Từ mạng xã hội đến 'bãi chiến trường'

03/04/2019 - 06:25

PNO - Không ai tiên liệu được tiến triển của mạng xã hội và chỉ trong thời gian ngắn, Facebook Group là “chỗ trú ẩn” lý tưởng cho những băng nhóm tội phạm có hành vi gây hại cộng đồng.

Khi mạng xã hội ra đời, khó ai tưởng tượng được nơi mà mọi người tự do chia sẻ thông tin lại có ngày bị biến thành nơi tung hoành của các băng nhóm bạo lực. Một lời kích động trên mạng xã hội có thể dẫn tới cái kết đau lòng ngoài đời. 

Bị bắn chết vì lời thách thức trên mạng

Ngày 31/3 vừa qua, Joseph Eschief - 37 tuổi, thành viên một băng đảng tội phạm - đã bị tuyên án tù 7 năm vì đe dọa tấn công Sở Cảnh sát Salt River, bang Arizona, Mỹ. Có trong hồ sơ theo dõi từ lâu của cảnh sát, Joseph Eschief thản nhiên dùng mạng xã hội đăng ảnh từng thành viên của Sở Cảnh sát Salt River rồi dùng lời lẽ ngông cuồng, thóa mạ và kêu gọi “đồng bọn” hãm hại họ. Mạng xã hội là thế giới ảo nhưng nội dung chia sẻ và ảnh hưởng là thật, và Joseph Eschief đã phải chịu trách nhiệm về hành vi gây hấn của mình. 

Tu mang xa hoi den 'bai chien truong'
Nhóm bí mật với hơn 300.000 thành viên có cùng quan điểm kích động bạo lực, giở trò đồi bại với phụ nữ

Cảnh sát trưởng Amanda Steele của Sở Cảnh sát Salt River cho biết: “Đây là lần đầu tiên, cá nhân có hành vi đe dọa nhân viên cảnh sát thông qua nội dung đăng tải trên mạng xã hội phải chịu hình phạt. Tội phạm ngày nay hoạt động trong không gian mở và đó là thách thức đối với cảnh sát chúng tôi. Việc công nhận lời đe dọa trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật chính là cơ sở giúp cảnh sát thực hiện nhiệm vụ của mình một cách sát sao hơn”.  

Nhiều người trẻ thể hiện “bản lĩnh” bằng cách lên mạng xã hội đòi “xử lý”, “thanh toán” nhau ngoài đời thật và tin rằng đây là cách khẳng định giá trị bản thân. Niềm tin lệch lạc này đã dẫn đến những thảm cảnh đau lòng. Gakirah Barnes (19 tuổi) có biệt danh là “nữ hoàng thiếu niên” trong thế giới băng đảng gồm những thanh thiếu niên chọn lối sống bạo lực ở Chicago, Mỹ.

Gakirah Barnes tận dụng mạng xã hội Twitter đánh bóng tên tuổi, tạo vẻ ngoài bất cần, sẵn sàng gây chiến. Cô gái trẻ này đã đăng ảnh mình cầm súng thách thức đối thủ là những tay chơi đường phố ở địa bàn khác, kèm theo đó là địa chỉ căn hộ mà cô đang ở. Vài giờ sau, người ta phát hiện xác cô gái trẻ này cách địa chỉ cô cung cấp vài trăm mét. Một băng nhóm khác đã “thanh toán” Gakirah Barnes để dằn mặt. 

Sáu năm trước, khi mạng xã hội Facebook ra mắt tính năng tạo nhóm (Facebook Group), mạng xã hội này hướng đến việc xây dựng những cộng đồng có mối quan tâm chung, hướng đến lợi ích người dùng. Không ai tiên liệu được tiến triển của mạng xã hội và chỉ trong thời gian ngắn, Facebook Group là “chỗ trú ẩn” lý tưởng cho những băng nhóm tội phạm có hành vi gây hại cộng đồng.

Truyền thông Mỹ từng phanh phui một băng nhóm hoạt động với lượng thành viên hơn 300.000 người và nội dung chia sẻ, đăng tải trong nhóm là những lời kêu gọi xâm hại tình dục, phỉ báng nữ giới, chia sẻ hình ảnh đồi trụy, bạo lực đối với nữ giới. Nhóm chỉ kết nạp thành viên nam có cùng quan điểm. Những nội dung “bẩn” được phát tán trong một thời gian dài.

Tu mang xa hoi den 'bai chien truong'
Gakirah Barnes phải trả giá vì nội dung kích động do chính cô phát tán

Không một thống kê nào chỉ ra có bao nhiêu vụ xâm hại nữ giới được “truyền cảm hứng” từ nhóm này. Câu hỏi được đặt ra là, nhóm quản lý nội dung Facebook đã ở đâu, làm gì khi những nhóm như thế này vẫn tồn tại. 

Nhà mạng phải tỏ rõ trách nhiệm 

Tháng 3/2019, thế giới rúng động trước vụ xả súng làm 50 người chết ở thành phố Christchurch, New Zealand. Điều đáng sợ là tên sát nhân đã livestream (phát trực tiếp) 17 phút đẫm máu ấy lên mạng xã hội. Facebook đã xóa hơn 1,5 triệu bản sao video ngay trong 24 giờ sau vụ xả súng nhưng cũng không thể ngăn nổi những video đã bị sao chép và phát tán trên các nền tảng mạng xã hội khác như YouTube, Instagram, Twitter.

Tên sát nhân ấy hiểu “khẩu vị” của những người trẻ thích bạo lực và “mảnh đất” cho mầm mống bạo lực ấy phát triển chính là mạng xã hội. Chính phủ New Zealand ngay lập tức tuyên bố áp dụng mức án lên tới 14 năm tù, phạt 7.000 USD đối với người phát tán video vụ thảm sát.

Facebook và các mạng xã hội luôn khẳng định họ nỗ lực giảm thiểu sức ảnh hưởng và sự lan tỏa hình ảnh, nội dung bạo lực nhưng không có gì để bảo đảm. Lời cam kết đã được đưa ra từ nhiều năm trước nhưng diễn biến thực tế ngày càng tồi tệ. Tiến sĩ Simon Harding - giảng viên chuyên về tội phạm học ở Anh - cho biết, 5 năm trước, ông cùng các cộng sự của mình theo dõi tình trạng các băng nhóm tội phạm, giang hồ sử dụng mạng xã hội phục vụ cho các kế hoạch phạm tội.

Mỗi năm, số vụ mà nhóm này lần theo được tăng đều đặn gấp 2-3 lần. Theo tiến sĩ Simon Harding, một trong những cách quan trọng nhất giảm thiểu thực trạng này là giải pháp giáo dục. Nhà trường cần biết những gì đang diễn ra và có một lộ trình giáo dục người trẻ về cách sử dụng internet, mạng xã hội có ý thức hơn. 

Hành lang pháp lý cần được cải thiện nhằm hạn chế các băng nhóm tội phạm tác oai tác quái. Australia và Singapore là hai quốc gia đã có những điều chỉnh kịp thời các quy phạm pháp luật nhằm hạn chế bạo lực từ các băng đảng trên mạng xã hội. Ngày 30/3 vừa qua, Australia cho biết, họ sẽ siết chặt luật nhằm ngăn chặn mạng xã hội biến thành phương tiện cho những kẻ có khuynh hướng bạo lực, cực đoan lợi dụng kêu gọi hoặc thực hiện hành vi bạo lực.

Luật này nhắm vào túi tiền của những nhà điều hành mạng xã hội và cả trách nhiệm pháp lý của họ. Nghĩa là, ngoài chịu hình thức phạt tiền, các nhà điều hành mạng xã hội trên lãnh thổ Australia còn có thể bị phạt tù nếu thiếu trách nhiệm trong việc quản lý nội dung. Singapore đầu tháng này cam kết sẽ có luật mới cho phép chính phủ có nhiều quyền hơn trong việc quản lý nội dung đăng lên mạng xã hội, nhằm ngăn chặn bạo lực tràn lan trên mạng. 

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI