Thủ tướng Anh Boris Johnson bị quốc hội truất quyền kiểm soát

04/09/2019 - 10:00

PNO - Tiến trình Brexit của nước Anh lại lao đao khi Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 3/9 bị quốc hội truất quyền kiểm soát, chính phủ Anh bị đánh bại dưới tay các nghị sĩ Bảo thủ “nổi loạn” và các nhóm nghị sĩ đối lập.

Những người phản đối “Brexit không thỏa thuận” mà Thủ tướng Johnson đang theo đuổi đã đánh bại các nghị sĩ ủng hộ chính phủ Anh bằng nỗ lực thông qua một đạo luật nhằm ngăn chặn Brexit xảy ra theo hướng bất lợi cho nước Anh.

Hạ viện Anh bỏ phiếu với kết quả 328 phiếu thuận trên 301 phiếu chống nhằm giành quyền kiểm soát chương trình nghị sự, nghĩa là họ có thể đưa ra một dự luật tìm cách trì hoãn ngày Vương quốc Anh rời khỏi EU.

Thu tuong Anh Boris Johnson bi quoc hoi truat quyen kiem soat
Thủ tướng Boris Johnson bày tỏ sự thất vọng sau cuộc bỏ phiếu quan trọng về số phận của Brexit - Ảnh: BBC

Đáp lại kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện, ông Boris Johnson tuyên bố ông sẽ kiến ​​nghị tổng tuyển cử sớm. Tuy nhiên, lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn, thủ lĩnh phe đối lập tại quốc hội, nói dự luật cần được thông qua trước khi tổ chức bầu cử.

Đáng chú ý, có 21 nghị sĩ Bảo thủ, bao gồm một số cựu bộ trưởng nội các, đã đứng về phe đối lập để đánh bại chính phủ Anh. Sau cuộc bỏ phiếu, Downing Street tuyên bố những nghị sĩ Bảo thủ “làm loạn” sẽ bị trục xuất khỏi thành phần đảng Bảo thủ trong quốc hội.

Nhân vật kỳ cựu nhất trong số “phiến quân Bảo thủ” là cựu thủ tướng Ken Clarke. Ông Clarke nói với chương trình Newsnight của BBC rằng ông vẫn là "một người Bảo thủ chính thống", nhưng ông không còn nhận ra đảng của mình nữa.

Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson cho biết dự luật của các nghị sĩ sẽ "lèo lái" các cuộc đàm phán Brexit với EU và mang lại "nhiều rối rắm hơn, nhiều chậm trễ hơn và nhiều sự lẫn lộn hơn”. Ông tuyên bố ông không còn sự lựa chọn nào khác là kêu gọi bầu cử sớm và tháng 10 và để cho “đất nước lựa chọn”.

Kết quả bỏ phiếu hôm 3/9 có có nghĩa là các nghị sĩ đối lập có thể kiểm soát hoạt động của quốc hội từ ngày 4/9.

Điều đó sẽ mang lại cho họ cơ hội đề xuất một dự luật liên đảng buộc Thủ tướng đề nghị trì hoãn ngày Brexit đến 31/1/2020, nếu như các nghị sĩ không phê chuẩn một thỏa thuận mới, hoặc bỏ phiếu ủng hộ “Brexit không thỏa thuận” trước ngày 19/10.

Hoàng Diệu (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI