'60 năm cuộc đời', tô mì sườn Lò Siêu

25/05/2019 - 06:49

PNO - Đi ăn khắp hang cùng ngõ hẻm để rồi có viên ngọc hủ tiếu mì kế bên phải đợi đến khi người ta khen rần rần trên facebook mới tìm đến.

Hơn nửa đời người ngang dọc ở khu Gò Cây Mai (Q.11, TP.HCM) nhưng mãi gần đây tôi mới phát hiện ra danh quán sát cạnh bên. Thế mới hay cuộc đời thật kỳ lạ, điều ta tìm kiếm nhiều khi ở cạnh mình từ bao giờ. 

Quán xưa khó tìm

Một ngày xế trưa, tôi quyết định ghé quán để thỏa mãn sự thèm ăn. Quán ghi tên đường Lò Siêu, địa chỉ mặt tiền rõ ràng nhưng tìm gần 20 phút vẫn không thấy đâu. Thì ra con đường này bị chia đôi, không liền lạc và cách nhau thăm thẳm xa. Cách tốt nhất là nhờ bác “Google” hướng dẫn. Đến nơi, tôi hơi thất vọng vì quán chẳng có chút không gian xưa kiểu người Hoa mà tôi đã hình dung với xe đẩy có tranh kiếng tích Tam Quốc Diễn Nghĩa, bàn ghế cũ kỹ nhuốm màu thời gian… Ngược lại, quán được làm theo kiểu tận dụng, miễn sao sạch gọn và có nhiều chỗ ngồi cho khách. 

'60 nam cuoc doi', to mì  suòn Lo Sieu
 

Quán khá đông khách dù đã gần trưa. Xe để kín trên vỉa hè. Khách đến đây phải ngồi ghép bàn là chuyện bình thường. Ngay cửa ra vào là khu vực bếp, chỉ có hai người đứng bán, phục vụ cho hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Không có nồi nước lèo khổng lồ để phô trương thanh thế. Mọi thứ chừng mực và nhìn không hấp dẫn lắm. Có lẽ do tôi đến muộn nên không chụp được ảnh những thau sườn dây nhìn choáng ngợp như các tín đồ ăn uống khác.

Hơi khó một chút để tìm bàn ngồi ghép chung. Chỉ có người phục vụ chạy như con thoi, còn khách gần như ngồi bất động mà rầm rì vì bàn kê san sát, muốn xoay trở cũng khó. Một chị có vẻ là quản lý xuất hiện vừa nhỏ nhẹ hỏi tôi ăn món gì rồi liền quay đi cất giọng lanh lảnh gọi món bằng tiếng Hoa, khiến tôi giật mình. 

'60 nam cuoc doi', to mì  suòn Lo Sieu

Lượng khách ngày càng đông. Sau hơn 15 phút chờ đợi, có vị khách sốt ruột nhắc lại. Người bán lại hạ giọng, nói cố gắng chờ mà không buồn nhắc lại bếp. Vậy mà người phục vụ vẫn bưng ra chính xác yêu cầu của khách. Chưa ăn mà tôi đã thấy phục cái quy trình ở đây, đông mà không rối, khá trật tự. 

Ăn sườn mà chẳng dư âm mùi sườn

Tôi gọi mì sườn vì đặc sản người Hoa là mì chứ không phải hủ tíu. Tô mì được đem ra, tôi thoáng thất vọng vì nước dùng hơi đục. Đầu bếp có vẻ lười vớt bọt xương. Miếng sườn thì công nhận trắng đẹp, chặt thành dây dài nhìn kích thích thị giác. Điểm trong tô là chút xà lách, chút hành ngò. Nếu bạn thích giá thì phải kêu thêm. Tóm lại, hình thức ở mức trung bình khá nhưng khi húp miếng nước lèo thì phải nâng hạng cho tô mì ngay. Thật thơm tho, hương và vị từ xương ngọt thanh - một kiểu ít thấy ở các tiệm mì người Hoa.

'60 nam cuoc doi', to mì  suòn Lo Sieu

Với những người quen nêm nếm gia vị mạnh tay, mì sườn nơi đây hơi nhạt, không đậm đà theo kiểu người Việt nhưng đây là đặc trưng của quán. Bởi mọi thứ đều ngọt từ xương nên chỉ có thể dừng lại ở giới hạn này. Chừng như đầu bếp của quán “không thèm” dùng gia vị để tăng thêm độ đậm đà hay nếu có nêm nếm thì cũng dùng một công thức thật đặc biệt. Nhờ vậy, khi ăn xong, tôi cảm thấy cuống họng nhẹ nhàng như tan hết vị. Tôi rất thích điều này vì vốn sợ những quán nhiều gia vị, ăn xong mà cả giờ đồng hồ sau vẫn còn ám ảnh bởi vị bột ngọt. 

Miếng sườn trong tô mì mềm vừa tới, không bị mất hết chất ngọt hay chỉ còn là bã thịt. Cái hay nằm ở chỗ quán canh sườn vừa tới độ mềm chuẩn xác như thể bà già rụng răng còn ăn được miếng sườn ở đây, nhưng không vì thế mà sườn bị hầm quá lửa, mất chất. Trong tô không có hành hay tỏi phi. Nếu bạn thích thì gọi thêm và sẽ được phục vụ miễn phí. Dường như chỉ có mì khô mới dùng kèm hành - tỏi phi. Có lẽ do chủ quán sợ làm hỏng mùi nước lèo. Mì tươi ăn cùng có độ dai vừa phải nhưng với tôi, sợi mì ấy không quá nổi bật. 

'60 nam cuoc doi', to mì  suòn Lo Sieu

Bạn sẽ không thể bỏ qua chén nước gừng ngòn ngọt dùng để chấm sườn. Nhiều người cho rằng đây là tuyệt chiêu của quán để nâng vị món ăn. Có người cứ để nguyên như thế mà chấm nhưng phần lớn khách sành ăn đều chế thêm tương và giấm để tăng phần đậm đà. Ngoài sườn, quán còn bán thêm món gà và cũng được nhiều người ưa chuộng. 

Ly trà sữa đầy bất ngờ

Một trong những thức uống hấp dẫn của quán mà tôi được cô gái đối diện mách bảo nên dùng thử là trà. Và nhìn lại thấy ai cũng gọi một ly trà chanh hay trà sữa. Theo lời cô gái ấy, không ít khách đến quán còn vì ly trà sữa chứ không phải chỉ vì tô mì. Cô gái nhỏ to, đây là kiểu trà sữa chuẩn Hồng Kông giống phim TVB.

Điều này không biết thực hư thế nào nhưng uống thử ly trà sữa, tôi thấy khá đặc sắc, mùi vị khác hẳn với trà sữa của các thương hiệu nổi tiếng hiện nay. Vị trà không dậy lên từ đầu mà chỉ thơm thoang thoảng. Chủ yếu là vị và hương béo nồng nàn theo kiểu xưa. Tuy nhiên, nếu giảm chút ngọt chắc sẽ đạt điểm tuyệt đối.

'60 nam cuoc doi', to mì  suòn Lo Sieu

Thật tình tôi rất muốn tìm hiểu thêm về quán nhưng thấy mọi người nơi đây như quay cuồng với lượng khách ra vào liên tục, tôi chỉ dám hỏi một câu, rằng: “Quán ra đời lâu chưa hả chế?”. Dù đang bận rộn, chị quản lý cũng vui vẻ trả lời: “60 năm cuộc đời rồi hia”. Rồi cái giọng lanh lảnh lại vút lên một tràng tiếng Hoa mà tôi không hiểu nghĩa. Theo nhiều khách quen, quán ra đời từ trước năm 1975. Mà thật ra, tuổi đời cũng không quan trọng bằng hương vị được lưu truyền đến tận hôm nay. 

Ăn mì “nhà xác”

Quận 11 còn có một tiệm mì nổi tiếng mà nhiều người như tôi vẫn quen gọi là mì “nhà xác”. Sở dĩ, có tên gọi đó là vì tiệm nằm trên đường Lê Đại Hành, đoạn gần nhà đại thể của bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ dân mạng mà tôi mới biết tên chính thức của tiệm là Thiệu Ký và tiệm có lịch sử hơn 70 năm.

Đây là một trong những tiệm mì đặc trưng của người Hoa với đủ các món từ mì xá xíu đến hoành thánh, bò kho, sườn kho… Quán dùng mì tươi là chính. Trong mỗi tô mì thường có miếng bánh tôm kiểu người Hoa giòn giòn. Tôi thường nhúng bánh tôm vào nước lèo để tăng độ béo. Các tiệm mì người Hoa chỉ bán trong một khoảng thời gian nhất định nhưng xe mì Thiệu Ký lại mở từ sáng sớm cho đến tận giữa đêm nên thu hút rất đông khách.  

Phạm Dzoãn Đoàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI