Thương mại toàn cầu đẩy nhiều loài động vật đến nguy cơ tuyệt chủng

11/10/2019 - 16:00

PNO - Đầu năm 2019, báo cáo của Liên Hiệp Quốc về tỷ lệ tuyệt chủng cho thấy khoảng 1 triệu loài động vật và thực vật có nguy cơ biến mất trong vài chục năm tới do hoạt động của con người.

Trong số các mối đe dọa, buôn bán động vật hoang dã toàn cầu là vấn đề ngày càng cấp bách, nhiều giống loài khác sẽ trở thành nạn nhân của buôn lậu trong tương lai.

1/5 số động vật trên cạn là mặt hàng mua bán

Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Science vào đầu tháng Mười cho thấy, khoảng 18% động vật có xương sống sống trên cạn chịu ảnh hưởng bởi hoạt động buôn bán động vật hoang dã toàn cầu, khiến nhiều loài dần tuyệt chủng. Nhóm động vật có nguy cơ trên bao gồm chim, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát như thằn lằn, rắn. 

Thuong mai toan cau day nhieu loai dong vat den nguy co tuyet chung
Nhu cầu về vảy và thịt tê tê ở Đông Á đã gây ra sự sụt giảm lớn về số lượng loài vật này từ châu Á đến châu Phi

Đáng chú ý, phạm vi giao dịch hiện nay lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đây và tất cả các dấu hiệu đều cho thấy con số tiếp tục phát triển, từ 5.500 loài lên gần 9.000 loài trong tương lai gần. Những động vật có kích thước to là đối tượng dễ tổn thương nhất vì chúng mang nhiều bộ phận sinh lợi như răng, móng vuốt, cùng một lượng lớn thịt và da. David Edwards - giáo sư khoa học bảo tồn tại Đại học Sheffield (Anh) và là thành viên nhóm nghiên cứu - nói với BBC: “Bản thân con số các loài động vật đang được giao dịch đã rất đáng kinh ngạc, và càng tệ hơn khi nguy cơ tiếp tục tăng lên”.

Một yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của buôn bán động vật hoang dã là, nhiều động vật trên thị trường có họ hàng gần chưa “ra chợ”. Sự giống nhau của chúng với “mặt hàng yêu thích” khiến bộ phận này có nguy cơ cao bị đưa vào buôn bán. Những động vật có kiểu hình hiếm gặp như lông vũ có màu sắc rực rỡ, hoặc có giá trị dược liệu là những “cỗ máy in tiền”. Khi những loài vật này bị săn trộm quá nhiều đến nỗi trở nên khan hiếm, thương nhân sẵn sàng dùng họ hàng của chúng để thay thế. Ví dụ, khi quần thể tê tê châu Á giảm mạnh do nhu cầu sử dụng vảy và thịt, chúng dần được thay thế bằng tê tê châu Phi. 

Buôn bán động vật hoang dã là một trong những mảng kinh doanh bất hợp pháp sinh lời lớn nhất thế giới, mang lại từ 8-21 tỷ USD hằng năm với thị trường không ngừng mở rộng. Nghiên cứu trên xác định, các điểm nóng buôn bán động vật hoang dã đều tập trung ở vùng nhiệt đới đa dạng sinh học, chẳng hạn những loài chim kỳ lạ ở rừng nhiệt đới phía đông Amazon và dãy núi Andes, động vật lưỡng cư ở phía tây và trung tâm Amazon, bò sát ở Úc và Madagascar, động vật có vú ở châu Phi và Đông Nam Á. Vincent Nijman - giáo sư nhân chủng học tại Đại học Oxford Brookes (Anh) - bày tỏ quan ngại rằng Sáng kiến Vành đai và con đường (do chính phủ Trung Quốc khởi xướng) có thể tạo nên một kênh vận chuyển mới về buôn bán động vật bằng tàu hỏa, song song với đường hàng không và tàu thủy hiện tại. 

Công nghệ “tiếp tay” nạn mua bán động vật hoang dã

Brett Scheffers - phó giáo sư tại Khoa Sinh thái và Bảo tồn động vật hoang dã của Đại học Florida (Mỹ) và là đồng tác giả nghiên cứu trên - nhận xét, dù con số họ đưa ra không tính đến việc buôn bán trực tuyến, “một lượng lớn giao dịch động vật hoang dã diễn ra trên mạng xã hội hoặc thị trường thương mại điện tử”. Tim Mackey - giáo sư khoa học sức khỏe tại Đại học California San Diego (Mỹ) - nói thêm rằng, các chuyên gia kỹ thuật số thường theo dõi vũ khí và buôn bán ma túy cũng bắt đầu tìm hiểu về buôn bán động vật hoang dã.

Giáo sư Mackey và một nhóm các nhà nghiên cứu về sức khỏe và kỹ thuật có trụ sở tại California đang xem xét tình trạng mua bán động vật hoang dã trên Twitter và Facebook bằng cách sử dụng thuật toán cùng trí thông minh nhân tạo. Kết quả cho thấy, không nhiều người bán các sản phẩm tê tê và ngà voi trên Twitter, nhưng các bài viết cung và cầu động vật hoang dã lại tràn lan trên Facebook. Hầu hết người bán sử dụng tiếng Trung Quốc và các mật mã để che giấu hành động của mình. 

Giáo sư Mackey giải thích: “Một ai đó đăng sản phẩm động vật lên và những người khác tham gia theo kiểu đấu giá trong phần bình luận. Các bài đăng liên kết với nhiều nền tảng thương mại điện tử và trang web đấu giá khác. Phần mềm không chỉ cho phép bán hàng công khai mà còn giao dịch riêng tư thông qua các tin nhắn mã hóa. Đây là hệ sinh thái hoàn hảo cho loại hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán động vật hoang dã toàn cầu”. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI