Sự tàn nhẫn đằng sau chén súp vi cá mập đắt hàng vào dịp Tết Nguyên đán

25/01/2018 - 13:39

PNO - Việc tiêu thụ vây cá mập gây ra nhiều tranh cãi trên thế giới. Nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, rất nhiều gia đình vẫn chọn mua vi cá để nấu các món ăn cầu chúc thịnh vượng, sức khỏe.

Ông Lee Lay Ming, phóng viên từ tờ Lianhe Zaobao đã đến Tây Ban Nha, một trong những quốc gia sản xuất thịt cá mập nhiều nhất thế giới, và Đài Loan, nhà cung cấp lớn về mặt hàng vi cá, nhằm tìm hiểu rõ hơn về phương thức đánh bắt, buôn bán và tiêu thụ cá mập.

Su tan nhan dang sau chen sup vi ca map dat hang vao dip Tet Nguyen dan
Một chiếc vây cá mập sống vừa cắt tại cảng.

Bài báo trên tờ Lianhe Zaobao hôm 21/1 tiết lộ nhiều vấn đề mà người tiêu dùng cần quan tâm.

Tại Tây Ban Nha, các hoạt động đánh bắt cá địa phương tập trung tại Vigo, một thị trấn ven biển phía tây bắc, nơi có cảng cá lớn nhất châu Âu.

Su tan nhan dang sau chen sup vi ca map dat hang vao dip Tet Nguyen dan
Quang cảnh chợ cá mập ở thị trấn Vigo, Tây Ban Nha.

Theo số liệu của Cơ quan Thực phẩm, Thú y và Thuỷ sản Singapore, Tây Ban Nha là một trong ba nhà xuất khẩu cá mập lớn nhất của Singapore từ năm 2012 đến năm 2016. Số lượng xuất khẩu dao động từ 692 tấn đến 1.073 tấn mỗi năm.

Các cuộc đấu giá cá quy mô lớn được tổ chức tại Vigo, bao gồm cá mập xanh và cá mập mako.

Ngoài Tây Ban Nha, người dân ở Châu Âu, bao gồm cả Italy, Pháp và Iceland cũng tiêu thụ thịt cá mập. Nhu cầu thịt cá mập tăng lên trong những năm gần đây ở một số nước Nam Mỹ, bao gồm cả Brazil.

Su tan nhan dang sau chen sup vi ca map dat hang vao dip Tet Nguyen dan
Ngư dân châu Á phơi vây cá mập để làm món vi cá.

Trong khi tổng lượng nhập khẩu vây cá mập toàn cầu giảm khoảng 18% trong giai đoạn năm 2004 - 2011, việc nhập và xuất khẩu thịt cá mập lại tăng bình quân 4,5% mỗi năm, giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2011.

Đối với người dân châu Âu, phần thân cá mập là quan trọng nhất. Đồng thời, những nơi bán thịt cá mập được xem là là khu vực nghèo nhất của châu Âu, vì người dân không đủ tiền mua các loại cá đắt hơn.

Người bán sỉ cá Juan Rojas, 72 tuổi, với gần 50 năm trong nghề, cho biết: “Vây cá mập từng bị vứt bỏ; chúng không có giá trị khi tôi bắt đầu kinh doanh. Nhưng kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mua vây cá, món hàng trở nên đắt đỏ".

Su tan nhan dang sau chen sup vi ca map dat hang vao dip Tet Nguyen dan
Người dân Trung Quốc sử dụng món vi cá mập từ hơn 400 năm trước, vào đời nhà Thanh, đây là món ăn sang trọng của vua chúa, quý tộc.

Giống như Tây Ban Nha, người Đài Loan cũng tiêu thụ thịt cá mập.

Ông Wu Ming-fen, trưởng phòng bảo tồn biển của Phòng Thủy sản Biển Đông, trực thuộc Hội đồng Nông nghiệp, cho biết cá mập đóng vai trò quan trọng trên bàn tiệc của người Đài Loan.

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng nguồn cá mập sẽ tồn tại lâu dài, để con cháu chúng ta có thể ăn cá mập, giúp nền văn hoá ẩm thực truyền thừa qua các thế hệ”.

Tuy nhiên thương mại vây cá mập đang dần suy thoái.

Nhà kinh doanh Chen Chin-cheng, 55 tuổi, điều hành một nhà máy ở vùng ngoại ô  thành phố Kaohsiung, nơi đây từng sản xuất hơn 1.000 tấn vi cá mập hàng năm,nhưng bây giờ chỉ sản xuất chưa đầy 200 tấn một năm.

"Thế giới bên ngoài cảm thấy rằng ngành công nghiệp vi cá mập rất quyến rũ, nhưng trên thực tế lợi nhuận hiện tại của chúng tôi chỉ từ 3 đến 5%. Chúng tôi giúp đỡ những ngư dân, để lợi ích kinh tế cho cả hai bên đều bền vững”.

Su tan nhan dang sau chen sup vi ca map dat hang vao dip Tet Nguyen dan
Xác một con cá mập sau khi bị cắt vây.

Khác với các công ty phương Tây, đánh bắt và sử dụng toàn bộ thân cá mập, những ngư dân tại châu Á thường chỉ cắt vây khi cá còn sống rồi thả chúng trở lại biển do không có nhu cầu tiêu thụ. Mất vây, những con cá mập chìm xuống đáy đại dương, chết dần.

Từ những chiếc vây cá mập sống, ngư dân sẽ tẩm ướp, sấy hoặc phơi khô tự nhiên để tạo thành món vi cá, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn sang trọng.

Số liệu của Tổ chức Nông lương Thế giới cho thấy sản lượng đánh bắt cá mập toàn cầu hàng năm là 800.000 tấn, điều này góp phần đe dọa khả năng tồn tại của loài cá mập, vốn nằm trong phụ lục II (hạn chế đánh bắt) và phụ lục III (đánh bắt có kiểm soát) của sách đỏ quốc tế.

Su tan nhan dang sau chen sup vi ca map dat hang vao dip Tet Nguyen dan
Đằng sau món ăn "phú quý", "bổ dưỡng", là phương thức đánh bắt tàn bạo.

Bảo Tùng (Theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI