Tàn tật vẫn xếp giấy origami bằng miệng để kiếm tiền phụ giúp gia đình

19/05/2019 - 08:05

PNO - Cao Quảng Lợi là một người nổi tiếng ở Trung Quốc, người đàn ông tàn tật này không đầu hàng số phận. Anh tự học và vươn lên trở thành doanh nhân sau khi lập kỷ lục thế giới Guinness về xếp giấy origami bằng miệng.

Tan tat van xep giay origami bang mieng de kiem tien phu giup gia dinh
Cao Quảng Lợi bán các sản phẩm xếp giấy độc đáo của mình trên mạng - Ảnh: Cao Quảng Lợi

Cao Quảng Lợi, 29 tuổi, là người tỉnh Sơn Đông, anh sinh ra đã bị căn bệnh bại não và suốt đời phải ngồi xe lăn. Anh chỉ có thể cử động miệng - công cụ duy nhất – để gấp những tờ giấy gói bánh kẹo theo nghệ thuật origami cổ xưa thành những sản phẩm được thiết kế phức tạp chỉ bằng răng và lưỡi.

Họ Cao bán các sản phẩm origami độc đáo của mình trên mạng xã hội để có tiền phụ giúp cho gia đình và chính phục được trái tim của nhiều cư dân trên nền tảng chia sẻ video Kuaishou.

Gao xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc (CCTV) và được các phương tiện truyền thông khác phỏng vấn để hàng triệu người trong nước có thể theo dõi cách thức anh ta tạo ra những con sếu, ếch, trái tim, con thuyền, tên lửa và máy bay, một kỹ năng Cao có thể thực hiện trong thời gian kỷ lục và anh ta đã nhận được chứng nhận Kỷ lục thế giới Guinness để chứng minh “tay nghề siêu việt” của mình.

Ngày 2/12/2017, Gao lập kỷ lục xếp giấy origami một chiếc thuyền bằng miệng trong thời gian nhanh nhất: 3 phút 34’. Để làm con sếu, một hình origami đẹp nhất với nhiều đường gấp, anh phải bỏ ra đến 20 phút. Kỹ thuật xếp giấy origami của Cao chỉ dựa vào lưỡi và răng, dùng răng để giữ và lưỡi để xếp giấy, giống như các ngón tay của một người bình thường.

Theo số liệu điều tra dân số năm 2010, Liên đoàn người khuyết tật Trung Quốc (DPF) cho biết nước này có hơn 85 triệu người khuyết tật với các mức độ khác nhau, nhưng họ hầu như “vô hình” tại các không gian công cộng.

Tan tat van xep giay origami bang mieng de kiem tien phu giup gia dinh
Gao tự học cách xếp giấy origami bằng răng và lưỡi và trở thành người giữ kỷ lục thế giới về kỹ năng này - Ảnh: Cao Quảng Lợi

Gao là một trong số ít người tàn tật có thể nói về những trải nghiệm của mình nhờ sự hiện diện của truyền thông.

Cậu bắt đầu mê nghệ thuật origami từ năm 12 tuổi khi những đứa trẻ khác chơi máy bay giấy. Những ngày đầu, trước khi hoàn thiện kỹ thuật xếp giấy bằng miệng, Gao cho biết anh không ít lần nuốt phải giấy. “Đôi khi tôi nuốt quá nhiều giấy kẹo đến mức chán ăn cơm”, Cao kể lại.

Thời gian luyện tập mỗi ngày kéo dài nhiều giờ khiến Cao bị những vết loét đau đớn trong miệng, sức khỏe của anh lại tiếp tục có vấn đề và Gao phải phẫu thuật viêm ruột thừa khi anh 18 tuổi.

Tan tat van xep giay origami bang mieng de kiem tien phu giup gia dinh
Gao “bị giam cầm” trên chiếc xe lăn và chỉ có thể di chuyển miệng - Ảnh: Cao Quảng Lợi

Tuy chưa bao giờ đến trường, nhưng Cao đã tự học đọc và đánh chữ bính âm khi một người bạn cho anh một chiếc máy tính cũ vào năm 2013. Món quà truyền cho anh khát vọng muốn được nhìn thế giới bên ngoài.

Một năm sau, anh có cơ hội đó, khi một người bạn khuyết tật đề nghị họ cùng nhau đi thăm các thành phố lớn bằng xe buýt, và khi bạn của anh hát, Gao sẽ ngồi trên xe lăn bên cạnh và chinh phục người qua đường bằng những sản phẩm xếp giấy origami độc đáo của mình.

Họ bắt đầu chuyến phiêu lưu bằng 5 tháng “lưu diễn” ở thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Sau đó họ đến thành phố Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, cách đó hơn 800km. Cao bị sốt vì mắc mưa khi ngủ trên đất, anh yếu đi và buộc phải rút ngắn chuyến thám hiểm các thành phố Trung Quốc và trở về nhà.

Tan tat van xep giay origami bang mieng de kiem tien phu giup gia dinh
Mẹ Cao rất cảm động khi con trai có thể phụ giúp tài chính cho gia đình - Ảnh: Cao Quảng Lợi

 Kể từ đó, Cao sống ở nhà cùng bố mẹ, những người đã lo lắng suốt thời gia anh vắng nhà.

Để giảm bớt gánh nặng tài chính gia đình, Cao mở một cửa hàng trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc để bán các tác phẩm origami của mình. Anh cũng làm việc bán thời gian trong khoảng hai năm, đảm nhiệm việc đăng thông tin tuyển dụng cho một công ty.

Bà Vương Quý Trân mẹ Cao xúc động nói về con trai khi được một cơ quan truyền thông phỏng vấn: “Con trai cho tôi tiền mua quần áo, nó không đi lại được nhưng có thể mua quần áo cho tôi, tôi không bao giờ mong đợi điều này”.

Bất chấp những hạn chế về thể chất, Cao luôn nuôi ước mơ cho tương lai. Cao nói anh có nhiều kế hoạch, “thứ nhất là mở một xưởng thủ công nhỏ để những người bạn tàn tật khác có thể cùng kiếm tiền và được sống thoải mái hơn”. Anh cho biết anh cũng muốn học cách phát biểu hay, anh muốn chia sẻ câu chuyện của mình với nhiều người khác để khuyến khích họ vươn lên.

Tô Châu (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI