Nga - Trung 'lầm tưởng' khi được Philippines theo phe, Mỹ đã nắm được thóp

03/10/2016 - 10:26

PNO - Trung Quốc không thể quá ảo tưởng về việc quan hệ Philippines-Mỹ xấu đi. Bằng chứng là Tổng thống Duterte dù liên tục đưa ra những phát ngôn làm mất lòng chính quyền Mỹ nhưng sau đó ông cũng đã kịp thời "chữa cháy".

Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 2/10 cho hay ông đã nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc và Nga khi lên tiếng chỉ trích Mỹ. Phát ngôn của Tổng thống Philippines một lần nữa làm lung lay mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Manila và Washington.

Ông Duterte nói rằng trong cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo  ASEAN tại Lào hồi tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng tình với Tổng thống Philippines khi ông này có những tuyên bố chỉ trích Mỹ. 

"Tôi đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Medvedev, tôi sẽ tiết lộ cho bạn ngay bây giờ", ông Duterte nói trong một bài phát biểu. "Tôi nói với ông ấy về việc họ (người Mỹ) đã khiến tôi có một khoảng thời gian khó khăn, họ không tôn trọng tôi, họ không biết xấu hổ. Sau đó ông Medvedev nói: "Đó thực sự là người Mỹ. Chúng tôi sẽ giúp bạn".

Nga - Trung 'lam tuong' khi duoc Philippines theo phe, My da nam duoc thop
Tống thống Philippines, ông Rodrigo Duterte liên tục đưa ra các tuyên bố gây sốc chỉ sau 2 tháng rưỡi cầm quyền. Ảnh: Reuters

Những lời chỉ trích nặng nề của Tổng thống Duterte với nước Mỹ ngày càng nhiều sau khi Tổng thống Barack Obama tỏ ý quan ngại trước cuộc chiến chống ma túy của người đồng cấp Philippines. Thậm chí, Nhà Trắng đã tuyên bố hủy cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Philippines tại Lào sau khi ông Duterte có những lời xúc phạm nặng nề với Tổng thống Obama.

Không chỉ Nga, hôm qua ngày 2/10, Tổng thống Philippines cũng tiết lộ ông đã phàn nàn với Trung Quốc về Mỹ cũng trong hội nghị tại Lào và cũng nhận được sự ủng hộ. Ông cho hay, phía Trung Quốc đã nói rằng: "Đi với chúng tôi, các ông sẽ không bị trục lợi gì cả".

Philippines sẽ mất Mỹ vì Tổng thống Duterte?

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cảnh báo các chính sách đối ngoại độc lập của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang đi “chệch hướng”, có thể làm Manila mất đi những người bạn lâu năm.

Phát biểu tại lễ bế mạc một diễn đàn của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Albert del Rosario hôm 28-9, cựu Ngoại trưởng Philippines khẳng định cần phải xem xét lại các chính sách đối ngoại độc lập mới dưới thời Tổng thống Duterte. Ông Del Rosario thắc mắc không hiểu tại sao Philippines lại đột nhiên giữ khoảng cách với Mỹ, trong khi ngày càng xích lại gần Trung Quốc.

Thời điểm Manila khởi kiện và giành chiến thắng trước Bắc Kinh tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan về vụ kiện Biển Đông, ông Del Rosario vẫn đang giữ chức ngoại trưởng. Vì vậy, chứng kiến Tổng thống Duterte đưa ra những bình luận khắc nghiệt đối với Washington, đặc biệt là Tổng thống Barack Obama, ông không ngớt đặt câu hỏi.

Trong một bình luận gần đây nhất, nhà lãnh đạo Philippines thậm chí tuyên bố Mỹ đã thao túng tỉ giá hối đoán để làm suy yếu đồng peso của nước ông. Bộ trưởng Ngân sách Philippines Benjamin Diokno sau đó "chỉnh lại" tuyên bố này.

Ông Del Rosario nhận xét các chính sách đối ngoại của Philippines đối với Mỹ và Trung Quốc cần phải thu được những lợi ích thiết thực, không nên “bỏ tép bắt tôm” rồi “bỏ tôm bắt tép”, cuối cùng nhận về kết quả là con số “0” tròn trĩnh.

Ngoài ra, theo ông Del Rosario, các chính sách ngoại giao của Philippines được lèo lái bởi các mối quan hệ dân chủ. Vậy nên, ông cho rằng tất cả đều phải tuân thủ các nguyên tắc, tính độc lập và tinh thần thượng tôn pháp luật. Ông còn cảnh báo nếu Philippines xa rời Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hậu quả kinh tế sẽ đến trong nhãn tiền.

Không nói đâu xa, hôm 1/10, các nhà lập pháp có ảnh hưởng tại Mỹ đã đánh tiếng các vụ giết nghi phạm ma túy không qua xét xử do Tổng thống Duterte phát động có thể làm ảnh hưởng tới viện trợ Washington dành cho Manila. Philippines đã nhận được khoảng 175 triệu USD tiền hỗ trợ phát triển của Mỹ trong năm tài chính 2015 cùng với 50 triệu USD tiền viện trợ quân sự.

Trong năm 2016, Manila được Washington tài trợ 75 triệu USD cho các hoạt động chống khủng bố và an ninh hàng hải. Kể từ năm 2011, Mỹ cung cấp 3 tàu bảo vệ bờ biển cho Philippines để tăng cường năng lực hải quân.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói rằng còn quá sớm để áp đặt các hạn chế về viện trợ đối với Manila. Ông nhấn mạnh mong muốn của Washington là làm việc với Tổng thống Duterte dựa trên mối quan hệ bền chắc giữa 2 nước – vốn bắt nguồn từ một hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951.

Đại sứ Trung Quốc tại Manila Zhao Jianhua tuyên bố kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức hồi cuối tháng 6, Trung Quốc và Philippines đã có “một loạt các tương tác thân thiện dẫn đến những kết quả tích cực”. Vị này mô tả một cách văn vẻ: “Những đám mây đang tan dần. Mặt trời ló dạng ở cuối chân trời, tỏa ánh sáng trên một chương quan hệ song phương mới”.

Tuy nhiên, có lẽ Trung Quốc cũng không thể quá ảo tưởng về việc quan hệ Philippines-Mỹ xấu đi. Bằng chứng là Tổng thống Duterte dù liên tục đưa ra những phát ngôn làm mất lòng chính quyền Mỹ nhưng sau đó ông cũng đã kịp thời "chữa cháy".

Chẳng hạn, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra tuyên bố muốn Mỹ rút cố vấn quân sự khỏi miền Nam Philippines, ông lại khẳng định Manila sẽ không cắt đứt quan hệ với các nước đồng minh.

Ông còn ví sự gắn kết trong quan hệ giữa Philippines và các nước đồng minh là "dây rốn không thể cắt bỏ". Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh Philippines không có ý định chống lại bất kỳ quốc gia nào.

Phía quân đội Philippines ra tuyên bố khẳng định quan hệ quân sự giữa Manila và Washington vẫn vững chắc. Phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết:

"Tuyên bố gần đây (của Tổng thống Duterte) sẽ chỉ ảnh hưởng tới một lượng nhỏ lính Mỹ chủ yếu tại thành phố Zamboanga. Họ (Mỹ) hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện cho các binh sĩ Philippines trong cuộc chiến chống khủng bố. Chúng tôi đảm bảo với người dân và các đồng minh rằng quan hệ quân sự Mỹ - Philippines vẫn vững chắc".

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI