Sức khỏe toàn cầu trước đe dọa của phong trào chống vắc-xin

18/02/2019 - 14:38

PNO - Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc trì hoãn tiêm vắc-xin là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu vào năm 2019.

Hơn một thế kỷ trước khi Facebook ra đời, các nhà vận động chống tiêm chủng có một phương pháp khác để truyền bá thông điệp - một cuộc diễu hành bắt mắt qua thị trấn với những chiếc quan tài trẻ em nhỏ được khắc dòng chữ: "Một nạn nhân khác của tiêm chủng".

Đó là vào năm 1885 khi bắt buộc tiêm phòng bệnh đậu mùa tại Anh được cho là đã kích động 100.000 người biểu tình tại thành phố Leicester vào một ngày nắng tháng Ba.

Đến năm 2019, chiến dịch chống vắc-xin lại hoành hành nhiều mặt trên toàn cầu, dấy lên những lo ngại về an toàn, niềm tin tôn giáo và chính trị, ưu tiên cho phương pháp vi lượng đồng căn và thông tin sai lệch trên diện rộng.

Suc khoe toan cau truoc de doa cua phong trao chong vac-xin
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc trì hoãn tiêm vắc-xin là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu vào năm 2019.

WHO cho biết: "Tiêm vắc-xin là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh dịch, hiện đang ngăn ngừa 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm, và có thể tránh thêm 1,5 triệu ca nữa nếu cải thiện phạm vi tiêm chủng trên toàn cầu”.

Do dự, hoặc miễn cưỡng hay từ chối tiêm dù có sẵn vắc-xin đang "đe dọa đảo ngược tiến trình thực hiện trong việc giải quyết các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin". Xu hướng này trở nên rõ ràng trong một số nhóm chống vắc-xin đang mở rộng tại Hoa Kỳ và một số nước châu Âu.

Tháng 8 năm ngoái, chính phủ dân túy Italy gây sốc cho cộng đồng khoa học và y tế sau khi gỡ bỏ tiêm chủng bắt buộc cho học sinh. Phong trào Five Star (Năm Sao) của Italy và đối tác liên minh - Liên minh cực hữu - đã tuyên bố tiêm chủng bắt buộc, vốn xuất hiện năm 2017 trong một đợt bùng phát bệnh sởi, không bao gồm trường học.

Hãng thông tấn ANSA đưa tin, vào tháng 6/2018, lãnh đạo Liên đoàn và Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini cho biết 10 mũi tiêm chủng bắt buộc gồm sởi, uốn ván và bại liệt là "vô dụng, nếu không nói là có hại, và nguy hiểm trong nhiều trường hợp".

Suc khoe toan cau truoc de doa cua phong trao chong vac-xin
 

Andrea Grignolio, giảng viên lịch sử y học và đạo đức sinh học tại Đại học La Sapienza (Rome), cho biết: "Italy nằm trong xu hướng mất lòng tin toàn cầu đối với bác sĩ và nhà khoa học - những người có thể giải thích và làm sáng tỏ dữ liệu. Với sự ra đời của Internet, người ta có ảo tưởng rằng họ có thể tự truy cập và đọc dữ liệu, loại bỏ nhu cầu về kiến ​​thức khoa học và kỹ thuật".

Các chuyên gia cho biết nguồn gốc của phong trào chống vắc-xin gần đây tại Italy có thể bắt nguồn từ phán quyết của tòa án năm 2012 liên quan đến bệnh tự kỷ và vắc-xin sởi, quai bị và rubella kết hợp. Mặc dù phán quyết đó đã bị lật lai ba năm sau đó, nhưng nó “thêm dầu vào lửa” khi lý thuyết chống tiêm chủng lan rộng khắp cả nước và thế giới.

Tại Hoa Kỳ, phong trào chống vắc-xin vừa hồi sinh đã được thổi phồng do các diễn viên Jim Carrey và Jenny McCarthy – cho rằng rằng vắc-xin góp phần vào chứng tự kỷ của con trai McCarthy.

Năm 2012, Tổng thống Donald Trump bày tỏ trên Twitter: "Tiêm chủng kết hợp nặng cho trẻ nhỏ là nguyên nhân khiến bệnh tự kỷ tăng mạnh...." Mặc dù có nhiều nghiên cứu khoa học kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ,  hai tháng sau đó, ông Trump đăng tiếp dòng tweet: "Tỷ lệ tự kỷ tăng vọt kịch trần - tại sao chính quyền Obama không làm gì đó về tự kỷ do bác sĩ gây ra".

Suc khoe toan cau truoc de doa cua phong trao chong vac-xin
Năm 2012, ông Trump bày tỏ trên Twitter: "Tiêm chủng kết hợp nặng cho trẻ nhỏ là nguyên nhân khiến bệnh tự kỷ tăng mạnh...."

Một đợt sởi khổng lồ vừa quét qua tiểu bang Washington, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em không được tiêm vắc-xin chống lại căn bệnh này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, hơn 100 trường hợp mắc bệnh sởi đã được chẩn đoán tại 10 tiểu bang tính từ đầu năm.

Theo một báo cáo được CDC công bố vào tháng 10, mặc dù mức phổ biến của một số loại vắc-xin "vẫn cao và ổn định," phân khúc trẻ em dưới 2 tuổi không được tiêm chủng đã tăng từ 0,9% đối với trẻ sinh năm 2011 lên 1,3% ở trẻ sinh năm 2015. Năm 2001, chỉ có 0,3% trẻ em từ 19 đến 35 tháng tuổi không được tiêm vắc-xin.

Theo WHO, tỷ lệ trẻ em chưa được tiêm chủng gia tăng trên toàn cầu. Trong khi các quốc gia đang phát triển và các quốc gia bị ảnh hưởng xung đột thường thiếu vắc-xin, vấn đề ở các nước phát triển, giàu có có thể liên quan đến việc truyền bá thông tin sai lệch về vắc-xin.

Theo Tiến sĩ Katrina Kretsinger của chương trình tiêm chủng của WHO, các trường hợp bệnh sởi đã giảm liên tục trên toàn cầu cho đến năm 2016 nhưng kể từ năm 2017, con số đó tăng vọt ở cả các quốc gia giàu có với tỷ lệ tiêm chủng cao trong lịch sử.

Suc khoe toan cau truoc de doa cua phong trao chong vac-xin
Theo WHO, tỷ lệ trẻ em chưa được tiêm chủng gia tăng trên toàn cầu.

Trong khi có nhiều lý do khiến các bậc phụ huynh chọn không tiêm phòng cho con, lý do mà phong trào chống vắc-xin đã có thể lan truyền phổ biến có mẫu số chung: mạng xã hội.

David R. Curry - Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách và Đạo đức Vắc-xin - nói: "Chúng tôi xem mạng xã hội là phương tiện chính để phong trào chống vắc-xin truyền bá lập luận sai trái và tàn phá trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi đang đứng trước thách thức lớn vì không có những biện pháp đối phó hiệu quả để giải quyết mối đe dọa này”.

Khi các nhà phê bình réo tên các công ty công nghệ như Facebook, YouTube và Google chịu trách nhiệm nhiều hơn về ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng, Đại diện Hạ viện Hoa Kỳ Adam Schiff đã gửi thư cho CEO Facebook và Google kêu gọi họ giải quyết vấn đề.

Suc khoe toan cau truoc de doa cua phong trao chong vac-xin
Mạng xã hội được cho là phương tiện chính để phong trào chống vắc-xin truyền bá lập luận sai trái và tàn phá trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Schiff nói: "Nếu phụ huynh đọc được thông tin gây nghi ngờ về tính an toàn hoặc hiệu quả của vắc-xin trên mạng xã hội, họ có thể bỏ qua lời khuyên của bác sĩ và từ chối tuân theo lịch tiêm chủng được khuyến nghị. Thông tin sai trái được lặp lại gây nhầm lẫn về tính chính xác, việc tiếp xúc với nội dung chống vắc-xin qua mạng xã hội có thể định hình thái độ tiêu cực của người dùng đối với tiêm phòng".

Thêm vào đó, khi tìm kiếm thông tin về vắc-xin, phụ huynh có thể "vô tình tiếp cận các trang và video có thông tin sai lệch", do theo tin tức của Guardian, tìm kiếm trên Facebook và YouTube thường đem lại thông tin không chính xác về mặt khoa học. Schiff cũng bày tỏ lo ngại về việc Facebook chấp nhận quảng cáo trả phí chứa thông tin sai lệch cố ý về vắc-xin.

Hôm 14/02, Facebook cho biết họ đang tìm hiểu loại bỏ khuyến nghị chống vắc-xin trên trang. Tháng trước, YouTube cũng cam kết giảm các đề xuất có thể gây hiểu lầm và phương hại đến người dùng.

Ngọc Anh (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI