Người dân Trung Quốc trả tiền để vào 'nhóm la mắng' xả stress

23/03/2019 - 17:00

PNO - “Nếu bạn ghét cha con nhà Su giống như tôi. Nào, hãy cũng trút giận!”. Lời mời gọi kỳ lạ khá quen thuộc với cư dân mạng tại Trung Quốc, vì đây là cách mọi người xả stress thời 4.0.

Các nhóm “la mắng” riêng tư hình thành trên ứng dụng mạng xã hội, và người dùng không cần lo lắng về việc làm tổn thương ai đó, bởi tất cả nhân vật đều không có thật và được lấy cảm hứng dựa trên một bộ phim sitcom tại Trung Quốc.

Nói cách khác, sự tức giận của mọi người là thật, và các nhóm chat trở thành nơi để người  tham gia cùng nhau buông lời lăng mạ đối với các nhân vật hư cấu làm họ thất vọng nhất.

Nguoi dan Trung Quoc tra tien de vao 'nhom la mang' xa stress
Rất nhiều nhóm trò chuyện mở ra dựa trên một bộ phim truyền hình, là nơi để mọi người bày tỏ bất bình với các nhân vật.

Người dùng chỉ cần trả một khoản phí thành viên nhỏ (0,15 USD) trên nền tảng thương mại điện tử Taobao và tham gia một nhóm trò chuyện trên QQ hoặc WeChat. Ở đó, họ sẽ gặp những người có cùng quan điểm về All is Well, một chương trình truyền hình đang gây sốt ở Trung Quốc.

Chương trình miêu tả một gia đình địa phương, trọng nam khinh nữ theo kiểu cổ hủ, ưu ái những đứa con trai ích kỷ, bỏ bê người con gái duy nhất, và đối xử với các mối quan hệ gia đình như "giao dịch kinh doanh.

Rõ ràng, kịch bản trên có thể khiến bạn bức xúc, và bạn không phải là người duy nhất. Các nhóm trực tuyến đã trở nên nổi tiếng bất ngờ trong tuần này với khoảng một chục nhà cung cấp trên Taobao rao bán “nhóm la mắng”.

Trên nhóm WeChat, những người lạ cùng nhau mắng chửi bộ ba cha con nhà họ Su, bình luận về cốt truyện và chia sẻ memes. Một người ghi: “Lão già! Nếu ông còn tiêu thêm tiền của con gái, tôi sẽ đập gãy tay ông!”.

Nguoi dan Trung Quoc tra tien de vao 'nhom la mang' xa stress
Cô đơn, thiếu bạn bè chia sẻ, nhiều người chọn internet và các dịch vụ về mặt cảm xúc để giải tỏa nỗi lòng.

Dù trông có vẻ kỳ quái, một nhà cung cấp trên Taobao nói rằng mục đích đằng sau các nhóm chat không chỉ để trút giận, mà còn để được lắng nghe.

Người này viết: “Bạn không thực sự ở đây để mắng họ, bạn chỉ muốn tìm ai đó lắng nghe. Có vẻ như mọi người đều bận rộn, lạnh lùng và họ giả vờ vui vẻ với những người họ thích. Ứng dụng này là của bạn. Vào đây nào!”.

Trong khi một người dùng thay đổi ảnh đại diện của mình thành chương trình truyền hình, ông già Su và sử dụng các trích dẫn để thử chọc giận đám đông, những người khác muốn chuyển sang các chủ đề cá nhân hơn.

Một người phụ nữ làm việc cho công ty logistics trong 10 năm qua viết: “Tôi muốn mắng nơi làm việc của mình, OK?” và kể rằng công ty đã cắt tiền thưởng khi cô sinh đứa con thứ hai. Sau đó, một người đàn ông khác bắt đầu phàn nàn về mẹ vợ.

Nhà cung cấp giải thích: “Người dân chỉ muốn trút cảm xúc, hoặc họ tham gia bởi vì nó rất vui”.

Các nhóm mắng chửi không phải là dịch vụ trả phí duy nhất nhắm vào cảm xúc cá nhân trên các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc.

Ví dụ, nếu bạn có một ngày tồi tệ, bạn có thể trả tiền cho một nhóm WeChat để họ tâng bốc bạn bằng những lời khen ngợi và những thông điệp vui vẻ đầy tính tích cực. Theo truyền thông Trung Quốc, một số nhóm như vậy xuất hiện từ năm 2014.

Trên Taobao, cũng có những người bán hàng sẽ gửi cho bạn tin nhắn chúc ngủ ngon mỗi tối, với một khoản phí nhỏ 0,15 USD cho mỗi tin nhắn. Hoặc chúc bạn sinh nhật vui vẻ, lắng nghe bạn trút bầu tâm sự về những vấn đề trong công việc và thậm chí gửi những lời bày yêu thương.

Tất cả các ứng dụng cảm xúc là một hiện tượng hấp dẫn, không xa lạ, nhưng cho thấy rằng ngày càng có nhiều cá nhân cảm thấy cô độc, thiếu nơi chia sẻ giữa áp lực từ cuộc sống hiện đại.

Linh La (Theo Abacus)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI