Tòa án Bangladesh loại bỏ từ 'còn trinh’ khỏi mẫu tờ khai kết hôn

28/08/2019 - 10:00

PNO - Phụ nữ Bangladesh từ nay không còn phải tuyên bố trong tờ khai đăng ký kết hôn rằng họ còn trinh hay không sau khi tòa án phán quyết bỏ đi thuật ngữ “nhục nhã và phân biệt đối xử” như vậy đối với nữ giới.

Tòa án tối cao Bangladesh hôm 25/8 đã ra lệnh thay thế mục khai "còn trinh" bằng "chưa kết hôn". Hai lựa chọn khác trong mẫu đơn - "góa phụ" và "đã ly dị" - vẫn không thay đổi.

Toa an Bangladesh loai bo tu 'con trinh’ khoi mau to khai ket hon
Ảnh minh họa: Getty Images

Các nhóm nữ quyền Bangladesh đã nhiều lần lập luận dùng từ “còn trinh” trong tờ khai đăng ký kết hôn là nhục nhã và phân biệt đối xử, họ hoan nghênh phán quyết tích cực của tòa án tối cao. Như vậy, bây giờ chú rể cũng phải tuyên bố tình trạng hôn nhân giống như vị hôn thê của mình.

Tuyên bố của Tòa án tối cao nói rằng từ kumari, nghĩa là “còn trinh”, phải được xóa khỏi các tờ khai đăng ký kết hôn, vì từ này trong tiếng Bengal được dùng để chỉ phụ nữ chưa kết hôn, đồng thời có nghĩa là “còn trinh”. Từ kumari được thay thế bằng từ obibahita, nghĩa là “chưa kết hôn”.

Luật hôn nhân của đất nước người Hồi giáo chiếm đa số như Bangladesh bị các nhóm nữ quyền chỉ trích là “hạn chế” vì phân biệt đối xử đối với nữ giới. Năm 2014, luật sư của các nhóm nữ quyền đã nộp đơn lên Tòa án tối cao đòi bỏ chữ “còn trinh” mang tính sỉ nhục và vi phạm quyền riêng tư của phụ nữ. Sau 5 năm đấu tranh bền bỉ, từ kumari đã bị loại bỏ trong tờ khai đăng ký kết hôn ở Bangladesh.

Phán quyết sẽ có hiệu lực sau vài tháng khi quyết định đầy đủ của tòa án được công bố chính thức.

Aynun Nahar Siddiqua, một luật sư liên quan đến vụ kiện nói rằng “đây là một phán quyết mang tính bước ngoặt”, cô hy vọng phán quyết sẽ giúp nâng cao quyền của phụ nữ ở Bangladesh.

Hoàng Diệu

Nguồn BBC
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI