Phụ nữ Nhật đấu tranh chống các quy định bất công về trang phục

11/11/2019 - 14:33

PNO - Từ việc bắt buộc mang giày cao gót đến lệnh cấm đeo kính, phụ nữ Nhật Bản liên tục đứng trước các quy định bất hợp lý, ép buộc về trang phục nơi làm việc. Giờ đây thay vì im lặng chịu đựng, họ quyết định phản kháng.

“Cấm đeo kính” làm khó phụ nữ Nhật

Hashtag “cấm đeo kính” trở thành xu hướng trên các phương tiện truyền thông xã hội tại xứ sở hoa anh đào trong tuần đầu tháng 11, sau khi một chương trình trên mạng lưới truyền hình Nippon chỉ ra rằng, nhiều công ty không cho phép nhân viên nữ đeo kính khi làm việc. Trước đó, một báo cáo công bố cuối tháng 10/2019 bởi Business Insider Japan cũng đưa ra thông tin tương tự.

Phu nu Nhat dau tranh chong cac quy dinh bat cong ve trang phuc
Nhuộm tóc, đi giày bệt, đeo kính, trang điểm “nhiều hơn mức cần thiết” được cho là những hành vi “không phù hợp” trong môi trường công sở tại Nhật Bản - Ảnh: Getty Images

Chương trình liệt kê một số lý do mà các nhà tuyển dụng giải thích vì sao họ không muốn phụ nữ đeo kính khi làm việc. Chẳng hạn các hãng hàng không trong nước cho rằng vì lý do an toàn, các công ty trong ngành làm đẹp cho biết rất khó để khách hàng nhìn nhận kỹ năng trang điểm của nhân viên nếu cặp kính che mất một phần khuôn mặt, trong khi các chuỗi bán lẻ lớn cho biết các trợ lý cửa hàng nữ dễ tạo cảm giác lạnh lùng nếu đeo kính...

Nhiều người bày tỏ sự phản đối gay gắt lệnh cấm đeo kính đối với phụ nữ ở nơi làm việc, cho rằng động thái này chẳng khác nào các quy tắc nghiêm ngặt tương tự tồn tại ở hệ thống trường học Nhật Bản, chẳng hạn như ép buộc học sinh có màu tóc sáng phải nhuộm đen. Nhiều trường còn quy định cách nữ giới nên hành động và ăn mặc, ví dụ như đưa ra các hướng dẫn nghiêm ngặt về độ dài tóc, màu đồ lót và chiều dài váy. 

#KuToo: Phụ nữ bắt đầu lên tiếng

Một trong những lý do phổ biến khiến các trường học đưa ra quy định đồng phục là nhằm giúp học sinh tập trung. Theo đó, các nữ sinh không cần phải “mất thời gian suy nghĩ”, quyết định mặc gì hoặc so sánh quần áo với bạn cùng lớp, giúp các em có thể tập trung tinh thần vào nội dung giáo dục. Tuy nhiên, quy định này còn đi xa hơn khi học sinh nữ bị cấm mang vớ dưới váy vào mùa đông dù thời tiết trở lạnh, điều mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe và độ tập trung của học sinh. Một lý do cổ vũ cho quy định này chính là sự thay đổi văn hóa hậu chiến tranh, và cả trào lưu “kawaii” hay “dễ thương” từ những năm 1980; kết quả, chiếc váy của nữ sinh Nhật Bản thường tuân theo “luật bất thành văn” là phải cách đầu gối 15cm.

Phu nu Nhat dau tranh chong cac quy dinh bat cong ve trang phuc
Ngược lại, mặc váy, để tóc đen, không đeo kính và mang giày cao gót được cho là “chuẩn mực” của dân văn phòng - Ảnh: Reuters

Đầu năm nay, phụ nữ Nhật Bản đã bắt đầu lên tiếng về sự bất mãn đối với những hạn chế tại nơi làm việc, các điều khoản vô lý về ngoại hình của họ thông qua phong trào #KuToo, mà giọt nước làm tràn ly chính là quy định buộc phụ nữ đi giày cao gót tại nơi làm việc. Thuật ngữ #KuToo là một cách chơi chữ do nữ diễn viên - nhà văn Yumi Ishikawa đề xướng, bao gồm sự kết hợp của các từ tiếng Nhật: kutsu (giày), kutsuu (nỗi đau) và phong trào #MeToo. 

Xu hướng bùng nổ phân biệt đối xử với phụ nữ tại nơi làm việc dường như là làn sóng phản kháng mang tính cổ hủ, khi phong trào #MeToo bắt đầu có chỗ đứng tại Nhật kể từ năm 2018. Dù vậy, trong một cuộc họp vào giữa tháng 6/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Takumi Nemoto tuyên bố ông sẽ không ủng hộ nỗ lực cấm các quy định về trang phục buộc phụ nữ phải đi giày cao gót khi làm việc; ngay cả khi trước đó bộ này vừa nhận kiến nghị quy tụ 18.800 chữ ký, yêu cầu bỏ quy định này nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động. 

Điệp khúc bất mãn chống lại lệnh cấm đeo kính không khỏi khiến dư luận liên tưởng đến hiện tượng tương tự ở Hàn Quốc vào năm 2018, khi một nữ phát thanh viên bản tin buổi sáng phá vỡ định kiến và quyết định đeo kính có gọng thay vì kính áp tròng. Yumi Ishikawa nói với Bloomberg News: “Nếu đeo kính là một vấn đề thực sự tại nơi làm việc thì nó nên bị cấm đối với mọi người - cả nam và nữ. Vấn đề với kính giống hệt như giày cao gót. Nó chỉ là một quy tắc cho lao động nữ”. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI