Trung Quốc gây sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

25/07/2019 - 18:12

PNO - Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao được tổ chức vào chiều 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ “yêu cầu Trung Quốc rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Tại buổi họp báo chiều 25/7, Bộ Ngoại giao cho biết đã có “nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc”. 

“Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu trong họp báo ngày 25/7 sau câu hỏi về tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam.

Trung Quoc gay su trong vung dac quyen kinh te cua Viet Nam
Nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam của Việt Nam

“Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.

Trả lời đề nghị của báo chí quốc tế yêu cầu xác định lô 06-01 mà hiện Rosneft đang khai thác có nằm trong bãi Tư Chính và nằm gần vị trí tàu Hải Dương 8 đang hoạt động không, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Bản thân câu hỏi đã nói lên vị trí của lô 06 - 01. Tôi xin khẳng định vị trí của lô 06 - 01 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Trước đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. “Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói ngày 19/7. Tàu Hải Dương Địa Chất 8 khi đó có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, một trong hai tàu đó nặng 12.000 tấn và là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất châu Á.

Việt Nam cũng yêu cầu Trung quốc rút tàu thuyền, bao gồm cả tàu Hải Dương Địa Chất 8, khỏi vùng biển Việt Nam.

Tàu Hải Dương 8 cùng với các tàu bảo vệ của nó, và tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đã có các hoạt động trong khu vực Tư Chính - Vũng Mây, gần với lô 06-01 của Việt Nam. Đây không phải là vùng biển tranh chấp. Đây là vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cũng trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị đưa ra bình luận về việc Mỹ vừa có tân Bộ trưởng Quốc phòng, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Việt Nam mong muốn Bộ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ sẽ đóng góp tốt vào quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng”.

BTY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI