Ăn khô thủy hải sản là chấp nhận ăn hóa chất

21/09/2019 - 06:30

PNO - Ở sạp chợ, rất khó nhận biết khô thủy hải sản an toàn hay có dùng các chất cấm để bảo quản.

Tràn ngập khô trôi nổi 

Tại các chợ lẻ ở TP.HCM như chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Tân Định (Q.1), An Đông (Q.5), những mâm cá khô đủ loại được bày bán la liệt, không bao bì, nhãn mác, không được che đậy nhưng cũng chẳng thấy con ruồi nào bén mảng.

Một tiểu thương tại chợ An Đông cho biết, thủy hải sản khô của sạp lấy chủ yếu từ tỉnh Cà Mau nhưng của nhiều chủ vựa nên không thể biết nguồn gốc cụ thể. 

Nguồn khô không chỉ đến từ các nhà cung cấp trong nước. Tại các chợ, còn có nhiều loại khô ngoại từ Thái Lan, Campuchia nhưng tất cả cũng đều là hàng xá, không nhãn mác, thông tin về sản phẩm. Theo các tiểu thương, khô được thu mua trực tiếp từ người dân bên Campuchia, không thông qua thương lái nên không có hóa đơn. 

An kho thuy hai san la chap nhan an hoa chat
Khi ra đến sạp chợ rất khó để biết các loại khô đã được tẩm ướp những chất gì

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đưa ra cảnh báo, để tăng lợi nhuận và bảo quản khô được lâu, một số cơ sở chế biến thường sử dụng phụ gia, chất bảo quản không có trong danh mục được phép, hoặc dùng vượt quá giới hạn cho phép.

Đầu năm 2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau kiểm tra 700 mẫu thực phẩm thủy sản tại các cơ sở, phát hiện nhiều mẫu khô cá mối, cá thòi lòi, cá chỉ vàng chứa natri borat (hàn the), khô cá rúng và đầu cá rúng dương tính với chất trichlorphon. 

An kho thuy hai san la chap nhan an hoa chat
Khô các loại bán tại các chợ của TP.HCM được nhập từ các tỉnh miền Tây và Campuchia

Điều đáng lo ngại là, khi các sản phẩm khô ra đến chợ lẻ, rất khó kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm. Sự phân công quản lý càng khiến vấn đề này bế tắc. Chẳng hạn, tại TP.HCM, quản lý thị trường chỉ kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm, hóa đơn chứng từ, không có chức năng kiểm tra chất lượng sản phẩm; trong khi các đơn vị có chức năng kiểm tra an toàn, chất lượng thực phẩm thì mỗi năm chỉ kiểm tra 1-2 lần ở các chợ sỉ, chợ đầu mối. 

Một con khô được tẩm đủ loại hóa chất

Chủ nhiệm một hợp tác xã thủy sản tại H.Củ Chi, TP.HCM cho biết, khô là mặt hàng dễ bị tẩm ướp hóa chất nhất, vì rất khó bảo quản. Chẳng hạn, với tôm khô, không chỉ tẩm ướp gia vị mà còn phải tẩm thêm phẩm màu để tôm có màu bắt mắt, muốn để được lâu thì phải tẩm thêm chất bảo quản. Nơi nào bán tôm khô khẳng định “không chất bảo quản” là lừa dối khách hàng. 

An kho thuy hai san la chap nhan an hoa chat
Nhiều loại khô dù bán lộ thiên cả ngày nhưng ruồi nhặng không bén bảng

Việc bảo quản cá khô còn khó hơn do hàm lượng nước, đạm, chất béo thường cao, có nhiều men phân hủy. Để đối phó tình trạng phân hủy, các nhà sản xuất thường dùng clorin và clorin dioxit để bảo quản cá. Hai chất này có khả năng diệt vi khuẩn E.coli, listeria monocytogenes, pseudomonas, lactobacillus, salmonella, aeromonas hydrophila hoặc a-xít lactic, a-xít axetic, a-xít propionic và các hợp chất nitrat.

Để tăng độ ngọt, độ bong, người ta phun rửa bằng sorbitol. Các chất bảo quản này được phép sử dụng và có quy định về nồng độ. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất có bảo đảm nồng độ trong mức cho phép hay không, lại là chuyện khác. 

Để giảm giá thành, tăng lợi nhuận, thay vì sử dụng chất bảo quản được phép, một số cơ sở dùng các chất bị cấm như hàn the để kéo dài thời gian bảo quản, trichlorphon, fenbendazole để đuổi ruồi, muỗi. Những hóa chất này khi vào cơ thể người, sẽ gây tác hại âm ỉ, lâu dài trong 5-10 năm sau. 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM - cho biết, khi vào các chợ ở miền Tây Nam bộ, ông vẫn thường thấy các tiểu thương dùng những thùng hóa chất để tẩy, rửa khô rồi đem bán. Cơ quan chức năng luôn khuyến cáo người dân chọn mua khô tại những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có ngày sản xuất và hạn sử dụng nhưng được bao nhiêu phần trăm sản phẩm khô lưu hành trên thị trường có bao bì, nhãn mác, in hạn sử dụng? 

Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ người tiêu dùng là cơ quan chức năng phải tăng cường rà soát, lấy mẫu kiểm tra các cơ sở buôn bán hoặc tiểu thương tại chợ. Một năm mới kiểm tra 1-2 lần, kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì không thể kiểm soát được mặt hàng này. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI