Mỹ tức tốc đưa "hàng nóng" đến Syria, quyết giành lại vị thế trước Nga

06/12/2016 - 06:30

PNO - Việc Nga vượt mặt ở Syria là khó để chấp nhận đối với Mỹ. Vậy nên việc Hoa Kỳ tức tốc triển khai các vũ khí "khủng" đến Syria như một bước đệm chuẩn bị cho công cuộc giành lại vị thế ở mặt trận này.

Tuần trước, hải quân Mỹ công bố, chiếc tàu tiến công đổ bộ USS Wasp (LHD 1) và tàu đổ bộ USS Whidbey Island (LSD 41) mang theo Đơn vị hải quân đánh bộ viễn chinh số 22 đã vượt qua Kênh đào Suez và tiến vào Địa Trung Hải thuộc vùng đảm trách của Hạm đội 6.

“Di chuyển qua kênh đào này và tiến vào Địa Trung Hải đánh dấu cột mốc quan trọng đối với 4.000 thủy thủ và binh lính hải quân đánh bộ của Cụm tác chiến đổ bộ Wasp khi họ bước vào những giai đoạn cuối cùng trong đợt triển khai 6 tháng này”, hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó, nhóm tác chiến đổ bộ Wasp đã trải qua hơn 3 tháng hoạt động tại Hạm đội 5 hỗ trợ Chiến dịch Tia chớp Odyssey (OOL) tại Sirte, Libya.

Bình luận về đợt tái triển khai các tàu tiến công đổ bộ của hải quân Mỹ, nhà phân tích quân sự Nga, Chủ tịch Viện nghiên cứu các vấn đề địa chính trị, ông Konstantin Sivkov nói với Sputnik rằng, việc này có thể có liên quan đến sự thành công gần đây của quân đội Syria tại Aleppo và hoạt động của quân đội Mỹ tại thành phố Mosul ở Iraq không đạt được tiến triển quan trọng nào.

My tuc toc dua
Mỹ tức tốc đưa "hàng nóng" đến Syria, quyết giành lại vị thế trước Nga

Aleppo có thể giải phóng vào cuối năm nay. Mỹ có thể sẽ ủng hộ kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại Iraq, ông gợi ý. “Trong điều kiện bình thường, sự tái triển khai này không có gì bất thường”.

“Các tàu tiến công Mỹ hiện diện tại Địa Trung Hải thuộc một phần của Hạm đội 6 trên cơ sở định kỳ. Nhưng tình hình hiện tại có ý nghĩa quyết định đối với Mỹ, do đó việc tái triển khai các tàu tiến công đổ bộ này là tượng trưng và cho thấy Mỹ đang ủng hộ kế hoạch tiến hành một chiến dịch trên bộ trong khu vực”, ông nhận định.

“Tình hình tại khu vực miền Tây Syria đang diễn biến không có lợi đối với Mỹ”, nhà phân tích quân sự Nga cho biết.

“Cuối cùng, Aleppo sẽ được quân đội Syria giải phóng, điều này có nghĩa rằng, lực lượng nổi dậy mà Mỹ mong muốn có thể sẽ trở thành lực lượng thay thế cho Tổng thống Bashar Assad sẽ sớm bị đánh bại. Tuy nhiên, đối với Mỹ, sự thất bại của lực lượng này tại Aleppo sẽ là một thảm bại vì họ sẽ không thể thực hiện được bất kỳ ảnh hưởng chính trị thực tế tại Syria”, ông giải thích.

Do đó, Mỹ có thể đã quyết định tăng cường binh lính mặt đất tại Iraq. Họ còn có thể ủng hộ kế hoạch tác chiến chung với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, ông nhận định thêm.

Trong những ngày gần đây, phiến quân Syria đã mất quyền kiểm soát gần 50% lãnh thổ ở Đông Aleppo. Theo hãng tin SANA của Syria, quân chính phủ đã giải phóng 4 quận ở đông bắc Aleppo và "khôi phục an ninh và ổn định" ở đó. Đặc biệt, quân đội Syria đã kiểm soát quận al-Sakhour và qua đó chia cắt các quận do phiến quân chiếm giữ ở Đông Aleppo thành hai phần riêng biệt.

Ngày 28/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Quân đội Syria đã giải phóng 40% Đông Aleppo khỏi ách chiếm đóng của những kẻ khủng bố.

Trung tâm hòa giải Syria của Nga nói: "Binh sĩ chính phủ Syria tiếp tục giải phóng khu vực Đông Bắc Aleppo từ tay phiến quân. Hơn 40% diện tích Đông Aleppo đã giải thoát khỏi những kẻ khủng bố". Theo trung tâm này, Quân đội Syria đã giành quyền kiểm soát trên 12 khu vực ở phía đông thành phố Aleppo.

Hôm 29/11, một nguồn từ lực lượng dân quân nói với RIA Novosti rằng Quân đội Syria đã quyền kiểm soát toàn bộ vùng Đông Bắc Aleppo. Nguồn tin này nói: "Quân đội và dân quân người Kurd đã giành quyền kiểm soát các quận Sheikh Khodr và Sheikh Fares. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng phần Đông Bắc của thành phố Aleppo nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Quân đội Syria".

Quân đội Syria đã bao vây các nhóm cực đoan ở Đông Aleppo cuối tháng Bảy và phát động chiến dịch tấn công lớn trong tháng 9/2016 nhằm giải phóng hoàn toàn thành phố Aleppo.

Việc chiếm lại thành phố này sẽ là thắng lợi lớn nhất đối với ông Assad trong 5 năm xảy ra xung đột, và cho thấy sự thay đổi lớn kể từ năm 2015 khi Moskva bắt đầu tham chiến. Đây là niềm vui vô hạn đối với Syria nhưng lại là đòn đánh chí mạng vào Hoa Kỳ, bởi trong thời gian dài đưa quân đội vào Syria, chính quyền ông Obama chưa thể giải quyết xung đột tại "chảo lửa này", thì chỉ trong vòng hơn 1 năm gia nhập, mà cụ thể là 3 tháng với hướng đi riêng, chính quyền ông Putin đã tạo được một bước ngoặt lớn trong việc gỡ giải căng thẳng nơi đây.

Việc Nga vượt mặt trở thành "ông lớn" ở Syria là khó có thể chấp nhận đối với một cường quốc như Hoa Kỳ. Vậy nên việc phía Nhà Trắng đang tức tốc triển khai các vũ khí "khủng" đến Syria như một bước đệm chuẩn bị cho công cuộc giành lại vị thế ở mặt trận này.

Tiêu Giao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI