siêu thị chiếm 92%, cửa hàng tiện lợi chiếm 80%.

“Ở mô hình siêu thị và siêu thị mini, các nhà bán lẻ nội chiếm vị trí rất lớn với phân phối hàng tiêu dùng nhanh, nhưng đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi chúng ta cần phải cạnh tranh hơn nữa đối với FDI tại VN. Nhà bán lẻ VN cần thiết phải phát triển thêm mô hình đại siêu thị”, ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc thương mại công ty Kantar Worldpanel nhận định.

Theo phân tích của các công ty nghiên cứu thị trường, có thể thấy động lực tăng trưởng của nhà bán lẻ ngoại là mô hình đa kênh tích hợp.

Như Aeon dù mới nhưng phát triển nhiều mô hình khác nhau; Emart, LOTTE Mart cũng phát triển đại siêu thị, bán hàng online. Hàng ngoại nhập và hàng nhãn riêng có phân khúc thấp, trung, cao cấp định hình được thương hiệu của nhà bán lẻ ngoại đối với NTD VN.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ ngoại vào VN đem lại trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho NTD, những công nghệ trong cửa hàng đáp ứng xu hướng thích sự tiện lợi của NTD. Có thể không cần có quầy tính tiền, có robot hỗ trợ,… Công nghệ và nhãn hàng riêng sẽ mang lại giá trị cho khách hàng nhiều hơn.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ ngoại có lợi thế là họ mang đến những sản phẩm đặc trưng của nước họ phục vụ NTD VN. Họ có những cái mà nhà bán lẻ VN không có, như công nghệ quản lý của thị trường châu Âu giúp vận hành cửa hàng tốt hơn. Khi NTD VN ngày càng có nhu cầu cao hơn, các nhà bán lẻ ngoại phải bổ sung thêm các sản phẩm cao cấp phục vụ phân khúc khách hàng này.

Tại Việt Nam, thị trường thực phẩm tươi sống còn rất lớn, song phần lớn bán ở chợ, các kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% là hàng tiêu dùng nhanh.

Đây là “miếng bánh màu mõ” mà các nhà bán lẻ cần đẩy mạnh phân phối nhóm hàng này. 

Ông Bod Hayward, đại diện công ty KPMG

Về phía nhà bán lẻ nội, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho biết: nhà bán lẻ ngoại tập trung vào đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi; còn Saigon Co.op tập trung nhiều vào mảng siêu thị và siêu thị mini. Theo số liệu của các đơn vị nghiên cứu, tư vấn độc lập, hiện mảng siêu thị Saigon Co.op chiếm khoảng 98% thị phần và Saigon Coop đang tập trung phát triển cửa hàng tiện ích.

“Đại siêu thị hiện nay sân chơi thuộc về các tập đoàn nước ngoài, Saigon Co.op chưa định hình mình phát triển mảng đại siêu thị vì tiềm lực tài chính có giới hạn và đây cũng là rào cản lớn. Các đại siêu thị, trung tâm thương mại lớn để lôi kéo được KH tới đòi hỏi đầu tư rất lớn. Như Aeon đầu tư một trung tâm thương mại tốn 200 triệu USD. Tài chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thế mạnh của cạnh tranh”, ông Dũng phân tích.

Theo ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, bên cạnh những mô hình hiện tại, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển những mô hình bán lẻ mới để có thể đạt 2 triệu khách hàng tại hơn 2.000 điểm giao dịch tại Việt Nam và các vùng lân cận trong năm 2020. 

Định hướng sắp tới, song song với áp dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường, Saigon Co.op sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, sản phẩm hữu cơ….

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI