Thuê hàng hiệu - sành điệu kiểu mới ở Hàn Quốc

22/03/2017 - 08:52

PNO - Won Hee-seon vừa mới đổi từ túi Givenchy sang túi Prada để "trông mới mẻ," nhưng quyết định này không khiến tài khoản ngân hàng của cô hụt đi tí nào.

Việc đổi túi hiệu bình thường sẽ phải tốn một khoản kha khá, nhưng ở đây, bí mật chỉ đơn giản là đi thuê.

Thue hang hieu - sanh dieu kieu moi o Han Quoc
Túi hiệu xa xỉ trưng bày ở trụ sở Reebonz. Anhr: Yonhap

Won nằm trong số ngày càng tăng những phụ nữ Hàn Quốc tham gia vào một cộng đồng chuyên thuê túi và đồng hồ xa xỉ.

"Tôi thích mang túi Givenchy và Prada, nhưng mua hàng hiệu chẳng dễ dàng gì vì chúng rất đắt mà xu hướng thời trang thì luôn thay đổi," Won nói. "Thế nên, dịch vụ cho thuê túi xa xỉ thật là hấp dẫn."

Chuyện của Won là minh họa cho một xu thế đang tăng lên trong người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Người ta đang dần lựa chọn thuê các món đồ thay vì mua.

Thông qua các dịch vụ cho thuê, các thành viên có thể lựa chọn một món đồ trong số khoảng 500 chiếc túi từ 37 thương hiệu xa xỉ, bao gồm Chanel, Louis Vuitton, Bottega Veneta và Burberry.

Thue hang hieu - sanh dieu kieu moi o Han Quoc
Một nhân viên Reebonz kiểm tra một gói hàng được gói như một món quà. Anhr: Yonhap

Họ cũng có thể thuê Cartier, Omega, Hermes và nhiều loại đồng hồ cao cấp khác.

Dịch vụ kiểu này đang dần chiếm lĩnh thị trường ở Hàn Quốc chậm rãi nhưng chắc chắn, vì nó đáp ứng đúng nhu cầu của những phụ nữ ao ước mang những chiếc túi hiệu và đồng hồ sang trọng, nhưng không thể mua nổi.

Nhiều người Hàn Quốc coi việc dùng hàng hiệu là biểu tượng ngầm cho địa vị xã hội, ở một đất nước rất coi trọng hình thức. Có những người còn hiểu biết quá mức về các thể loại thương hiệu xa xỉ.

"Tôi muốn tạo ấn tượng tốt trong một dịp quan trọng," Park Ye-ran, vừa thuê một chiếc túi đeo chéo của Saint Laurent để đi dự đám cưới bạn tuần tới, cho biết. "Tôi nghĩ ấn tượng đầu tiên là rất quan trọng và tôi không muốn bị coi thường."

Nhà thiết kế web 25 tuổi nói cô tin rằng người ta có xu hướng tin tưởng những người phục sức xa xỉ.

Những khách hàng bình thường như Park cho thấy đồ xa xỉ là nằm ngoài tầm tay đối với nhiều phụ nữ Hàn Quốc, nhất là người trẻ, vì chúng quá đắt. Nhưng thuê thì dễ dàng hơn.

"Lúc mới đi làm sau khi tốt nghiệp, tôi còn chẳng nghĩ đến việc mang một cái túi hàng hiệu. Giờ thì tôi buôn chuyện về túi với bạn bè," cô thừa nhận. Giá một chiếc túi đeo chéo Saint Laurent đủ để làm một người mới ra trường chóng mặt.

Thue hang hieu - sanh dieu kieu moi o Han Quoc
Ha Dong-gu, CEO của Reebonz Korea. Anhr: Yonhap

Dịch vụ cho thuê này thuộc về Reebonz Korea, một doanh nghiệp khởi nghiệp. Cái túi đắt nhất họ có trong kho là một chiếc Chanel Vintage có giá 7,25 triệu won (6.300 đôla Mỹ). Đồng hồ Bvlgari giá 7,7 triệu won cũng sẵn sàng cho khách thuê.

Công ty này cho thuê các món đồ xa xỉ với giá mà các phụ nữ trẻ thấy hoàn toàn hợp lý. Những người tham gia dịch vụ có thể mượn bất cứ chiếc túi hay đồng hồ hiệu nào chỉ với 79.000 won phí hàng tháng, mỗi lần chỉ mượn một món đồ.

Tuy nhiên, muốn mượn túi Chanel bất cứ mẫu nào thì phải trả thêm 19.800 won một ngày.

Kim Sung-hye, một nhân viên văn phòng 34 tuổi cho biết cô rất thích dịch vụ này. Cô đã mượn chiếc túi Prada Saffiano mini dùng hàng ngày trước khi mua đứt nó ở Reebonz.

Thuê hàng hiệu cũng rất dễ dàng với chỉ vài cú click chuột. Dịch vụ này cũng có trên ứng dụng điện thoại của Reebonz. Khách hàng có thể nhận và trả túi thông qua một dịch vụ giao hàng uy tín.

Thue hang hieu - sanh dieu kieu moi o Han Quoc
 

"Tầm nhìn của chúng tôi là khiến hàng hiệu không còn là bất khả thi đối với khách hàng," Ha Dong-gu, CEO của Reebonz Korea, cho biết.

Anh bắt đầu tiến hàng dịch vụ này từ tháng 12 năm ngoái sau khi thử nghiệm thành công và thấy được tương lai hứa hẹn của mô hình này.

Chỉ sau 3 tháng, số lượng thành viên của dịch vụ thuê hàng hiệu đã tăng lên đến 400 phụ nữ - hầu hết ở tuổi 20 và 30.

Ha nói sẽ mở rộng dịch vụ này sang cả quần áo nam nữ và đồng hồ nam.

Hàng tháng doanh thu của dịch vụ này có thể đạt hơn 20 triệu won. Công ty này cũng bán hàng cao cấp, chủ yếu là túi hiệu, với giá rẻ hơn ở các cửa hàng. Năm ngoái, doanh thu của Reebonz là khoảng 30 triệu won.

Như Won nói thì "trước đây tôi chỉ dám mơ ước có một cái túi hiệu, giờ thì tôi chẳng phải lo gì về túi nữa."

Đại An (theo Yonhap News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI