Notre-Dame bất diệt trong bão lửa

17/04/2019 - 14:00

PNO - Thiếu Nhà thờ Đức Bà, thiếu hình tượng thằng gù Quasimodo, Paris không còn là Paris.

Người Paris tồn tại với tâm tưởng là nhân chứng sống - chết cùng những tuyệt tác lịch sử để lại cho họ. Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) chính là hiện thân của dòng tâm tưởng ấy. Thiếu Nhà thờ Đức Bà, thiếu hình tượng thằng gù Quasimodo, Paris không còn là Paris.

Notre-Dame bat diet trong bao lua
Ngọn lửa dữ tấn công Nhà thờ Đức Bà Paris, bóp nghẹt trái tim của những ai mong mỏi vượt thoát những bế tắc xã hội đang bủa vây nơi này

Từ thời điểm đại văn hào Victor Hugo quyết định đặt bút xuống viết The Hunchback of Notre-Dame (Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà), ông đã chọn cho mình sứ mệnh của người lưu giữ, là sứ mệnh mà không ít người Paris đang chọn đi cùng, dẫu cho thời gian phủ bụi mù, tạo nên những vết tích rệu rạo bên trong một kiệt tác kiến trúc. 

Victor Hugo từng nhiều lần đến Nhà thờ Đức Bà Paris nhìn ngắm công trình kiến trúc cổ với tất cả sự ngưỡng mộ, thán phục. Nhà văn quyết định một lần dốc sức, dùng ngòi bút thực hiện một dự án chưa từng có. Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà ra đời năm 1831, lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ với tuyến nhân vật chính diện - phản diện đan xen, cốt để khắc họa những tầng sâu cảm xúc, những khắc khoải, khát khao được giải thoát trong tình yêu. Máu và nước mắt đã rơi xuống nhưng lại làm sống dậy niềm tin về một tình yêu cao đẹp hơn hết thảy mọi cám dỗ, toan tính đời thường. Đó là tình yêu của thằng gù khốn khổ Quasimodo dành cho nàng Esméralda trong trắng, ngây thơ trong bối cảnh trớ trêu.

Dẫu tình yêu ấy không được đáp đền, thậm chí phải nhận cái chết bi thảm, nhưng tất cả chuỗi biến cố ấy đều thể hiện ý đồ của tác giả. Tất cả đã phải lùi về sau bởi sự hiển hiện sừng sững của một công trình tráng lệ, đầy sức sống - Nhà thờ Đức Bà Paris. Victor Hugo muốn qua đó gửi gắm điều ông mong mỏi nhất, chẳng phải cho riêng ông, mà cho những ai từng biết đến kiến trúc này: nhắc đến Paris, không ai quên được Nhà thờ Đức Bà và đặt ra trọng trách cho người đời sau phải gìn giữ. Tháng 7/1845, một đạo luật đã được thông qua về việc phục hồi nhà thờ, nhưng bấy nhiêu chưa đủ để xốc dậy nhận thức cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để giữ lấy Notre-Dame.

Trong chương “Notre-Dame” của tác phẩm The Hunchback of Notre-Dame, Victor Hugo đã viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, cho đến nay, Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn là một tòa lâu đài hùng vĩ và tuyệt trần”. Từng câu chữ ông đã viết như một thông điệp gửi lại cho hậu thế: “Thật khó để không thở dài, không phẫn nộ trước sự xuống cấp, cắt xén không kiểm soát, và đồng thời những kẻ đến đây còn chẳng buồn đến đài tưởng niệm bày tỏ lòng thành kính”. Victor Hugo còn nhìn thấy hình ảnh ngọn lửa bùng cháy dữ dội từ nhà thờ. Ngọn lửa ấy chỉ là nhất thời. Những gì sống dậy sau biến cố thảm khốc mới là bất diệt.

Ngày 15/4, hàng ngàn người kinh hãi khi chứng kiến tận mắt những cột khói mù dày đặc bao phủ phía trên nhà thờ, hơn 500 lính cứu hỏa chống chọi với giặc lửa suốt 5 giờ đồng hồ. Cuối cùng thì linh hồn của Paris cũng thoát chết trong gang tấc. 2/3 phần mái đã bị hủy hoại nhưng mặt tiền, khu hậu, 2 tháp chuông và những gì được coi như quý giá nhất như tranh, tượng... đã được cứu. Chỉ vài ngày trước, người ta đã kịp chuyển 16 bức tượng đồng (mỗi bức cao 3m, nặng 250kg) vào kho để phục chế.

Những gì quan trọng đã giữ được. Những ai tin vào phép mầu đã tạ ơn vì may mắn rằng quả chuông lớn của tháp chính không bị rơi xuống bởi nếu tình huống này xảy ra, cả tòa tháp sẽ bị sập và không ai dám nghĩ tiếp sau đó sẽ là gì. 

Paris đã có những khoảng lặng đau thương, Nhà thờ Đức Bà “già nua”, trải qua 850 tuổi, là nơi lưu giữ dấu tích của cả gần một thiên niên kỷ, phải chứng kiến cái chết của 150 người trong vụ khủng bố tháng 11/2015, chứng kiến cảnh hàng triệu người dân xuống đường phản đối hàng loạt chính sách thắt lưng buộc bụng của Tổng thống Macron. Nhiều người dân Paris phải thở dài, chán ngán trước cảnh đám đông áo vàng biểu tình và cả những cá nhân lợi dụng phá rối khu vực quanh nhà thờ linh thiêng. Nhưng giống như tinh thần trong bộ tiểu thuyết của Victor Hugo, Nhà thờ Đức Bà phải sống.

Khi ngọn lửa bùng cháy dữ dội, không đếm hết có bao nhiêu người đã quỳ phục dọc bờ sông Seine, rơi nước mắt cầu nguyện. Họ cầu nguyện sẽ không mất đi biểu tượng thiêng liêng và tự hỏi rằng “Paris chưa đủ tan nát hay sao?”. Họ hiểu chính họ và dân chúng Paris đang oằn mình vượt qua khủng hoảng xã hội. 

Nhiều cá nhân, công ty ở Pháp đã lên tiếng ủng hộ chính quyền cứu lấy Nhà thờ Đức Bà Paris. Người dân ở nhiều quốc gia cũng kêu gọi hỗ trợ hướng về trái tim Paris. Họ tin, Paris mà không có Nhà thờ Đức Bà thì sẽ không còn là Paris nữa.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI