Nửa triệu thí sinh Hàn Quốc nín thở bước vào kỳ thi sinh tử

15/11/2018 - 11:03

PNO - Đúng 8g40 sáng ngày 15/11 (giờ địa phương), nửa triệu thí sinh Hàn Quốc bước vào kỳ thi đại học cam go Suneung (hay CSAT). Kỳ thi “sinh tử" mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng là nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất thời học sinh.

Kỳ thi đầy ám ảnh

Nua trieu thi sinh Han Quoc nin tho buoc vao ky thi sinh tu
Ko Eun-suh ngày đêm ôn luyện cho kỳ thi Suneung.

Kỳ thi Suneung được đánh giá là một trong những kỳ thi gây căng thẳng, khắc nghiệt nhất trên thế giới. Thí sinh phải “chạy marathon” với những bài kiểm tra liên tục trong 8 tiếng đồng hồ.

Gia đình và các em đặt hi vọng lớn lao vào kỳ thi này vì cho rằng tất cả tương lai của các em đều do kết quả thi định đoạt. Công việc sau này có triển vọng ra sao, mức thu nhập tốt thế nào, mối quan hệ về sau có khả quan hay không thì cũng từ điểm số kỳ thi mà ra.

Ko Eun-suh (18 tuổi) là một trong những học sinh đặt quyết tâm cao độ phải đạt điểm số thật cao trong kỳ thi Suneung năm nay. Em chia sẻ: “Suneung là kỳ thi quan trọng mở ra cánh cửa cho chúng em bước đến tương lai.

Ở Hàn Quốc, vào đại học là điều không thể không mơ ước đến. Đó là lý do chúng em chuẩn bị ròng rã 12 năm cho một ngày. Em biết có những người đã thi Suneung đến lần thứ năm nhưng vẫn không bỏ cuộc”.

Suneung được cho là hiện tượng có sức ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ với các em học sinh hoặc gia đình có con em tham gia kỳ thi mà nó tạo nốt trầm đáng sợ trong nhịp sống người dân xứ Hàn. Mỗi năm, cứ đến kỳ thi Suneung là đường phố Seoul bỗng trở nên vắng vẻ, trầm lặng hơn thường ngày. Những cửa hiệu mua sắm, ngân hàng, thậm chí là sàn giao dịch chứng khoán cũng phải “tê liệt”.

Thậm chí, những hoạt động tưởng chừng không liên quan như xây dựng, hàng không và huấn luyện quân sự cũng phải tạm ngưng. Tất cả sự chú ý đều dồn về Suneung. Trong ngày này, âm thanh dồn dập, được chú ý nhất trên đường phố chính là những chiếc xe cảnh sát hộ tống, hỗ trợ thí sinh đến địa điểm thi an toàn.

Khi thí sinh bước vào ngày thi đầy căng thẳng, phụ huynh sẽ tập trung ở chùa, nhà thờ, dành trọn vẹn thời gian cầu nguyện cho con thi cử thuận lợi.

Nua trieu thi sinh Han Quoc nin tho buoc vao ky thi sinh tu
Phụ huynh cầu nguyện cho con may mắn vượt qua kỳ thi cam go.

Từng mất 2 năm cho kỳ thi Suneung mới vào được giảng đường đại học, Lee Jin-yeong (20 tuổi) nhớ lại không khí của một ngày thi: “Một khi đã bước vào khu vực thi, mọi thứ im ắng đến đáng sợ. Kể cả giám thị cũng phải đi giày thể thao để tránh gây tiếng động trên sàn, ảnh hưởng đến thí sinh”.

Quá trình ra đề thi cũng trở thành điều gì đó rất kỳ bí, tăng sự lo lắng cho thí sinh về độ khó của câu hỏi. Khoảng vào giữa tháng Chín hàng năm, 500 giáo viên trên cả nước sẽ được chọn và đưa đến một địa điểm bí mật ở vùng núi tỉnh Gangwon. Trong vòng một tháng, họ phải ngắt mọi kết nối với thế giới bên ngoài, tập trung làm đề thi. Giáo viên tuyệt đối giữ kín chuyện mình đột ngột “biến mất”, không được để lộ bất cứ thông tin nào rằng mình sẽ là một trong hàng trăm người ra đề thi.

Kết quả thi sẽ được công bố trên một trang web chính thức sau một tháng diễn ra kỳ thi. Tuy nhiên, hầu hết thí sinh có thể tính được điểm số của mình vì đáp án bài kiểm tra được đăng tải trên một số trang web ngay sau kỳ thi.

Lee Jin-yeong nhớ lại cảm giác lần đầu biết tin thi trượt, em có cảm giác mọi thứ sụp đổ và nghĩ rằng mình chẳng thể nào sống được nữa. Nhưng rồi Lee Jin-yeong đã nỗ lực vượt qua lần thi thứ hai để chính thức trở thành sinh viên đại học.

Nua trieu thi sinh Han Quoc nin tho buoc vao ky thi sinh tu
Trong phòng thi, các thí sinh căng thẳng lo sợ.

Tất cả tương lai do điểm số định đoạt

Người trẻ ở Hàn Quốc và cả phụ huynh của các em có một niềm tin rằng nếu không thi đỗ đại học thì sẽ không có tương lai, không có cách nào để theo đuổi ước mơ cuộc đời.

Hàn Quốc là một trong những nước mà mặt bằng chung trình độ học vấn của người dân cao nhất thế giới. Thực tế là có 1/3 số người đã có bằng đại học nhưng thất nghiệp. Điều này khiến kỳ thi Suneung ngày càng mang tính cạnh tranh hơn vì một người bắt buộc phải có ít nhất một bằng đại học rồi mới hi vọng có công việc tốt.

Trung bình có 70% học sinh tốt nghiệp phổ thông sẽ vào đại học nhưng chỉ 2% có khả năng vào được 3 trường top đầu. Tốt nghiệp từ những trường này mới có hi vọng vào làm việc ở những tập đoàn lớn như LG, Hyundai, SK, Lotte hay Samsung.

Việc chạy đua đến tương lai ít ai ngờ được là đã được chuẩn bị từ lứa tuổi mẫu giáo. Nhiều em nhỏ chỉ mới 4 tuổi đã phải tham dự những lớp kèm riêng để có được tố chất cạnh tranh cho những kỳ thi về sau.

Nua trieu thi sinh Han Quoc nin tho buoc vao ky thi sinh tu
Trẻ nhỏ ở Hàn Quốc từ rất sớm đã ý thức phía trước là quá trình học tập vô cùng gian nan.

Tại Hàn Quốc hiện có đến 100.000 tổ chức dạy học thêm, và 80% trẻ em đều từng trải qua môi trường này. Ngành “công nghiệp” dạy thêm này thu được đến 20 tỷ USD, việc các giáo viên nổi tiếng kiếm được đến hàng triệu USD mỗi năm là chuyện phổ biến.

Tiến sĩ Kim Tae-hyung, nhà tâm lý học đang làm việc ở Seoul cho biết: “Trẻ em Hàn Quốc phải luôn đối diện với áp lực học giỏi và cạnh tranh với bạn bè của mình. Các em lớn lên trong cô đơn, chỉ có một mục tiêu duy nhất là học và học. Về lâu dài, sự mất cân bằng này dẫn đến trầm cảm và là yếu tố chính dẫn đến tự tử”.

Các em học sinh từ cấp một đã phải căng thẳng khi nghĩ đến việc học và các em thuộc lòng những công việc lương cao, xem đó là mục tiêu phải đạt được khi lớn lên.

Trên toàn cầu, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây ra cái chết của người trẻ. Với Hàn Quốc, tự tử lại là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết của những người từ 10-30 tuổi. Hàn Quốc cũng là nơi có tỷ lệ người trẻ từ 11-15 tuổi chịu căng thẳng tâm lý cao nhất trong số những quốc gia phát triển.

Minh Khôi (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI