Trung Quốc: Thế hệ “Z” và “móc câu” tín dụng

18/08/2019 - 16:21

PNO - Ngân hàng, công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và các dịch vụ cho vay tín chấp trực tuyến (vay ngang hàng P2P) đang quyết liệt tạo ra một thế hệ người tiêu dùng “thiếu tiền mặt” tại đại lục.

Vào tháng 6 năm ngoái, Zeng Jinpeng đã quất một phát nợ hơn 10.000 nhân dân tệ (NDT), tương đương khoảng 1.500 USD, cho một ứng dụng trên chiếc điện thoại thông minh của mình. Chàng thanh niên Thượng Hải 23 tuổi này sẵn sàng chi tiền cho các khoản mua trực tuyến từ thực phẩm, cho đến sắm quần áo hoặc đi du lịch với Huabei - một loại thẻ tín dụng ảo do Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Ltd. phát hành.

Cà thẻ thả ga dù đang sống bám

Việc chi tiêu của Zeng thường luôn vượt quá nguồn thu nhập duy nhất của anh, đó là khoản trợ cấp 8.000 NDT hàng tháng từ cha mẹ mình. Để có thể cố gắng trả nợ theo từng đợt cho Huabei, anh chàng lại tiếp tục vay từ dịch vụ tín dụng khác cũng thuộc sở hữu của Alibaba là Jiebei. Rốt cuộc, cha mẹ phải bảo lãnh thì Zeng mới thoát nợ.

Trung Quoc: The he “Z” va “moc cau” tin dung
Zeng Jinpeng, điển hình của Thế hệ “Z” tại Trung Quốc (nguồn ảnh từ trang cá nhân của anh)

Câu chuyện về anh chàng Zeng là một điển hình của giới trẻ thế hệ “Z” ở Trung Quốc. Họ được định nghĩa là những “người tiêu dùng non trẻ”, sinh ra từ giữa thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Đặc điểm chung là những người thu nhập thấp và do đó hầu như không có lịch sử tín dụng.

Tuy nhiên, họ lại dễ dàng tiếp cận và sử dụng các loại tín dụng theo các hình thái cho vay khác nhau từ ngân hàng, công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính và các dịch vụ cho vay tín chấp trực tuyến P2P. Chưa kể người trẻ còn có nhiều “kênh” khác không được kiểm soát, nhiều rủi ro như tín dụng “đen”.

Thống kê chính thức cho biết, vay tiêu dùng cá nhân đã tăng tới 54% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2019, và tăng hơn 4% so với cả năm. Tuy theo S&P Global, tỷ lệ này của Trung Quốc vẫn thấp hơn so với Hoa Kỳ (66%), Hồng Kông (72%) hoặc Hàn Quốc (100%), nhưng sự gia tăng đột biến tạo ra nỗi lo lắng cho cách nhà quản lý và phân tích chính sách. Vào giữa tháng 7/2019, Fitch Ratings đưa ra lưu ý rằng các giai đoạn nợ vay tiêu dùng thường có thể bị dẫn dắt bởi sự điều chỉnh mạnh của thị trường.

Thói quen chi tiêu của giới trẻ hiện đang gây lo ngại. Cuối năm 2018, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Hoa Zhou Xiaochuan cho rằng trong một số trường hợp, thế hệ trẻ đang bị mời mọc và thúc giục vào xu hướng tiêu thụ quá mức, thông qua công nghệ cho vay tín dụng.

Khủng hoảng nợ tiêu dùng trong bối cảnh chiến tranh thương mại

Theo một cảnh báo khác đến từ Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải phát hành hồi tháng 7 vừa qua, hậu quả đối với nền kinh tế có thể sẽ trên diện rộng và lớn hơn nếu đống nợ lên đến đỉnh điểm. Tức là khi nó “bắt đầu làm xói mòn tính thanh khoản trong vay tiêu dùng cá nhân và làm giảm mức cầu”, đồng nghĩa với việc trả nợ đã chiếm quá nhiều thu nhập khả dụng, ảnh hưởng đến chi tiêu cho các nhu cầu mới.

Trung Quốc đang ở giữa giai đoạn chuyển đổi dài hạn từ mô hình tăng trưởng dẫn đầu về xuất khẩu và đầu tư sang một dạng nền kinh tế tiêu dùng hiện đại. Một cuộc khủng hoảng nợ tiêu dùng sẽ khiến chiến lược kinh tế lạc hướng vào thời điểm việc sản xuất để xuất khẩu đang bị hạn chế bởi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.

Trung Quoc: The he “Z” va “moc cau” tin dung
Trong 50 triệu nhà đầu tư P2P của Trung Quốc, số người dưới 40 tuổi chiếm gần 70%. Ảnh: AFP

Cho vay tiêu dùng không có bảo đảm đã mở rộng 20% ​​mỗi năm tại Trung Quốc kể từ năm 2008. Sự cạnh tranh gay gắt đang thúc đẩy các tổ chức tài chính đuổi theo phân khúc những người vay tín dụng thấp như chàng thanh niên Thượng Hải tên Zeng mà chúng tôi đề cập ở đầu bài.

Huabei tính phí 0,05% mỗi ngày, với tỷ lệ hàng năm là 18,25%, cho các khoản vay tiêu dùng của Zeng. Dịch vụ này cung cấp các dòng xoay tín dụng với gạn mức từ 500 đến 50.000 NDT. Để khuyến khích người vay, dư nợ có thể được hoàn trả thành nhiều đợt mỗi tháng. Các đối thủ của Alibaba, như JD.com Inc., cũng có các sản phẩm tương tự.

Đáng quan ngại, không giống như thẻ tín dụng thông thường, các khoản vay được cung cấp trên các nền tảng công nghệ này hầu hết không được tính trong dữ liệu chính thức. Công ty Tư vấn IResearch trù liệu số tiền tài chính tiêu dùng có sẵn thông qua internet sẽ tăng gấp đôi, lên đến 19.000 tỷ NDT nhân dân tệ vào năm 2021. Trong khi năm 2018, con số này mới ở mức 7.800 tỷ NDT.

Trung Quoc: The he “Z” va “moc cau” tin dung
Minh hoạ của Nichole Shinn cho Bloomberg

Năm vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã lên tiếng chỉ trích các hình thức cho vay P2P - nguồn tín dụng dễ dàng đã trở thành một phương tiện đầu tư phổ biến. Khu vực cho vay này đã bị thu hẹp gần một nửa kích thước cực đại của nó do bị buộc phải ngừng hoạt động. Số liệu chính thức cũng cho thấy trong 50 triệu nhà đầu tư P2P của Trung Quốc, số người dưới 40 tuổi chiếm gần 70%.

Về phần Zeng, anh đang cố gắng tiết kiệm hơn dù hiện đã kiếm được một khoản thu nhập nhỏ từ một công việc thực tập ở Thượng Hải. “Tôi đã cố đặt giới hạn tín dụng ở mức thấp hơn. Vì vậy tôi hy vọng có thể cân đối hơn giữa thu nhập với chi tiêu của mình”, anh nói.

Quốc Ngọc (Theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI