Thảm họa hàng không Lion Air: Hãng Boeing và phi công, ai có lỗi?

19/11/2018 - 08:53

PNO - Sau vụ rơi máy bay của Lion Air làm 189 người thiệt mạng ở Indonesia, nhiều người bức xúc và muốn quy trách nhiệm cho một bên cụ thể, có người kiện hãng Boeing, số khác lại đặt câu hỏi về năng lực của phi công.

Tham hoa hang khong Lion Air: Hang Boeing va phi cong, ai co loi?
Tổng thống Indonesia Jojo Widodo thị sát khu vực trục vớt mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn - Ảnh: CNN

Chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 số hiệu JT 610 của hãng hàng không Lion Air gặp nạn là một trong những phi cơ mới nhất, tiên tiến nhất của hãng Boeing, còn phi công điều khiển – cơ trưởng và cơ phó - đều là những người dày dạn kinh nghiệm, với số giờ bay bình quân của mỗi người khoảng 11.000 giờ.  

Điều kiện thời tiết không có gì đặc biệt, và chiếc máy bay khi đó đang được khai thác thường xuyên theo lịch bay.

Vậy điều gì đã khiến chiếc máy bay rơi xuống biển Java chỉ sau 13 phút cất cánh?

Hơn hai tuần sau thảm họa, các nhà điều tra vẫn tích cực lần theo các manh mối. Khi công việc điều tra tiến triển, trọng tâm đã chuyển sang Boeing, với cáo buộc hãng này không thông báo với phi công về tính năng của một hệ thống mới được lắp đặt trên máy bay và được cho là liên quan đến vụ tai nạn.

Tham hoa hang khong Lion Air: Hang Boeing va phi cong, ai co loi?
Thợ lặn trục vớt các mảnh vỡ máy bay tại biển Java - Ảnh: CNN

Đơn kiện chống lại Boeing liên quan đến tai nạn máy bay Lion Air đã được trình lên tòa án hôm 15/11. Cha mẹ của một hành khách đã kiện công ty Boeing, họ nói rằng chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 bị rơi có thiết kế không an toàn. Đơn kiện cáo buộc rằng Boeing không thông báo cho các phi công về tính năng an toàn mới mà các phiên bản trước có chưa có.

Giám đốc điều hành của Lion Air trước đó lên tiếng cáo buộc Boeing không cung cấp cho phi công nội dung về tính năng an toàn tự động duy trì hướng mũi của máy bay để ngăn ngừa tình trạng động cơ tắt đột ngột trên không.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg nói với Fox Business Network rằng, thông tin đó có sẵn trong phần nội dung của tài liệu hướng dẫn đào tạo, và hai bên vẫn lời qua tiếng lại để bảo vệ quan điểm của mình.

Tham hoa hang khong Lion Air: Hang Boeing va phi cong, ai co loi?
Mảnh vỡ động cơ máy bay - Ảnh: CNN

CNN đã trao đổi với 9 chuyên gia hàng không, bao gồm cả phi công lái Boeing 737 MAX 8, về vụ tai nạn. Tất cả đều nhấn mạnh rằng chỉ có một cuộc điều tra hoàn chỉnh mới có thể đưa ra một bức tranh đầy đủ về những gì thực sự xảy ra trong buồng lái sáng hôm đó.

Những người được hỏi đều kết luận, Boeing chưa thực hiện nghĩa vụ một cách trọn vẹn, điều này khiến cho cả gia đình các nạn nhân cũng như ngành công nghiệp hàng không thất vọng.

Lion Air thời gian qua luôn cố gắng đổi mới dàn máy bay của mình, đây là hãng vận tải hàng không tư nhân đầu tiên đưa vào sử dụng Boeing 737 MAX 8 – một phiên bản 1967 được nâng cấp, có hiệu năng cao và ít gây hại cho môi trường hơn. Đánh giá của Boeing cho thấy, dòng máy bay Max được cho là hiệu quả hơn 10% đến 12% so với các máy bay cùng loại trước đó.

Tham hoa hang khong Lion Air: Hang Boeing va phi cong, ai co loi?
Người thân thả hoa chia tay với nạn nhân vụ rơi máy bay trên biển Java - Ảnh: CNN

Năm 2011, Lion Air đã thông báo một đơn đặt hàng trị giá 21,7 tỷ USD cho 230 chiếc máy bay phản lực hai động cơ, một lối đi hành khách. Đây là đơn hàng lớn nhất đối với Boeing tại thời điểm đó.

Lion Air trở thành hãng hàng không đầu tiên đưa Boeing 737 MAX 8 vào hoạt động, và sau đó họ bắt đầu mua thêm nhiều phiên bản thông qua các thương vụ bạc tỷ.

Những nâng cấp của Lion Air cho thấy một nỗ lực cải thiện hồ sơ an toàn bay của hãng trong thập kỷ qua, liên quan đến vụ tai nạn năm 2013 (dù không có thương vong) và việc châu Âu và Mỹ cấm hãng này bay vào không phận của họ trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2016.

Lệnh cấm của châu Âu và Mỹ cuối cùng cũng được dỡ bỏ, sau đó Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO) trong năm nay xếp hạng Lion Air trong top đầu về an toàn.

Tham hoa hang khong Lion Air: Hang Boeing va phi cong, ai co loi?
Thảm họa Lion Air, những mất mát không gì bù đắp nổi - Ảnh: CNN

Nhưng có máy bay mới, phi công cũng phải được đào tạo bổ sung.

Bijan Vasigh, Giáo sư Kinh tế và Tài chính tại Đại học Hàng không Embry-Riddle, nói với CNN: "Nói chung, khi có máy bay mới, mặc dù cùng chủng loại, các nhà khai thác hàng không cũng cần gửi phi công của mình đi đào tạo".

Những buổi huấn luyện chỉ mất vài ngày, nhưng phi công có thời gian để làm quen với các tính năng mới hay những thay đổi trong hệ thống, ông Vasigh giải thích. Một trong những tính năng mới là hệ thống chống chết máy trên không thông qua cảm biến "góc tấn" (AOA), thiết bị điều khiển góc của đầu máy bay.

Đó là một cơ cấu an toàn, nhưng theo Lion Air và các phi công quốc tế khác, vấn đề là không ai biết gì về hệ thống đó. Và các phi công cùng chuyên gia hàng không gần như nhất trí cho rằng đây là một “lỗi kỹ thuật” nghiêm trọng của Boeing, chứ không phải với mục đích “duy trì lợi thế cạnh tranh” với đối thủ như một số chuyên gia của Boeing giải thích.

Tham hoa hang khong Lion Air: Hang Boeing va phi cong, ai co loi?
Gia đình các nạn nhân thảm họa Lion Air - Ảnh: CNN

Nhưng không phải tất cả các phi công đều đổ lỗi cho Boeing.

Tuần này, tờ Seattle Times đưa tin chủ tịch Liên đoàn phi công United Airlines trực thuộc Hiệp hội Phi công hàng không (ALPA) cho biết, mặc dù bản hướng dẫn sử dụng gốc của Boeing 737 MAX 8 không nêu đặc tính của hệ thống an toàn mới, nhưng tài liệu này đã hướng dẫn các bước về cách tắt "hành vi kiểm soát chuyến bay mà hệ thống đó gây ra".

Ông Todd Insler - chủ tịch ALPA của United - nói rằng các phi công Lion Air nên biết về quy trình đó và còn quá sớm để nói gì thêm về nguyên nhân vụ tai nạn Lion Air. Ông Insler khẳng định, "câu chuyện ở đây không phải là lý do tại sao chúng ta không biết (hệ thống mới), mà là vì sao các phi công không điều khiển máy bay".

Hòa Ninh (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI