Xin tị nạn chính trị, cựu Thủ tướng Yingluck nối gót anh trai?

29/09/2017 - 09:42

PNO - Một nguồn tin trong đảng Pheu Thai của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm 28/9 cho biết, bà đang ở London và tìm cách tị nạn chính trị ở Anh.

Động thái mới của bà Yingluck cho thấy bà đã quyết định lựa chọn sống lưu vong giống như anh mình – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Năm 2006, sau khi bị đảo chính quân sự lật đổ, ông Thaksin sống lưu vong để tránh đối diện với cáo buộc tham nhũng trong nước.

Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha hôm 28/9 cho biết bà Yingluck đang lẩn trốn ở Dubai. Ông Thaksin Shinawatra cũng đang sống tại đây.

Xin ti nan chinh tri, cuu Thu tuong Yingluck noi got anh trai?
Cựu Thủ tướng Thái Lan: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ trốn” - Ảnh: CNN

Nhưng nguồn tin của đảng Pheu Thai nói rằng bà Yingluck đã rời Dubai đến London hai tuần trước.

Đáp lại câu hỏi của báo giới, Văn phòng Bộ Nội vụ của Anh, cơ quan xử lý các đơn xin tị nạn, từ chối cung cấp thông tin các trường hợp cụ thể đang giải quyết.

Giống như anh trai, bà Yingluck bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Bà bị cấm rời khỏi Thái Lan nếu không có sự chấp thuận của tòa án từ năm 2015, khi bắt đầu các phiên tòa xét xử bà.

Bỏ trốn ra nước ngoài, số phận của của bà Yingluck, ngôi sao chính trị từng một thời sáng chói ở Thái Lan coi như đã được định đoạt. 

Và việc ra đi của bà được nhận định là báo hiệu sự cáo chung của dòng họ Shinawatra trên chính trường Thái Lan.

"Tôi không bao giờ nghĩ đến việc trốn chạy”

Năm 2016, bà Yingluck cam kết sẽ tham dự đầy đủ các phiên tòa xét xử bà và tuyên bố sẽ không tìm cách trốn khỏi đất nước.

Người dân Thái Lan còn nhớ những lời nói mạnh mẽ của nữ chính khách xinh đẹp nhà Shinawatra: "Tôi quyết tâm tranh đấu cho vụ án của mình. Mọi con mắt đều hướng về tôi, nên tôi có nghĩa vụ và trách nhiệm để theo đuổi vụ này. Tôi cam đoan với các bạn, tôi không bao giờ nghĩ đến việc trốn chạy!”.

Tòa án Tối cao Thái Lan trong tuần này đã kết án vắng mặt bà Yingluck 5 năm tù giam vì tội buông lỏng trách nhiệm trong chương trình trợ cấp giá gạo gây tranh cãi, gây thiệt hại cho Thái Lan hàng tỷ đô la.

Trước đó, bà Yingluck đã bỏ trốn khỏi đất nước, không có mặt tại tòa nghe tuyên án.

Khoản tiền bảo lãnh tại ngoại 30 triệu baht (900.000 USD) của bà Yingluck, được công bố khi phiên xét xử bắt đầu cách đây hơn hai năm, đã bị tòa án tịch thu.

Xin ti nan chinh tri, cuu Thu tuong Yingluck noi got anh trai?
Sự ra đi của bà Yingluck báo hiệu sự cáo chung của dòng họ Shinawatra trên chính trường Thái Lan - Ảnh: Getty Images

Sự vắng mặt của bà Yingluck trong phiên điều trần tháng Tám vừa qua là một “bất ngờ lớn” đối với hầu hết mọi người ở Thái Lan. 

Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, nói với báo giới vào thời điểm đó rằng "cách thức bà ấy đấu tranh có vẻ như bà đã sẵn sàng trải qua thử thách”.

Ông Thitinan cho biết quyết định vắng mặt tại phiên tòa của bà Yingluck sẽ là cái cớ để chính phủ quân sự mạnh tay hơn đối với bà, và từ chỗ không muốn đưa bà vào tù tòa án đã kết án bà 5 năm tù giam.

Đáng chú ý là, sau khi bà Yingluck vắng mặt, nguy cơ bất ổn trong nước được đánh giá là “không cao”.

Đánh mất quyền lực

Khi tuyên thệ nhậm chức vào năm 2011, bà Yingluck trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan và là vị thủ tướng trẻ nhất của nước này trong hơn 60 năm qua.

Sau cuộc đảo chính năm 2014, bà Yingluck đã bị luận tội liên quan tới chương trình lúa gạo nhiều tranh cãi, và nhà chức trách Thái Lan tuyên bố cấm bà tham gia hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Vào thời điểm đó, bà Yingluck nói rằng bà đã cư xử một cách trọn vẹn và trung thực trong thời gian bà làm thủ tướng.

Bà Yingluck bị Ủy ban Chống Tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) điều tra vụ trợ giá lúa gạo, và bị đưa ra tòa. Các phiên tòa đến nay đã kéo dài hơn 2 năm.

Chương trình trợ cấp giá lúa gạo được triển khai năm 2011, theo đó, cam kết trả tiền cho nông dân cao hơn mức giá thị trường để mua lúa gạo của họ.

Những người phản đối nói rằng chương trình làm lãng phí nặng nề công quỹ để cố gắng làm hài lòng các cử tri ở nông thôn, ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và để lại cho chính phủ kế nhiệm những kho dự trữ gạo khổng lồ chỉ có thể bán ra với giá lỗ.

Biện minh cho quan điểm của mình, bà Yingluck nói rằng chương trình trợ giá gạo "có lợi cho nông dân và đất nước" và tuyên bố những khoản tiền lỗ là không đúng và bị nhuộm màu sắc chính trị chống lại bà.

Thiện Đạo (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI