Trung Quốc và mốc son lịch sử trên Mặt Trăng

03/01/2019 - 13:57

PNO - Lần đầu tiên, Trung Quốc hạ cánh thành công tàu thăm dò mang theo robot thám hiểm ở nửa khuất của Mặt Trăng, đặt dấu mốc mới trên con đường trở thành cường quốc công nghệ vũ trụ.

Trung Quoc va moc son lich su tren Mat Trang
Mẫu thiết kế xe tự hành của tàu thăm dò Hằng Nga 4 (Chang'e 4).

Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hạ cánh tàu thăm dò Hằng Nga 4 vào lúc 10g26 sáng, giờ Bắc Kinh, hôm thứ Năm 3/1, tại Cực Nam - lòng chảo Aitken. Đây vốn là một miệng hố sâu nhất, cổ xưa nhất hình thành sau các vụ va chạm thiên thạch.

Theo truyền thông Trung Quốc, tàu thăm dò đã truyền hình ảnh tầm gần đầu tiên của khu vực ở nửa khuất của Mặt Trăng, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Nửa khuất của Mặt Trăng là phần bán cầu không thể nhìn thấy từ Trái đất. Đôi khi nơi đây bị gọi nhầm là "phần tối của Mặt Trăng", mặc dù tại đây vẫn nhận đầy đủ ánh sáng Mặt Trời như nửa đối diện với Trái đất.

Trung Quoc va moc son lich su tren Mat Trang
 
Trung Quoc va moc son lich su tren Mat Trang
Khu vực Cực Nam - lòng chảo Aitken trên Mặt Trăng

Do vị trí nằm ngược hướng Trái đất, nửa khuất của Mặt Trăng không bị nhiễu bởi tần số vô tuyến và vệ tinh trên Mặt Trăng cũng không thể liên lạc trực tiếp với trung tâm điều khiển tại mặt đất.

Điều này là một trong các lý do khiến nhiều cơ quan không gian khác tránh hạ cánh tàu thăm dò hoặc xe tự hành ở khu vực nửa khuất, trừ khi có vệ tinh chuyển tiếp truyền tín hiệu.

Nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 bắt đầu từ Trung tâm phóng vệ tinh Xichang ở tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 8/12. Vệ tinh đi vào quỹ đạo của Mặt Trăng bốn ngày sau đó.

Trung Quoc va moc son lich su tren Mat Trang
Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc truyền hình ảnh tầm gần đầu tiên của khu vực ở nửa khuất của Mặt Trăng.
Trung Quoc va moc son lich su tren Mat Trang
Trung tâm phóng vệ tinh Xichang ở tỉnh Tứ Xuyên.

Khi đã hạ cánh an toàn trên Mặt Trăng, tàu đổ bộ sẽ thực hiện một loạt nhiệm vụ, bao gồm tiến hành thí nghiệm thiên văn vô tuyến tần số thấp, quan sát xem thực vật phát triển ra sao trong môi trường ít trọng lực và khám phá xem có nước, các tài nguyên khác ở hai cực hay không.

Tàu Hằng Nga còn có nhiệm vụ nghiên cứu sự tương tác giữa gió mặt trời và bề mặt Mặt Trăng bằng cách sử dụng một xe tự hành.

Chiếc xe tự hành của Hằng Nga 4 dài 1,5 mét và rộng khoảng 1 mét, với hai tấm pin mặt trời có thể gập lại và 6 bánh xe.

Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu sở hữu một trạm vũ trụ lâu dài, hoạt động toàn diện vào năm 2022, vì tương lai của Trạm vũ trụ quốc tế ISS vẫn còn là ẩn số do bất ổn kinh phí và tính chất chính trị phức tạp.

Linh La (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI