New Zealand cấm lưu hành tuyên ngôn của nghi phạm vụ thảm sát Christchurch

24/03/2019 - 11:30

PNO - Chính phủ New Zealand hôm 23/3 ban hành lệnh cấm lưu hành tuyên ngôn phân biệt sắc tộc điên cuồng của nghi phạm gây nên vụ xả súng sát hại 50 người ở hai thánh đường Hồi giáo thành phố Christchurch.

Nhà chức trách yêu cầu người dân lập tức tiêu hủy tài liệu dài 74 trang “kêu gọi giết người và khủng bố” của nghi phạm.

New Zealand cam luu hanh tuyen ngon cua nghi pham vu tham sat Christchurch
Ngay sau vụ thảm sát ở Christchurch, Thủ tướng tuyên bố New Zealand cấm mua bán vũ khí tự động kiểu quân sự nghi phạm đã sử dụng khi tấn công hai thánh đường Hồi giáo - Ảnh: AP

Văn phòng kiểm duyệt điện ảnh và văn chương New Zealand (OFLC) đã ban hành thông cáo chính thức cấm lưu hành bản tuyên ngôn do kẻ sát nhân 28 tuổi viết ra và được y đặt tên là “Sự thay thế vĩ đại”.

Thông cáo do giám đốc OFLC David Shanks ký tên khẳng định: “Có một sự khác biệt quan trọng giữa những ngôn từ thù hằn, mặc dù bị nhiều người phản đối nhưng vẫn hợp pháp, với ấn phẩm này. Bản tuyên ngôn này được viết ra với chủ ý truyền cảm hứng cho hành động giết người và khủng bố. Và điều này đã vượt quá giới hạn”.

Kẻ sát nhân - tự miêu tả mình là một người theo tư tưởng cực đoan da trắng – đã lạnh lùng xả súng cướp đi mạng sống của 50 người Hồi giáo đang cầu nguyện trong ngày 15/3, y còn gắn camera lên mũ để truyền hình trực tiếp vụ thảm sát. Y đăng bản tuyên ngôn của mình lên tài khoản Twitter và gửi một bản đến văn phòng Thủ tướng Jacinda Ardern.

Trước đó, chính phủ New Zealand đã cấm lưu hành đoạn video xả súng trong thánh đường dài 17 phút đồng thời cấm các loại vũ khí bán tự động kiểu quân sự.

Các quan chức chính quyền cho biết cả bản tuyên ngôn cũng như đoạn video của nghi phạm xả súng đều bị cấm theo luật năm 1993 của New Zealand.

Bản tuyên ngôn của nghi phạm đã được truyền thông đưa tin rộng rãi, điều này cho thấy có thể một số người New Zealand đã đọc tài liệu này. Tuy nhiên, sau khi có lệnh cấm, việc lưu giữ và truyền bá bản tuyên ngôn này không chỉ vi phạm luật, mà còn bị đặt vấn đề về đạo đức.

Tuy nhiên, các nhà báo, luật sư, học giả và những người liên quan khác có thể được miễn trừ khi lưu giữ tuyên ngôn với mục đích pháp lý, giáo dục, phân tích và đưa tin sâu về vụ việc.

Việt Hưng (Theo USA Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI