Người dân Sydney tự vệ trước “ma men”

14/01/2014 - 06:35

PNO - PN - Ăn nhậu say xỉn rồi đánh người, gây tai nạn vốn là “chuyện thường ngày ở huyện” tại nhiều nước đông dân, kém phát triển. Nhưng, với thành phố Sydney (Úc), không ngờ vấn nạn này cũng đến hồi báo động...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 11/1/2014, gia đình Daniel Christie quyết định tắt hết mọi phương tiện hỗ trợ sự sống cho Daniel ở Bệnh viện St Vincent. Chàng thanh niên 18 tuổi này bị gã say xỉn Shaun McNeil (25 tuổi) tấn công trong đêm giao thừa 2014, và hôn mê cho đến khi gia đình đồng ý để Daniel ra đi mãi mãi.

Nguoi dan Sydney tu ve truoc “ma men”

"Ma men" Shaun McNeil (ảnh: Sydney Morning Herald)

Vào cái ngày xui xẻo ấy, Daniel và em trai Peter cùng nhóm bạn đi chơi đêm giao thừa trong “quận đèn đỏ” King Cross của Sydney, nổi tiếng với những quán bar, nhà hàng và các nhóm tội phạm. Họ bất ngờ gặp hai thanh thiếu niên bị McNeil đuổi đánh. Daniel cố gắng giúp hai bạn trẻ đang sợ hãi nấp sau lưng mình, nên lãnh trọn một cú đấm của McNeil khiến anh đập đầu xuống đường, bất tỉnh.

Theo cảnh sát, McNeil bắt đầu “chè chén” để đón giao thừa từ 15g và đã nốc tám chai bia, một chai rượu trước khi đụng độ với các bạn trẻ kể trên lúc 21g. Shaun McNeil bị bắt giữ, không được bảo lãnh vì ba tội danh liên quan đến tấn công, gây thương tích cho bốn người, chưa kể tình tiết mới là Daniel đã tử vong.

Nguoi dan Sydney tu ve truoc “ma men”

Daniel Christie (ảnh: Sydney Morning Herald)

Cái chết của Daniel đã làm sống lại nỗi sợ hãi của cư dân thành phố Sydney về những vụ tấn công vô cớ do “ma men” dẫn lối. Cũng trên đường phố King Cross hồi tháng 7/2012, một vụ tương tự đã khiến cậu thiếu niên Thomas Kelly thiệt mạng. Sau cái chết của con mình, bố mẹ Thomas Kelly tổ chức một cuộc vận động, thu hút được 23.000 chữ ký, yêu cầu chính quyền bang New South Wales quyết liệt cải cách hệ thống pháp luật, nhằm kết án những vụ bạo lực liên quan đến nhậu nhẹt, trong đó họ kiến nghị say rượu phải được xem là ‘’tình tiết nặng” khi bị tuyên án. Bản kiến nghị cũng yêu cầu xem xét tuổi của nạn nhân và việc không có khả năng tự bảo vệ mình là những yếu tố để tăng án tù đối với kẻ say rượu đánh người. Gia đình Daniel là những người mới nhất tham gia cuộc vận động này.

Nguoi dan Sydney tu ve truoc “ma men”

Một trong những "ma men" bị cảnh sát còng tay (ảnh: Sydney Morning Herald)

Trong khi chính quyền chưa đưa ra được biện pháp nào, nhiều phụ huynh ở Sydney đã tự bảo vệ con em mình bằng cách cho con tham gia những lớp võ tự vệ, dạy con cách đối phó khi gặp phải bợm nhậu, giáo dục con về sự nguy hại và hậu quả của rượu, lên danh sách những địa điểm “đen” cấm lui tới. Thậm chí họ đưa con đến các trung tâm cải tạo gặp trực tiếp tội phạm là “ma men” để con mình tăng thêm hiểu biết từ thực tế…

Truyền thông cũng vào cuộc theo cách riêng. Tờ Sydney Morning Herald (SMH) kêu gọi người dân Sydney chung tay chống lại bạo lực liên quan đến rượu. SMH phát động cuộc thi mang tên Take the Safer Sydney (tạm dịch: Hãy làm cho Sydney an toàn hơn) bằng cách làm một video clip quảng cáo khoảng 30 giây hoặc một áp phích chống bạo lực say xỉn. Tờ báo hy vọng chiến dịch này sẽ thu hút độc giả trẻ và giúp thay đổi suy nghĩ của mọi người về những hành vi chống đối xã hội.

Sau cái chết thương tâm của Daniel, sự giận dữ của người dân và những bất an về lối hành xử “côn đồ” đang hoành hành trên đường phố đã gây áp lực mạnh lên chính quyền bang New South Wales. Phe đối lập cáo buộc Thủ hiến của bang là Barry O’Farrell đã bị khuất phục trước sự vận động của các hãng rượu và yêu cầu phải ban hành lệnh giới nghiêm lúc 3g đối với các tụ điểm giải trí. Theo đó, các nhà hàng, khách sạn, quán bar phải ngưng làm việc lúc 1g và đóng cửa lúc 3g, cũng như cấm bán rượu sau 22g.

 AN KHUÊ
(Theo Sydney Morning Herald, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI