Từ nước Pháp nghĩ về xuân xa quê: 'Tết ở trong lòng'

06/02/2019 - 06:00

PNO - Những ngày này, khi tết ở Việt Nam đang đến rất gần thì tôi chỉ có thể cảm nhận tết qua… Facebook.

Tết lấn vào tâm trí tôi ngay từ nửa tháng trước, khi bạn bè bắt đầu đăng những hình ảnh đầu tiên về tiệc tất niên ở công ty, tiệc cảm ơn của đối tác, rồi xa gần chuyện tiền thưởng, chuyện nghỉ lễ, vv…

Thế rồi tết ập đến thật nhanh và mạnh mẽ như một cơn sóng thần. Mạng xã hội dồn dập những tin bà con lục tục trở về quê. Sài Gòn, Hà Nội bắt đầu những ngày kẹt xe kinh hoàng, rồi bỗng chốc hiền hòa trở lại lại ngay trước thềm năm mới, khi người ở tỉnh đã về hết, chỉ còn lại là chợ tết, đường hoa, hội hoa xuân.

Tôi thấy hình bạn bè, người thân ở quê đi chợ hoa, đi sắm tết, trang hoàng nhà cửa. Nhà thì mai, thì đào; nhà thì lan, thì cúc... Rồi mâm ngũ quả, bánh chưng, thịt gà, mổ heo, vv… Tôi dường như bị cuốn vào những câu chuyện tết nhất của họ đến nỗi khó dứt ra nổi. Bởi cứ mỗi lần buông điện thoại xuống là tôi phải quay trở về thực tại: Tôi đang ở cách Việt Nam hàng chục ngàn cây số.

Tu nuoc Phap nghi ve xuan xa que: 'Tet o trong long'
Người Việt ở Paris gói bánh chưng những ngày tết Kỷ Hợi. Ảnh: Minh Phượng.

Tiết trời chỗ tôi ở dạo này cũng âm u, không mưa, không nắng, lạnh hanh khô, càng làm cho nỗi nhớ quê nhà thêm da diết. Khí hậu này đã giống lắm rồi, có thiếu chăng là những gánh hàng hoa, những chiếc xe chở mai, đào, quất trên khắp mọi nẻo đường. Và đặc biệt là cái không khí chộn rộn, hối hả trước tết thì tôi đành… chào thua, không tìm đâu ra được.

Đây là tết đầu tiên tôi thực sự xa quê, khi cuộc đời rẽ lối đưa tôi đặt chân đến Pháp. Có người bảo tết bây giờ cũng biết bao người kéo nhau đi du lịch nước ngoài đấy thôi, có gì đáng kể đâu. Ừ thì vẫn biết là thế, nhưng tâm thế của người đi du lịch đổi gió vài ngày tết khó mà so được với nỗi lòng của kẻ xa quê để bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới nơi xứ lạ.

Để tránh cho mình khỏi chìm đắm trong nỗi thèm tết, tôi bắt đầu hỏi bạn bè tại Pháp xem mọi người đón tết thế nào. Các bạn tôi ở Paris thường tham dự lễ mừng năm mới âm lịch do Hội người Việt Nam tổ chức. Họ rủ tôi lên Paris chơi dịp này vui lắm. Tôi ậm ừ vì bản thân cũng không hào hứng lắm với lễ hội đông đúc. Tết với tôi là để dành cho gia đình. Hơn nữa, từ chỗ tôi đi Paris cũng cả nửa ngày đường.

Một số bạn khác thì đón tết như bất cứ gia đình nào ở Việt Nam. Paris có khu chợ châu Á, bán đủ thứ không thiếu món gì, từ lá dong gói bánh chưng cho đến tất tần tật các kiểu gia vị, hay trái cây nhiệt đới. Nhiều siêu thị còn “chiều” khách châu Á đến nỗi trưng bày cả heo vàng - linh vật của năm mới Kỷ Hợi. Nhưng chỗ tôi ở thì khá xa xôi để hấp dẫn dân châu Á tụ về.

Tôi quyết định đi tìm đồng hương trong vùng xem biết đâu có thể ăn tết cùng chăng. Vùng này không phải chốn đô thị như Paris hay khu Little Saigon ở California để có thể ra đường là đụng người Việt. Loanh quanh khu trung tâm, tôi may mắn tìm được một nhà hàng Việt Nam. Hỏi chuyện anh chủ quán mới biết gia đình anh sang đây từ hai năm trước, nhưng công việc nhà hàng, con cái bận rộn nên họ cũng không có điều kiện đón tết Việt. Anh bảo trong vùng có khoảng 100 người Việt nhưng không có hoạt động cộng đồng nào đặc biệt.

Trở về nhà trong nỗi thất vọng nhẹ, tôi đem chuyện của mình chia sẻ với một người bạn ở xa. Chị bảo trước đây cũng hay tham gia hoạt động hội nhóm vào mỗi dịp tết, nhưng từ khi chuyển nhà đi nơi khác thì không còn cơ hội nữa vì chỗ chị ở cũng không có người Việt Nam. Từ hai năm nay, chị tự tạo không khí tết cho riêng mình. Ngày 30 tết thì bật VTV cả ngày, rồi nấu những món ăn truyền thống để cùng chồng cúng trời đất, tổ tiên vào đúng lúc giao thừa.

Bạn tôi kể, chị từng nghe nhiều người hỏi bên này có tết không. Chị trả lời: "Có hay không là do mình tạo ra. Mình thích thì cứ tự tạo niềm vui cho mình thôi". Tôi như sực tỉnh: Ừ nhỉ, tại sao lại để niềm vui của mình phụ thuộc vào hoàn cảnh, vào người khác. Tết với mỗi người Việt đã thường trực trong máu, chỉ cần hành động một chút thôi là tết chẳng từ chối ai cả.

Tu nuoc Phap nghi ve xuan xa que: 'Tet o trong long'
 

Tôi nói chuyện với chồng về tết truyền thống, về tập tục cúng tất niên, giao thừa và cả tâm trạng khó tả của mình. Anh đề nghị tôi nhân dịp này lập bàn thờ giống như nhà ở Việt Nam, để sau này thuận tiện cho việc thờ cúng tổ tiên. Rồi chúng tôi đi mua gỗ đóng bàn thờ; đi chợ mua đồ để tôi nấu món miến măng, làm chả giò, nấu xôi; ghé tiệm hoa mua chậu lan còn chúm chím nụ, với hy vọng cánh hoa đầu tiên sẽ hé mở đúng vào mùng Một. Chúng tôi cũng quyết định mời một vài người bạn Pháp của chồng đến nhà để chung vui dịp tết này.

Tôi bắt đầu lấy cây đàn ghi-ta bị lãng quên từ lâu tập chơi bài ca xuân, mong có gì đó đặc biệt tặng bạn bè, người thân dịp năm mới.

Xuân dường như đã đến bên thềm…

Yến Lam (từ Pháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI