Trung Quốc ra mắt siêu tàu nghiên cứu, đe dọa tăng cường yêu sách ở Biển Đông

29/07/2019 - 09:59

PNO - Trung Quốc vừa đón nhận tàu nghiên cứu tầm xa tân tiến, giúp mở ra “kỷ nguyên” mới trong cuộc thám hiểm hàng hải. Dù vậy, tin tức này gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nước láng giềng tại khu vực Biển Đông.

Truyền thông nhà nước CCTV khẳng định hôm 27/7 rằng với tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ và tầm hoạt động khoảng 14.000 hải lý, Da Yang Hao (Đại dương) có khả năng thực hiện thăm dò tài nguyên dưới biển sâu trong bất kỳ đại dương nào trên thế giới.

Nằm dưới sự quản lý của Bộ Tài nguyên, con tàu đại diện cho đỉnh cao công nghệ khảo sát đại dương mà cường quốc châu Á muốn chứng minh với thế giới. Báo cáo viết: “Việc bàn giao tàu đánh dấu một kỷ nguyên mới cho khả năng thăm dò và nghiên cứu tài nguyên biển của Trung Quốc, đồng thời giúp duy trì lợi ích quốc gia trên khu vực biển quốc tế”.

Trung Quoc ra mat sieu tau nghien cuu, de doa tang cuong yeu sach o Bien Dong
Tàu Da Yang Hao dài 98,5 mét, rộng 17 mét và có lượng giãn nước gần 4.600 tấn. (Ảnh: CCTV)

Bắc Kinh liên tục xây dựng hạm đội thám hiểm đại dương của mình như một phần trong lập trường ngày càng quyết đoán ở Biển Đông, và các nhà quan sát cho rằng Da Yang Hao có thể được triển khai đến tuyến đường thủy đang tranh chấp.

Collin Koh, chuyên gia phân tích tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói rằng nếu con tàu được triển khai đến Biển Đông, nó sẽ giúp tăng cường sự hiện diện trên biển của Bắc Kinh trong khu vực.

Dù vậy, đây chỉ mới là phần nổi của câu chuyện. Theo định nghĩa, Da Yang Hao không phải tàu khảo sát thông thường mà là tàu nghiên cứu hải dương học, với khả năng vừa khảo sát, vừa sở hữu các phòng thí nghiệm riêng trên tàu để thực hiện thí nghiệm nghiên cứu khoa học biển.

Trung Quoc ra mat sieu tau nghien cuu, de doa tang cuong yeu sach o Bien Dong
Tàu nghiên cứu hải dương mới được cho là có tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ và tầm hoạt động khoảng 14.000 hải lý. (Ảnh: CCTV)

Khi tiếp cận Biển Đông, con tàu giúp thu thập thông tin và dữ liệu hải dương quan trọng, hỗ trợ Trung Quốc tăng cường hiểu biết về vùng biển, từ đó tối ưu hóa phạm vi hoạt động dân sự và quân sự. Tất cả mục đích trên đều nhằm khẳng định yêu sách của Bắc Kinh tại khu vực.

Điển hình như đầu tháng 7/2019, Trung Quốc thường xuyên có động thái khiêu khích tại vùng biển Việt Nam. Căng thẳng bắt đầu khi tàu Haiyang Dizhi 8 (Địa chất biển 8) của Trung Quốc, được hộ tống bởi một số tàu bảo vệ bờ biển vũ trang, tiến vào vùng biển gần rạn san hô ở bãi Tư Chính của Việt Nam để tiến hành khảo sát địa chất.

Tàu Da Yang Hao dài 98,5 m, rộng 17 mét và có lượng giãn nước gần 4.600 tấn đưa khả năng nghiên cứu hàng hải của Trung Quốc vượt xa các cuộc khảo sát.

Với nhiều trang thiết bị tiên tiến, bao gồm cả phương tiện di chuyển dưới nước, máy dò sonar và hệ thống viễn thám, tàu được thiết kế để thám hiểm biển sâu, và do đó có thể dễ dàng triển khai đến khu vực phía tây Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương.

Chuyên gia Collin Koh  nhận xét: “Thông tin sẽ được Trung Quốc sử dụng để thúc đẩy sự hiểu biết về điều kiện đáy biển, mô hình sinh thái,… từ đó tạo ra dữ liệu hữu ích cho nghề cá, khai thác dưới đáy biển và khai thác hydrocarbon, và nhiều hoạt động khác nhau”.

Hiện tại, không một quốc gia nào xung quanh Biển Đông có khả năng nghiên cứu khoa học như vậy; điều này mang lại cho Bắc Kinh một lợi thế rất quan trọng.

Trung Quoc ra mat sieu tau nghien cuu, de doa tang cuong yeu sach o Bien Dong
Với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, Da Yang hao có thể đem lại nhiều thông tin hữu ích cho hoạt động dân sự và quân sự của Bắc Kinh tại Biển Đông. (Ảnh: CCTV)

Song Zhongping, nhà bình luận quân sự có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết thêm rằng việc tăng cường khả năng thám hiểm đại dương là rất quan trọng nếu Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc hàng hải: “Trung Quốc cần tăng cường kiến ​​thức trong các lĩnh vực như điều kiện địa chất và viện trợ hàng hải nếu muốn phát triển tốt hơn những nguồn tài nguyên đại dương".

"Điều đó có nghĩa là Da Yang Hao sẽ không hạn chế hoạt động ở Biển Đông bởi đây chỉ là một phần trong nhiệm vụ. Chắc chắn tương lai con tàu cũng sẽ tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển quốc tế”.

Tấn Vĩ (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI