Văn hóa tự sát ám ảnh người dân Nhật Bản

02/11/2017 - 15:55

PNO - Vụ bắt giữ nghi phạm được cho là 'sát nhân hàng loạt' gây chấn động Nhật Bản, một lần nữa nhắc lại văn hoá tự sát tại Nhật, quốc gia có số vụ tự tử nhiều nhất nhì thế giới.

Mới đây, nước Nhật bàng hoàng khi báo giới đưa tin về việc phát hiện các mảnh của 9 thi thể người tại nhà một người đàn ông 27 tuổi, ở thị trấn Zama, ngoại ô Tokyo. 

Những gì cảnh sát phát hiện ở căn nhà này giống như trong phim kinh dị chiếu mùa Halloween: Trong nhà có 9 xác người bị cắt, bao gồm 8 phụ nữ và một nam giới, chứa trong các tủ làm mát, và các thủ cấp được giấu trong các hộp chứa phân mèo để “che giấu mùi hôi”.

Người thuê nhà là Takahiro Shiraishi, một thanh niên 27 tuổi, đã bị bắt vì tình nghi là kẻ giết người hàng loạt. Shiraishi khai báo một chi tiết đặc biệt gây sốc, đó là y quen các nạn nhân và giúp họ tự tử.

Theo thống kê, tỷ lệ tự tử tại Nhật đang ở mức cao nhất nhì thế giới. Vào năm 2014, ước tính có khoảng 25.000 người Nhật tự sát, tương đương 70 vụ mỗi ngày.

Những năm gần đây, nhờ động thái tích cực từ chính phủ, con số này giảm mạnh còn 21.897 vụ vào năm 2016, nhưng vẫn cao thứ nhì trong nhóm nước phát triển.

Van hoa tu sat am anh nguoi dan Nhat Ban
Truyền thống samurai có thể là yếu tố góp phần vào nạn tự tử tại Nhật.

Mọi người xem truyền thống lâu đời của Nhật Bản về “tự tử danh dự” là lý do giải thích cho tỷ lệ tự sát cao.

Việc các Samurai thực hiện lễ mổ bụng "seppuku" hoặc các phi công cảm tử "kamikaze" năm 1945, cho thấy những lý do văn hoá khiến người Nhật cảm thấy việc ra đi chỉ "nhẹ như lông hồng".

Mặt khác, trong 40 năm qua, thế hệ dân số già ngày càng gặp nhiều rắc rối về tài chính, dẫn đến việc họ xem tự tử như là một giải pháp dễ dàng.

Lý do vì hệ thống bảo hiểm ở Nhật rất lỏng lẻo khi chi trả tiền cho những vụ tự tử.

Van hoa tu sat am anh nguoi dan Nhat Ban
Nhiều người lớn tuổi bị cô lập và túng quẫn trong xã hội ngày càng phát triển.

Khi thất bại trong cuộc sống, một số người nghĩ rằng họ nên tự sát và bảo hiểm sẽ lo phần còn lại. 

Ngoài ra, Nhật Bản luôn được biết đến như là vùng đất “tham công tiếc việc”. Trong khi nhiều người cao tuổi vẫn được hưởng đãi ngộ việc làm và các phúc lợi hào phóng, gần 40% thanh niên ở Nhật Bản không thể tìm công việc ổn định.

Công nghệ càng khiến mọi thứ tồi tệ hơn, bằng cách làm tăng sự cô lập của những người trẻ tuổi.

Nhật Bản nổi tiếng với một tình trạng tự cô lập xã hội gọi là “hikikomori”; theo đó, các thanh thiếu niên tự nhốt mình trong phòng hàng tháng trời. Và khi những người trẻ tuổi thấy mình bị cô lập, chán nản, họ cũng chẳng có nơi nào để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Van hoa tu sat am anh nguoi dan Nhat Ban
Bản thân những người trẻ tuổi cũng xa lánh xã hội, họ như những "cậu ấm cô chiêu" chỉ biết sống trong căn phòng nhỏ của mình.

Bệnh tâm thần vẫn còn là một điều cấm kỵ, người dân ít hiểu biết về trầm cảm. Do vậy, những người mắc các triệu chứng tâm lý thường quá sợ hãi để nói về nó.

Vấn nạn bắt nạt (đặc biệt là ở trường học) là một trong những vấn đề xã hội dẫn đến tỷ lệ tự sát ở Nhật cao. Hằng năm có không ít trường hợp tự sát do hàng loạt các vụ bắt nạt ở trường.

Ngay cả khi một học sinh tự sát, nhà trường vẫn sẽ không thừa nhận rằng có nạn bắt nạt xảy ra và chối bỏ rằng cái chết của em học sinh không liên quan gì đến họ.

Ám ảnh nhất trong văn hóa tự sát của người Nhật có lẽ là khu rừng Aokigahara. Hẻo lánh, ít người, nơi đây là địa điểm lý tưởng dành cho những kẻ tuyệt vọng, muốn biến mất khỏi thế giới.

Van hoa tu sat am anh nguoi dan Nhat Ban
Khu rừng tự sát là nơi đến cuối cùng của hàng nghìn người dân Nhật Bản trong vòng 50 năm trở lại đây.

Người dân đồn rằng hoạt động tự sát tại đây bắt đầu sau khi nhà văn Seicho Matsumoto xuất bản cuốn sách “Kuroi Kaiju - Biển cây đen ngòm” vào năm 1960.

Trong truyện, đôi tình nhân yêu nhau đã tìm tới cánh rừng để tự sát. Tuy nhiên lịch sử đen tối của khu rừng vốn dĩ đã xuất hiện từ lâu trước khi cuốn sách ra đời.

Thậm chí một nhà văn khác, Wataru Tsurumui, còn viết ra cuốn sách gây tranh cãi mang tên The Complete Suicide Manual (Cẩm nang tự sát hoàn chỉnh). Cuốn sách này mô tả nhiều điểm tự sát lý tưởng và gọi Aokigahara là “nơi tuyệt vời để chết”.

Nhiều cách tự sát có phần rùng rợn, chẳng hạn như vụ tự thiêu vào năm 2015 của một người đàn ông độc thân, 71 tuổi trên tàu cao tốc ở Nhật Bản.

Các nhân chứng nói rằng người đàn ông này đã tự dội xăng lên người, xua đuổi các hành khách tránh xa trước khi châm lửa tự thiêu.

Van hoa tu sat am anh nguoi dan Nhat Ban
Các chuyến tàu ở Nhật ít khi trễ, nếu có, đấy thường là do ai đó đã nhảy vào đoàn tàu tự sát.

Ga Shin-Koiwa ở Tokyo là một trong những điểm tự sát nổi tiếng nhất của đất nước. Trong những năm qua, nhà ga vẫn liên tiếp chứng kiến những vụ tự tử.

Ví dụ trong gia đoạn 2011 - 2013, có tổng cộng 13 sự cố chết người tại trạm Shin-Koiwa. Đa số dường như là tự tử, chỉ một số ít có lẽ do nạn nhân bất cẩn té vào đường ray.

Van hoa tu sat am anh nguoi dan Nhat Ban
Tài liệu phát tại ga tàu ghi hướng dẫn và số điện thoại cần biết khi gặp người muốn tự tử.

Một trào lưu đáng sợ khác xuất hiện cùng internet và mạng xã hội chính là tự tử tập thể. Chẳng khó khăn để mọi người tham gia vào một trang web, nhóm kín trên mạng, cùng nhau lên kế hoạch tự sát.

Nhưng cơ quan chức năng lại gặp nhiều thử thách khi tìm cách kiểm soát hoạt động của những trang web “thần chết” này, vì chúng thường xuất hiện theo thời vụ. Khi mọi thứ được đưa ra ánh sáng thì cũng đã muộn.

Linh La (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI