Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược 'vùng xám' ở Biển Đông

29/11/2019 - 12:00

PNO - Mỹ và nhiều học giả liên tục chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động “vùng xám” của họ ở Biển Đông, đặc biệt là việc sử dụng đội dân quân biển, bao gồm nhiều “tàu đánh cá dân sự” trang bị vỏ thép và vũ khí.

Căng thẳng “vùng xám”

Đô đốc John Richardson - Giám đốc điều hành Hải quân Mỹ - thất vọng với việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển để phá vỡ các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (intelligence, surveillance and reconnaissance - ISR) của Mỹ tại Biển Đông. Mới đây, ông Richardson đã thông báo rằng, Hải quân Mỹ sẽ xem lực lượng dân quân biển Trung Quốc giống như các tàu chiến Trung Quốc. Mối đe dọa này có thể nguy hiểm và dẫn đến một sự cố trực tiếp. Ở hướng ngược lại, Trung Quốc cũng có đối sách với những gì mà Bắc Kinh cho là “vùng xám” của Mỹ ở Biển Đông, nhằm đạt các mục tiêu an ninh.

My va Trung Quoc canh tranh chien luoc 'vung xam' o Bien Dong
Tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc chạy gần tàu của Lực lượng Bảo vệ biển Việt Nam ở Biển Đông, cách bờ Việt Nam khoảng 210km vào tháng 5/2014 - Ảnh: Reuters

Thuật ngữ “hoạt động vùng xám” có thể được định nghĩa là tập hợp các động thái mang tính cưỡng chế và hung hăng, được thiết kế có chủ ý nhằm duy trì mức độ dưới ngưỡng xung đột quân sự. Riêng sách trắng hoạt động đặc biệt của Mỹ cho biết, các “vùng xám” có đặc trưng là sự mơ hồ về bản chất xung đột, sự mập mờ của các bên liên quan hoặc không chắc chắn về chính sách và khung pháp lý có liên quan.

Việc sử dụng chiến thuật vùng xám là dấu hiệu về tham vọng rộng lớn hơn. Chúng được xác định một phần bởi bối cảnh địa lý, chính trị và quân sự. Biển Đông là biểu hiện của sự tranh chấp quân sự Mỹ - Trung. Trung Quốc đang phát triển cái mà Mỹ gọi là chiến lược chống tiếp cận, kiểm soát vùng biển gần Trung Quốc và ngăn chặn hoặc trì hoãn quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.

Phản ứng của Mỹ bao gồm kế hoạch làm tê liệt hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và ISR của Trung Quốc. Các hoạt động ISR của Mỹ ở Biển Đông khéo léo khai thác những sự mơ hồ về pháp lý xung quanh các nhiệm vụ quốc tế, để gửi thông điệp về sự thống trị và chuẩn bị cho chiến trường.

Hai quốc gia “ăn miếng trả miếng”

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc - tướng Chang Wanquan - cho biết, sẵn sàng ứng phó một cuộc chiến tranh bằng dân quân biển. Trong bối cảnh này, Trung Quốc sử dụng đội thuyền đánh cá dân sự vốn rất đông đảo để chống lại sức mạnh quân sự và công nghệ vượt trội của Mỹ. 

Nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng sử dụng lực lượng dân quân biển để thách thức các quyền lãnh thổ, đánh bắt và khai thác dầu khí của các quốc gia. Nhiều quốc gia vẫn khá bị động trước chiến thuật của Trung Quốc. Nhưng vấn đề Mỹ quan tâm là Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân quân biển để đáp trả và thách thức các nhiệm vụ ISR của họ. Vì vậy, Mỹ đang khéo léo sử dụng lý do Trung Quốc gây hấn với các nước láng giềng để chống lại Bắc Kinh dù hai vấn đề khá khác nhau: một liên quan đến các bên tranh chấp đối với lãnh thổ và tài nguyên, và một liên quan đến lợi ích chiến lược mâu thuẫn của các cường quốc.

Mỹ đã đưa ra thông báo ngụ ý rằng hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc là bất chính, tránh xung đột trực tiếp trong khi sử dụng lợi thế về số lượng và vùng lân cận tự nhiên. Hành vi đó vi phạm các quy tắc hàng hải mà trong tình huống này có lợi cho Mỹ nhờ giải thích luật quốc tế hiện hành bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. 

Những chiến thuật này cho phép Trung Quốc bảo vệ những gì họ coi là lợi ích an ninh của mình, đồng thời tránh được một cuộc xung đột quân sự sẽ gây nguy hiểm cho toàn khu vực. Nếu không có sự thay đổi chiến thuật tiếp cận từ Mỹ, phản ứng và sự cố tại “vùng xám” trên Biển Đông có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Khi Mỹ đẩy mạnh các hoạt động “tự do hàng hải”, Trung Quốc cũng tăng cường yêu sách đối với chủ quyền, chẳng hạn như vụ việc tại bãi đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa) và quần đảo Hoàng Sa gần đây. 

 (theo Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI