Nhật xử lý tin đồn ác ý trong trận động đất ở Osaka

26/06/2018 - 10:15

PNO - Nhà chức trách Nhật Bản mới đây đã can thiệp, không cho phép mạng xã hội lan truyền tin đồn người nước ngoài tấn công và cướp bóc trong trận động đất ở Osaka.

Tin đồn người nước ngoài thực hiện cướp bóc hay tấn công khủng bố sau trận động đất thứ Hai tuần trước ở Osaka đã bị lên án rộng rãi như một hành động gieo rắc sợ hãi, mang tính phân biệt chủng tộc.

Nhat xu ly tin don ac y trong tran dong dat o Osaka
Hàng hóa rơi la liệt trong một cửa hàng sau trận động đất ở Osaka - Ảnh: Reuters

Trận động đất 6,1 độ richter xảy ra gần 8 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 18/6 đã cướp đi mạng sống của 4 người và làm bị thương 300 người khác.

Trong vòng vài giờ sau khi động đất xảy ra, các tin nhắn xuất hiện trên Twitter và mạng xã hội khác của Nhật Bản, cảnh báo rằng người nước ngoài sắp “cướp bóc” các cửa hàng hoặc tấn công các thành viên của công chúng.

"Khi động đất xảy ra ở khu vực Kansai, có khả năng lớn người Trung Quốc và người Triều Tiên có các hành vi sai trái", một người dùng Twitter viết. "Có thể họ sẽ “săn” các máy ATM ở ngân hàng và cửa hàng tiện lợi”.

Ngoài ra, các mạng xã hội Nhật còn lan truyền các tin đồn vô căn cứ, nói rằng một đoàn tàu trật bánh và một con ngựa vằn trốn khỏi một vườn thú địa phương.

Nhat xu ly tin don ac y trong tran dong dat o Osaka
Khói bốc lên từ một căn nhà bị cháy ở do động đất hôm 18/6 ở Takatsuki, Osaka - Ảnh: Ảnh: Kyodo

Chính quyền tỉnh Osaka đã nhanh chóng phản ứng với các tin đồn trên mạng xã hội và kêu gọi công chúng không chia sẻ những tin vô căn cứ trên internet.

"Các tin vịt, chẳng hạn như tin về một vụ tai nạn không hề có, có thể được chia sẻ rộng rãi trên mạng truyền thông xã hội sau khi nó được đăng tải", chính quyền cảnh báo trên trang web của tỉnh Osaka, và khuyến cáo người dân: "Hãy nhận biết nguồn thông tin và xác nhận xem các tin tức có đáng tin cậy hay không”.

Một bài xã luận trên tờ Asahi cho biết: “Lan truyền những tin đồn sai lệch nhằm gây lo âu cho người dân vào thời điểm khó khăn sau trận động đất lớn là một hành động đáng khinh, không thể bỏ qua”.

Nhat xu ly tin don ac y trong tran dong dat o Osaka
Nhân viên dọn dẹp siêu thị sau trận động đất ngày 18/6 - Ảnh: Reuters

“Điều đáng lo ngại là sự gia tăng các bài viết trên truyền thông xã hội nhằm thúc đẩy phân biệt đối xử và thành kiến ​​đối với kiều dân nước ngoài ở Nhật Bản”, tờ Asahi viết.

Bài xã luận nhấn mạnh, "nhiều bài viết mang tính bài ngoại cảnh báo về các hành động của một số nhóm sắc tộc ngoại quốc", trong khi một số tin đồn vô căn cứ khác nói rằng, thiệt hại của trận động đất đối với các tài sản văn hóa quan trọng “có thể là do bàn tay của người nước ngoài”.

Những tin đồn như lan nhanh với tốc độ chóng mặt, xuất phát từ trang web ẩn danh, nên khó điều tra người vi phạm. Trước đó, các tin đồn loại này đã xuất hiện sau các trận động đất tháng 3/2011 ở Tohoku và trận động đất tháng 4/2016 ở tỉnh Kumamoto.

“Chúng tôi cảm thấy rất tức giận vì hành vi sai trái đó lại xảy ra sau trận động đất ở Osaka, nơi có đông kiều dân nước ngoài sinh sống”, tờ Asahi tuyên bố.

Những tin đồn về cướp bóc thực chất chỉ lặp lại các thông tin không được xác thực sau trận động đất Đại Kanto từ năm 1923.

Nhat xu ly tin don ac y trong tran dong dat o Osaka
Du khách lánh nạn bên ngoài một khách sạn ở Osaka khi trận động đất xảy ra - Ảnh: Kyodo

Trong thảm họa đó, hàng ngàn người nước ngoài - chủ yếu là người Triều Tiên và 700 người Trung Quốc – bị các băng nhóm người địa phương sát hại, sau khi có tin đồn kiều dân nước ngoài “cướp bóc, đốt phá và đầu độc giếng nước”.

Makoto Watanabe, giảng viên cao cấp về truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, cho biết, phản ứng nhanh chóng của chính quyền Osaka là “chính xác và phù hợp”, ông cũng hối thúc chính phủ Nhật đưa ra luật chống lại ngôn từ kích động thù địch.

Trả lời phỏng vấn của tờ South China Morning Post, ông Watanabe nói: "Những bình luận kiểu như vậy hết sức đáng tiếc, nhưng may mắn chúng phát sinh từ một nhóm rất nhỏ trong xã hội Nhật Bản”.

Ông nói người Nhật gọi đó là “net uoyoku” – những kẻ cánh hữu trên internet - họ dường như “bị tẩy não” vì chỉ nói chuyện với một nhóm nhỏ cực đoan trên internet.

Tô Châu (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI