Nền khoa học Mỹ chao đảo vì lệnh cấm nhập cư của ông Trump

31/01/2017 - 10:06

PNO - Sắc lệnh cấm nhập cư đối với người dân nhiều quốc gia, trong đó có Iran được cho là gây thiệt hại cho nền khoa học Mỹ trên nhiều lĩnh vực.

Các dự án khoa học quan trọng của Mỹ từ thám hiểm sao Hỏa đến chống lại dịch Ebola hay toán cao cấp đều có sự đóng góp đáng kể của nhiều trí thức Iran. Tuy nhiên, hàng trăm trí thức này đang lâm vào tình huống chẳng thể ngờ khi họ không thể nhập cư trở lại Mỹ, tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học.

Samira Asgari đã chuẩn bị rất lâu cho chuyến đi đến Mỹ. Cô vừa lấy bằng Tiến sĩ ở Thụy Sĩ và sẵn sàng theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu độc lập về mối liên hệ giữa gen và bệnh lao ở bệnh viện Brigham &Women tại Boston.

Nen khoa hoc My chao dao vi lenh cam nhap cu cua ong Trump
Nhiều trí thức người Iran bị chặn lại các sân bay, không cho nhập cảnh vào Mỹ. - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, khi đến sân bay Frankfurt cuối tuần qua, cô đã bị chặn không cho lên máy bay về Boston. Sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump đã vô hiệu hóa thị thực mà Samira có để đến Mỹ. Samira ngay lập tức phải về Thụy Sĩ. Ở đây, cô không còn nơi để ở, xui xẻo hơn, hành lý cũng mất hết.

Samira Asgari chỉ là một trong số hàng trăm nhà khoa học Iran bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump.

Kể cả những người Iran có thẻ xanh (là thẻ xác nhận tình trạng thường trú nhân của một người nước ngoài tại Mỹ), tình hình cũng không khả quan hơn.

Ali Abdil đang học Tiến sĩ chuyên ngành nhân học ở Đại học Yale. Sau khi tham gia cuộc “Tuần hành vì phụ nữ” ở thủ đô Washington DC, anh bay đến Afghanistan thực hiện bài nghiên cứu về dân tộc học tại đây. Giờ anh đang mắc kẹt ở Dubai, không biết mình có quay trở lại Mỹ được hay không.

Nen khoa hoc My chao dao vi lenh cam nhap cu cua ong Trump
Firouz Naderi đã về hưu sau 36 năm làm việc ở phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA). - Ảnh: Alchetron

Trong số 7 quốc gia mà Tổng thống Trump cấm nhập cư đến Mỹ thì Iran là quốc gia đặc biệt có nhiều đóng góp cho nền khoa học Mỹ. Hơn 40 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel và nhiều học giả đã cùng ký tên vào đơn thỉnh nguyện (hiện thu hút hàng chục ngàn người dân tham gia) kêu gọi ông Trump bãi bỏ sắc lệnh hà khắc với người nhập cư.

Rất nhiều nhà khoa học có đóng góp lớn cho nước Mỹ đã lên tiếng.

Nhà khoa học Firouz Naderi đến Mỹ năm 1964 khi 17 tuổi. Ông học ngành kỹ sư tại Đại học bang Iowa. Ông hiện đã về hưu sau 36 năm làm việc ở phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA).

Firouz Naderi chính là người dẫn đầu nghiên cứu và chứng minh sao Hỏa là một trong những hành tinh giống Trái đất. Ông đã nhận được huân chương danh giá nhất của NASA vì sự cống hiến hết mình.

Nói về lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump, ông chia sẻ trên Facebook: “Chúng tôi là những người Mỹ gốc Iran, chúng tôi đã dành rất nhiều tâm huyết cho quốc gia này, cũng là đất nước của chúng tôi”.

Nen khoa hoc My chao dao vi lenh cam nhap cu cua ong Trump
Nhà toán học Maryam Mirzakhani. - Ảnh: Stanford News

Nhà toán học Maryam Mirzakhani (sinh năm 1977) cũng là người Iran đã làm rạng danh lĩnh vực toán học cho nước Mỹ. Năm 2014, bà trở thành người phụ nữ và người Iran đầu tiên nhận Huy chương Fields, được ví như giải Nobel cho toán học. Bà cũng là giáo sư toán học đầu tiên của Đại học Stanford nhận vinh dự này.

Giáo sư Pardis Sabeti là một trường hợp khác. Bà đến Mỹ năm hai tuổi và sống ở Florida. Hiện bà là Giáo sư ở đại học Harvad, là người góp công lớn trong kiểm soát dịch Ebola năm 2014.

Nếu không có họ, nhiều lĩnh vực khoa học Mỹ đã không có nhiều thành tựu như ngày nay. Lệnh cấm nhập cư của ông Trump rõ ràng là cú sốc rất lớn đến giới khoa học, là những người toàn tâm toàn ý mong muốn cống hiến vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Nen khoa hoc My chao dao vi lenh cam nhap cu cua ong Trump
Giáo sư Pardis Sabeti. - Ảnh: Iran Times

Di Lâm (Theo Atlantic, CNN, Iran Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI