Nhiều giáo viên ngoại quốc ‘gặp nạn’ ở Trung Quốc

13/08/2019 - 13:51

PNO - Năm nay, số giáo viên nước ngoài bị bắt và trục xuất đột nhiên tăng vọt ở Trung Quốc, các luật sư cho biết đây là do chính quyền nỗ lực làm trong sạch và nâng cao tinh thần ái quốc trong nền giáo dục nước này.

Nhieu giao vien ngoai quoc ‘gap nan’ o Trung Quoc
Biển hiệu một trường dạy tiếng Anh ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Bốn công ty luật có trụ sở tại Trung Quốc đại lục nói với hãng tin Reuters rằng yêu cầu đại diện pháp lý liên quan đến giáo viên nước ngoài tăng vọt từ 4 đến 10 lần trong vòng 6 tháng qua, trong khi giáo viên và các trường đều xác nhận các vụ bắt giam và tạm giữ vì các tội nhỏ ngày càng trở nên phổ biến.

Theo một thông báo nội bộ đề ngày 27/6 gửi cho nhân viên của Tổ chức Education First (EF) có trụ sở tại Thụy Sĩ, nơi điều hành 300 trường học tại khắp 50 thành phố của Trung Quốc, đã có một ​​sự gia tăng đáng kể các vụ bắt giữ ở Trung Quốc liên quan đến các tội danh ma túy, đánh nhau và vi phạm an ninh mạng.

Thông báo cho biết, nhân viên của EF bị cảnh sát bắt tại nhà và nơi làm việc, cũng như trong các quán bar và hộp đêm và bị thẩm vấn hay đưa đi xét nghiệm ma túy. Thông báo cho biết EF cũng đã nhận được cảnh báo từ các đại sứ quán về sự gia tăng các vụ bắt giữ giáo viên người ngoại quốc.

Một phát ngôn viên của EF từ chối bình luận về nội dung của thông báo, nhưng cho biết công ty này đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của EF với chính quyền Trung Quốc, cô nói thêm rằng EF thường xuyên nhắc nhở nhân viên phải tuân thủ các quy định của nước sở tại.

Ông Peter Pang, luật sư chính tại Công ty Luật IPO Pang Xingpu ở Thượng Hải, đại diện cho các giáo viên nước ngoài trong tranh chấp nói rằng, Trung Quốc bức xúc việc làm trong sạch nền giáo dục theo tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình, “để nước này có thể cho thế giới nhìn thấy gương mặt tốt của mình”.

Các vụ giam giữ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Úc, đang gia tăng trong thời gian gần đây.

Theo số liệu năm 2017, Trung Quốc có khoảng 400.000 công dân nước ngoài làm việc trong ngành giáo dục, những người này làm việc trong các trường phổ thông, cao đẳng và các viện ngôn ngữ.

Ngành này từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi “sự lạm dụng từ cả hai phía”, khi nhiều giáo viên nước ngoài làm việc “chui” (không có thị thực thích hợp) ở Trung Quốc, trong khi một số trường học của Trung Quốc cũng lợi dụng lỗ hổng này.

Các luật sư cho biết xung đột ngày càng tăng trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc, giữa một bên là “ảnh hưởng ngoại bang” và một bên là tư tưởng dân tộc quyết liệt trong giáo dục.

Ba cựu giáo viên của hai trường ở Bắc Kinh và Thượng Hải, bị giam giữ từ 10 đến 30 ngày trước khi bị trục xuất trong năm nay, cho biết các giáo viên ngoại quốc bị kiểm tra ma túy nhiều lần trong vòng vài tuần sau khi nhận việc và thường xuyên bị thẩm vấn.

Hành vi của các giáo viên nước ngoài ở Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý vào tháng trước, khi 19 công dân nước ngoài, trong đó có bảy người làm việc cho EF, bị bắt tại thành phố Từ Châu với cáo buộc ma túy.

Tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc phát động một chiến dịch rộng khắp nhằm loại bỏ ảnh hưởng của ngoại bang khỏi giáo dục, bao gồm các nỗ lực cấm giảng bài về lịch sử nước ngoài, cấm lưu hành các tài liệu tự học và sửa đổi sách giáo khoa để tập trung vào hệ tư tưởng chính thống của Đảng.

Bộ Giáo dục đã tiến hành theo dõi và tổ chức các cuộc kiểm tra các trường học nhằm nâng cao tinh thần yêu nước và “các giá trị XHCN cốt lõi” phản ánh tình yêu tổ quốc.

Các luật sư cho biết tâm trạng bài ngoại gia tăng trong giáo dục Trung Quốc và một loạt giáo viên nước ngoài gặp phải các tình trạng như bị trường trừ lương, trường từ chối cung cấp tài liệu để xin thị thực và thay đổi hợp đồng không cần cảnh báo trước.

Emily, một giáo viên tiếng Anh 25 tuổi từ tiểu bang Utah (Mỹ), cho biết một trường học ở Thành Đô đã giữ hộ chiếu của cô trong 10 tuần vào cuối năm 2018, họ còn viện rất nhiều lý do để từ chối trả lại hộ chiếu khi cô đe dọa sẽ gọi cảnh sát. Mỗi tháng, nhà trường còn trừ 1.200 nhân dân tệ từ lương của cô - 16.000 nhân dân tệ (2.269 USD) - với lý do phải đóng một khoản lệ phí nào đó.

Thanh Hải (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI