Những nàng thơ huyền thoại - Bài cuối: Mối tình của nghệ thuật

03/01/2014 - 07:24

PNO - PN - Cái kết của những nàng thơ trong lịch sử hiếm khi có hậu vì họ thường là những mỹ nhân bất lực trước sự đưa đẩy của số phận, phụ thuộc vào các nghệ sĩ. Nhưng, Patti Smith lại hoàn toàn khác. Bà là bạn, người tình và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung nang tho huyen thoai - Bai cuoi: Moi tinh cua nghe thuat

Chân dung Patti Smith, 1969

Cuộc gặp gỡ tình cờ

Sinh ra tại Chicago, Mỹ, Patricia Lee Smith là chị cả trong một gia đình bốn anh chị em. Khi còn nhỏ, Patricia thường bối rối tìm cách định nghĩa chính mình, chỉ đến khi làm quen với nghệ thuật, cô mới tìm được lối thoát. Patricia có niềm yêu thích đặc biệt hội họa và thơ ca, học Khoa Nghệ thuật tại Trường Đại học Glassboro và mơ ước trở thành một giáo viên nghệ thuật. Nhưng, môi trường sư phạm không hợp với Patricia. Năm 1967, cô rời trường đại học, mang theo tham vọng trở thành một nhà thơ với cái tên Patti Smith. Cô chuyển đến New York sống, thực hiện giấc mơ gia nhập hàng ngũ của những huyền thoại.

Dấn thân vào xã hội nghệ sĩ trong một thành phố lạ lẫm, không đồng xu dính túi, cô gái Patti chưa đầy 21 tuổi phải sống dựa vào bạn bè nghệ sĩ. Nhưng, cũng chính trong giới nghệ sĩ nghèo khó đó, Patti tìm được cơ hội phát triển tài năng của mình. Từ đó dẫn đến cuộc gặp gỡ định mệnh của Patti với người mà cô xem là nhân vật quan trọng nhất đời mình: Robert Mapplethorpe.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của cặp tình nhân nghệ sĩ huyền thoại diễn ra hết sức tình cờ: Khi đang tìm nhóm bạn, Patti gặp một chàng trai nằm ngủ trong một căn phòng. Mảnh khảnh, mái tóc xoăn bù xù, nhìn chàng như “cậu bé chăn cừu”. Chàng trai có tên Robert Mapplethorpe chợt tỉnh dậy, nở nụ cười với Patti. Chính lúc ấy, cô biết rằng họ được dành cho nhau.

Lần thứ hai họ gặp lại nhau trong hiệu sách Patti đang làm việc. Trước đó, trong cửa tiệm có một chiếc vòng cổ Ba Tư mà Patti rất thích nhưng không có tiền mua. Robert bước vào, bỏ cả tiếng đồng hồ để xem xét những món hàng trong tiệm. Cuối cùng, trước sự ngạc nhiên của Patti, anh muốn mua chính chiếc vòng mà cô thích. Patti kể lại: “Trong lúc gói chiếc vòng đó, không hiểu sao tôi đã nói: Đừng tặng nó cho bất kỳ cô gái nào ngoài em”. Robert trả lời “Không đâu”. Cuộc tình của hai nghệ sĩ đầy tài năng ấy đã bắt đầu như thế.

Nàng và chàng thơ

Patti và Robert dọn về ở với nhau trong một căn hộ ở Brooklyn, New York. Họ trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho nhau trong sáng tác. Có thể nói, Patti là nàng thơ của Robert và Robert cũng là “chàng thơ” của Patti. Họ ảnh hưởng sâu sắc đến nhau trên con đường định hình xu hướng nghệ thuật của mình.

Trong khi Robert còn chưa xác định được môn nghệ thuật nào để lập nghiệp thì Patti là người chu cấp kinh phí cho cả hai. Như bao đôi lứa khác, họ chia sẻ cho nhau các câu chuyện về mình. Hóa ra, Patti và Robert đều khá nhiều điểm chung: cả hai đều cùng sinh năm 1946, đều xuất thân nghèo khó nhưng đầy tài năng. Robert là đứa con được cưng chiều từ nhỏ, trong khi Patti vốn vào đời sớm. Patti kể lại: “Robert như một đứa trẻ ngoan tìm cách học thói hư, trong khi tôi như một đứa con hư tìm cách học làm điều tử tế”.

Nhung nang tho huyen thoai - Bai cuoi: Moi tinh cua nghe thuat

Patti Smith và Robert và Mapplethorp

Được Patti khích lệ, Robert thử nghiệm với nhiếp ảnh và rất thành công với các chủ đề tình dục, đau đớn, máu me. Trong những năm 1970, những tác phẩm nhiếp ảnh trắng đen xoay quanh các chủ đề tình dục của Robert Mapplethorpe đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi về các chủ đề cấm kỵ của nghệ thuật. Robert nhanh chóng được gán cho biệt danh “Ông hoàng bóng tối”. Thơ của Patti thì ngày càng chỉn chu hơn và hướng dần về âm nhạc. Cô chọn thể loại thơ biểu diễn làm chủ đạo. Năm 1971, một buổi đọc thơ huyền thoại của Patti tại nhà thờ St. Mark đã làm giới nghệ sĩ xôn xao. Cặp đôi Patti và Robert đã thúc đẩy lẫn nhau để trở thành những nghệ sĩ thành công.

Nhưng, Robert đã thể hiện mình là người có tham vọng tiền tài và danh tiếng. Nhà nhiếp ảnh trẻ lao vào giao du với các nhân vật giàu có, vừa tìm cách bán các tác phẩm của mình vừa leo lên các bậc thang địa vị xã hội. Thậm chí, anh còn kiếm thêm tiền bằng cách bán mình cho giới đồng tính thượng lưu. Nhưng với Patti, vốn là một nghệ sĩ khiêm tốn, cô không thích sự hào nhoáng cũng như lối sống mà Robert đang tìm kiếm. Patti và Robert chia tay, dù vẫn giữ quan hệ bạn bè.

Chỉ là con trẻ

Từ đó, Patti Smith đi theo con đường của riêng mình và trở thành một huyền thoại trong văn hóa nghệ thuật những năm 1970. Cô pha trộn chất trữ tình của thơ ca và năng lượng hoạt náo của nhạc Rock. Patti lập một nhóm nhạc và biểu diễn bài Piss Factory, được xem là bản nhạc Punk Rock đầu tiên. Patti Smith trở thành một trong những nhà tiên phong của nhạc Punk Rock sôi động tại New York. Không ai có thể ngờ cô gái vốn xuất thân từ một gia đình gốc Ailen mộ đạo như Patricia lại trở thành huyền thoại nhạc Rock. Danh tiếng của Patti Smith vang dội đến tận mãi năm 1980, khi cô phải lòng và kết hôn với tay chơi guitar của nhóm MC5 Fred “Sonic” Smith. Hơn 17 năm sau đó, Patti sống ẩn dật, né tránh dư luận, chăm lo cho gia đình của mình.

Năm 1989, Robert Mapplethorpe chết vì bệnh AIDS. Chấn động với tin Robert ra đi, Patti viết tập thơ The Coral Sea (Biển san hô), kể lại tình yêu họ đã dành cho nhau và nghệ thuật. Đau khổ đã thúc đẩy bà quay trở lại với nhạc Rock bằng hàng loạt album thành công vang dội. Năm 2007, cái tên Patti Smith được ghi nhận vào Rock and Roll Hall of Fame, danh sách những vĩ nhân đã cống hiến cho nhạc Rock and Roll. Để kỷ niệm mối tình của mình và Robert Mapplethorpe, Patti Smith xuất bản tập thơ/tự truyện mang tên Just Kids (Chỉ là con trẻ) vào năm 2010. Just Kids kể về tình yêu thơ ngây và niềm say mê nghệ thuật mà hai ngôi sao này đã chia sẻ.

Trong vòng bốn thập kỷ, Patti Smith là người tiên phong của xu hướng nhạc Punk, đem vẻ đẹp tuyệt mỹ của thơ ca vào những bản nhạc mạnh mẽ của Rock. Mối tình và cuộc hợp tác nghệ thuật của Patti Smith và Robert Mapplethorpe là câu chuyện huyền thoại trong giới nghệ thuật. Nhưng, Patti không chỉ tạo cảm hứng cho Robert, bà còn là “nàng thơ” của cả một thế hệ, truyền cảm hứng cho các hoạt động nghệ thuật suốt hai thập kỷ 1970-1990.

 XUÂN HẠO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI