17 ngân hàng Việt Nam bị xem xét hạ bậc tín nhiệm

11/10/2019 - 11:57

PNO - Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service đưa ra thông báo về việc đưa 17 ngân hàng Việt Nam vào diện xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm trong kỳ sắp tới.

Trong số 17 ngân hàng này, Moody's cũng xem xét Đánh giá Tín dụng Cơ bản (BCA) và BCA điều chỉnh của 4 ngân hàng và bậc Đánh giá Rủi ro Đối tác (CRA) dài hạn của 9 ngân hàng.

Trong số các nhà băng Việt bị Moody’s đưa vào diện xem xét lần này có bốn ngân hàng thuộc khối nhà nước gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV. Nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cỡ lớn hiện nay cũng nằm trong danh sách bị xem xét hạ bậc tín nhiệm gồm MBBank, Techcombank, VPBank.

Moddy’s cho biết, đã nhận được thông tin Chính  phủ Việt Nam hoãn thanh toán một số nghĩa vụ nợ. Dù các chủ nợ sẽ gần như không thiệt hại hoặc chỉ thiệt hại tối thiểu, song khoảng trống về điều tiết khiến việc thanh toán bị chậm lại có thể phản ánh mức tín nhiệm hiện tại không còn tương thích với mức xếp hạng Ba3 (có rủi ro tín dụng). Việc hoãn thanh toán cho thấy điểm yếu về thể chế.

Moody’s dự báo nợ của Việt Nam vẫn ổn định, dưới 50% GDP. Dù sức khỏe tài chính của các nhà băng đã cải thiện gần đây, hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn rủi ro chính với Việt Nam. Moody’s cũng đề cập đến các rủi ro về môi trường và quản trị với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Hãng đánh giá quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang diễn ra khá chậm chạm. Moody’s sẽ hạ tín nhiệm của Việt nam nếu quá trình xem xét kết luận khoảng trống về hành chính vẫn tồn tại và gây ra rủi ro về việc chậm trả nợ trong tương lai.

17 ngân hàng Việt được đề cập đến gồm:

(1) Ngân hàng TMCP An Bình (ABB)

(2) Ngân hàng TMCP Á châu (ACB)

(3) Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank)

(4) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

(5) Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

(6) Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB)

(7) Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank)

(8) Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)

(9) Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

(10) Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

(11) Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)

(12) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agirbank)

(13) Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)

(14) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)

(15) Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB)

(16) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)

(17) Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank)

Trong thông cáo phát đi chiều ngày 10/10, Bộ Tài chính khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam và diện xem xét để hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Việt Nam chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đến từ đánh giá những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ. Cơ quan này cho biết đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.

Thông cáo cũng cho rằng Moody’s chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ, bỏ qua các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục. Việc Moody’s đưa ra thông tin báo chí trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ, có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ Tài chính mong Moody’s sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên và sẵn sàng trao đổi, làm việc, cung cấp thông tin cho Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác.

Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI