Bài 3: Thorakao – Một thời vàng son

16/09/2018 - 06:06

PNO - Hơn 60 năm xuất hiện trên thị trường, dù có giai đoạn từ đỉnh cao gần như không đối thủ đến mất dần vị thế, để cứu mình phải tìm đường xuất khẩu, Thorakao vẫn là cái tên tồn tại trong lòng nhiều phụ nữ yêu cái đẹp.

LTS: Họ là người đã gầy dựng nên những thương hiệu, sản phẩm gắn bó một thời với người dân Việt Nam, đến nỗi mà giờ đây mỗi khi nhắc đến xà bông cô Ba, kem đánh răng Hynos, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, dầu cù là Mac Phsu, bia BGI hay ngân hàng Tín Nghĩa rất nhiều người vẫn còn nhớ...

Thành công đó có được không hề dễ dàng, càng không chỉ dựa vào may mắn, mà chính từ ý chí, nghị lực, cùng tư duy kinh doanh nhạy bén biết nắm bắt cơ hội làm giàu của những con người dám nghĩ, dám làm.

Nói như ông Nguyễn Tấn Đời trong hồi ký của mình, rằng muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc của mình. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng phải có tâm, phải ngay thẳng. Còn sự may mắn là một cơn mưa cho tất cả mọi người, nếu ai biết chuẩn bị kịp thời được đồ chứa tốt và lớn thì hứng được nhiều nước trời cho…

Bài 1: Chuyện chưa nói hết về huyền thoại xà bông Cô Ba

Bài 2: Sự trở lại của Dạ Lan

Mỹ phẩm gần 10 năm giá không đổi

Cứ mỗi chiều về, cửa hàng mỹ phẩm nho nhỏ nằm ngay góc đường Điện Biên Phủ - Cách mạng tháng Tám (Q.3, TP.HCM) lại nhộn nhịp đón khách ghé mua, người hộp kem nghệ, người chai dầu gội, tuýp sữa rửa mặt,…

Thậm chí, đã thành quen, khách lâu năm chỉ cần dừng xe, gọi đích danh món hàng là nhân viên mang ra tận xe. Nhiều người thậm chí không cần hỏi giá, trả đúng số tiền vì 7 năm nay, dù vật giá thị trường leo thang, các sản phẩm Thorakao giá vẫn không đổi. Thậm chí, nhiều món rẻ tới bất ngờ, như kem nghệ, kem sâm chỉ 16.000, 17.000 đồng/lọ.

Bai 3: Thorakao – Mot thoi vang son
Giá rẻ, chất lượng ổn khiến sản phẩm của Thorakao luôn thu hút người tiêu dùng

Đúng như những gì ông Mai Tấn Dũng – Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) chia sẻ với chúng tôi: “Thorakao luôn giữ giá trị cốt lõi của mình là đảm bảo chất lượng sản phẩm có thành phần đúng tinh chất thiên nhiên như dầu gội bưởi, bồ kết; kem nghệ,... đều chắc chắn có tinh chất bưởi, bồ kết, nghệ từ thiên nhiên, chứ không dùng hóa chất thay thế. Dầu gội bồ kết có màu nâu đúng như màu thật của bồ kết chứ không phải màu đen... Giá cả hợp lý, ổn định để người tiêu dùng (NTD) luôn tin dùng”.

Ông Dũng còn cho biết thêm, Thorakao hiện có thị trường trong, ngoài nước luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng 15%/năm, đều đặn xuất hàng sang Mỹ và các nước Trung Đông với trên 500 sản phẩm các loại. Thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 55 loại sản phẩm và có mặt ở hầu hết các kênh bán hàng hiện đại, siêu thị Co.op Mart, Big C, LOTTE Mart, Emart, Auchan, Guardian, Medicare,... Ngoài ra, Thorakao còn có công ty phân phối tại Singapore để phân bổ hàng sang các nước.

Nhìn vào con số thị trường, tỉ lệ sản phẩm Thorakao trong nước chỉ bằng 1/10 so với sản phẩm phân phối ở nước ngoài, nghĩa là hiện nay doanh số nội địa thấp hơn nhiều so với xuất khẩu. Ông Dũng thừa nhận, tỉ lệ doanh số trong – ngoài nước là 30 – 70 và sở dĩ chủng loại sản phẩm xuất khẩu nhiều gấp 10 lần so với sản phẩm trong nước là vì thói quen, hành vi tiêu dùng của người nước ngoài khác NTD Việt Nam. Họ năng động, luôn thay đổi và luôn đòi hỏi mẫu mã sản phẩm mới.

Để đáp ứng nhu cầu, ngoài sản phẩm truyền thống, Thorakao liên tục nghiên cứu để cho ra các dòng sản phẩm mới như kem dưỡng da ốc sên, mủ trôm; kem nấm vân chi; tinh chất dưỡng tóc bưởi – dầu dừa – olive và mới đây nhất cho ra đời sản phẩm kem trắng da chanh sau ba năm thử nghiệm thành công…

Bai 3: Thorakao – Mot thoi vang son
Sản phẩm chiết xuất từ nghệ là thành công vang dội của Thorakao

Một thời vàng son

Năm 1957, bà Lan Hảo là mẹ vợ của ông Huỳnh Kỳ Trân – Chủ tịch HĐQT Thorakao mở xưởng sản xuất các loại kem dưỡng da mang tên Lan Hảo. Giữa “mặt trận” mỹ phẩm đến từ Pháp, sản phẩm Lan Hảo rất khó cạnh tranh bởi bao bì, nhãn mác còn hạn chế. Cộng thêm mùi thuốc Bắc đặc trưng trong sản phẩm do làm từ nguyên liệu đông dược, trân châu, thạch cao, dầu thực vật,... khiến người mua “khó ưng”.

Để bán được hàng, bà Hảo nghĩ đủ cách vừa tạo ra cung, vừa tạo ra cầu cho thị trường. Áp dụng “chiêu” bán hàng ngày xưa ông Trương Văn Bền từng làm với xà bông cô Ba, mỗi ngày, bà cho con cháu, nhân viên ra chợ hỏi tìm mua kem Lan Hảo.

Các cửa hàng bách hóa thấy có nhu cầu bắt đầu lấy hàng về bán thăm dò. Người tiêu dùng thấy sản phẩm mới có nhiều người tìm kiếm nên cũng mua dùng thử. Sau dùng thấy hiệu quả, tin tưởng, ngày càng nhiều người chọn kem Lan Hảo. 

Diễn giải rất hay về tên thương hiệu Thorakao với logo mang hình ảnh một tiên nữ Hi Lạp cách điệu, ông Trân cho biết: "Trong đạo Tin lành, chữ Tho là thiên thần, Kao là kem, Ra là ánh sáng. Thorakao là dùng kem sẽ tỏa sáng như thiên thần".

Với nền tảng 6 – 7 đời theo nghiệp y học cổ truyền, những người sáng lập, kế thừa Thorakao ngày ấy và bây giờ luôn tự tin về chất lượng sản phẩm – cốt lõi của thương hiệu.

Ông Trân là tiến sĩ về sinh hóa nên khá “ăn ý” khi kết hợp cùng gia đình vợ xây dựng thương hiệu Thorakao với các sản phẩm kem dưỡng được chiết xuất từ các loại thảo mộc thiên nhiên rất tốt và sẵn có ở Việt Nam như nghệ, bưởi, gừng, lô hội, bồ kết...

“Thừa thắng xông lên”, đến năm 1961 nhiều sản phẩm mới ra đời, như dầu gội đầu hoa hồng, xà bông thơm, nước bóng tóc paraffin,… và bắt đầu mang thương hiệu Thorakao. Chỉ sau 8 năm, Thorakao đã phát triển mạng lưới ra 6 chi nhánh ở miền Nam, một chi nhánh ở Campuchia và xuất khẩu sang nhiều nước Đông Nam Á.

Thời điểm này cũng là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trong hành trình hơn 60 năm của Thorakao, khi thương hiệu này không chỉ đứng vững tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Về sau, phải kể đến dòng kem dưỡng da chiết xuất từ nghệ của Thorakao còn tạo ra cơn sốt một thời không chỉ ở thị trường trong nước, trở thành người bạn đồng hành của hầu hết phụ nữ yêu cái đẹp, thích làm đẹp thời bấy giờ và cho đến tận nay.

Cứu thương hiệu bằng thị trường ngách, xuất khẩu

Giai đoạn năm 1987, đất nước mở cửa, nhiều thương hiệu mỹ phẩm ngoại, không chỉ của Pháp mà toàn thế giới, ồ ạt vào Việt Nam. Mỹ phẩm ngoại có bề ngoài bắt mắt, bao bì đẹp, được nhiều người ưa chuộng, nhất là phần lớn người tiêu dùng lúc này có tâm lý sính ngoại.

Bai 3: Thorakao – Mot thoi vang son
Nơi trưng bày tất cả các sản phẩm của Thorakao qua hành trình hơn 60 năm

Trong khi đó, mỹ phẩm sản xuất trong nước nói chung và Thorakao nói riêng, kỹ thuật in ấn bao bì chưa hoàn hảo, khuôn mẫu hoàn toàn làm thủ công nên hình thức khó cạnh tranh nổi với các thương hiệu ngoại. “Một thực tế phũ phàng lúc bấy giờ là từ chỗ hàng làm ra không kịp bán bỗng dưng có khi cả mấy tuần không bán được hộp kem nào. Tình trạng ế ẩm kéo dài suốt hai năm trời…”, ông Dũng ngận ngùi nhớ lại.

Chưa kể, các doanh nghiệp ngoại ngoài sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại, còn có nguồn vốn “khủng” để đầu tư mạnh cho tiếp thị, quảng bá sản phẩm; còn Thorakao không đủ năng lực tài chính để làm tiếp thị, chỉ tập trung vào sản xuất. Không đối đầu nổi với các thương hiệu mạnh, dần Thorakao chọn hướng đi vào thị trường ngách mà các đối thủ chưa tới được. Đó là thị trường nông thôn, nơi mà phần lớn người tiêu dùng chỉ có thể chi số tiền nhỏ để mua mỹ phẩm xài.

Dù vậy, trước “làn sóng” của mỹ phẩn ngoại nhập, giới trẻ Sài Thành dần không còn nhớ đến thương hiệu Thorakao vang bóng một thời, có chăng chỉ còn những chị em lớn tuổi, các nghệ sĩ gạo cội tìm mua mỹ phẩm Thorakao.

Và, để tự cứu mình, Thorakao chú trọng tìm đường xuất khẩu đến thị trường Nga vào năm 1989, khi nước Nga chuyển sang cơ chế thị trường, hàng mỹ phẩm Việt Nam bất ngờ được ưa chuộng tại đây. Dần có nhiều đối tác lớn hơn, đến nay, Thorakao đã có mặt ở cả các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Dubai, Hàn Quốc…

Bai 3: Thorakao – Mot thoi vang son
Hơn 60 năm có mặt trên thị trường, trải qua nhiều thăng trầm, Thorakao vẫn chiếm giữ được sự tin cậy của khách hàng

Giải thích cho điều này, ông Dũng cho biết: “Cốt lõi ở chất lượng sản phẩm, giá rẻ hợp lý và liên tục ra sản phẩm mới đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng. Quan trọng, đã gắn nhãn thiên nhiên thì trong thành phần sản phẩm đúng thực phải có nguyên liệu thiên nhiên, như: chanh, xả, nghệ, bưởi, bồ kết, tỏi… chứ không phải là hương liệu, hóa chất.

Cái thật sẽ chinh phục được người tiêu dùng khó tính. Bởi thế mà đến bây giờ, nhiều Việt Kiều mỗi lần về nước vẫn mua sản phẩm Thorakao số lượng lớn để vừa xài, vừa làm quà tặng cho bạn bè ở nước ngoài. Không cách tiếp thị, quảng bá nào tốt hơn bằng việc người dùng xài, cảm nhận tốt và giới thiệu với người khác. Chúng tôi có nguồn khách hàng lớn từ đây”.

Qua bao biến động, cạnh tranh, hầu hết các công ty mỹ phẩm Việt Nam chết, phá sản hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Từ hơn 400 công ty, nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trong số ít thương hiệu còn tồn tại, Thorakao là cái tên hiếm hoi trụ vững nhờ có thị trường riêng của mình với tỷ lệ tăng trưởng ổn định hằng năm.

Năm 2013, một thương hiệu ngoại đã ngỏ lời mua Thorakao với giá 30 triệu USD nhưng ông Trân đã từ chối. Ông cho rằng, nếu chỉ nhìn vào những lợi nhuận trước mắt mà không nhìn lâu dài thì vô tình mình đang bán chính mồ hôi, công sức của gia đình, bản thân với giá rẻ và sẽ phải nuối tiếc suốt đời.

“Tôi tin rằng thương hiệu mỹ phẩm Việt luôn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt, nếu chúng ta phục vụ khách hàng bằng cái tâm thể hiện qua giá trị thật, chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý”, ông Trân chia sẻ.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI