Mỹ rời UNESCO và những tính toán thiệt hơn

02/01/2019 - 08:32

PNO - Từ ngày 31/12/2018, Mỹ chính thức rút khỏi UNESCO. Điều này gây bất ngờ đối với nhiều người, nhưng thực ra thế giới không cần quá hoang mang, bởi những sự chuẩn bị có tính toán từ Washington.

Mỹ sẽ sớm quay trở lại?

Quyết định rời Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) được Mỹ công bố từ tháng 10/2017, sau hàng loạt vết rạn được giấu sau vẻ ngoài bằng mặt không bằng lòng.

My roi UNESCO va nhung tinh toan thiet hon
Mỹ và Israel phản đối UNESCO, cho rằng tổ chức này đã đứng về một bên khi ủng hộ Palestine

Ở thời điểm Mỹ đưa ra tuyên bố rời khỏi UNESCO, phần lớn dư luận cho rằng, đây là cách Mỹ thể hiện thái độ dứt khoát với ban điều hành UNESCO. Mỹ cho rằng, tổ chức này đã chọn đứng về một bên, khi ủng hộ Palestine, đưa Mỹ và Israel vào thế cô lập, liên quan đến việc chấp nhận tư cách thành viên của Palestine từ năm 2011.

Trước đó, Mỹ cũng nhiều lần than phiền và yêu cầu UNESCO phải cải cách. Cũng từ năm 2011, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã quyết định cắt hầu hết các khoản đóng góp vào UNESCO. Quyết định này không xuất phát từ ý muốn chủ quan của ông Obama mà theo quy định ở Mỹ - chính phủ Mỹ buộc phải rút tiền tài trợ cho bất cứ cơ quan nào của Liên Hiệp Quốc thừa nhận Palestine là thành viên trước khi nước này ký kết một hiệp ước hòa bình với Israel.

Trung bình, Mỹ đóng góp 22% vào tổng ngân sách của UNESCO. Ước tính, số tiền mỗi năm Mỹ dồn về tổ chức này là hơn 80 triệu USD. Tính đến nay, đây là con số không nhỏ mà Mỹ phải “mang tiếng” mắc nợ, nên việc ra đi càng sớm càng giúp khoản nợ không phình to thêm nữa. UNESCO đã chọn cách cứng rắn với Mỹ.

Năm 2013, lấy lý do Mỹ không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp, UNESCO đã tước quyền biểu quyết của Mỹ trong các vấn đề quốc tế tại đây. Nếu xét trên sự căng thẳng khó nhượng bộ từ hai phía, việc Mỹ rút khỏi UNESCO ở thời điểm này là lựa chọn không thể khác.

Đây là lần thứ hai Mỹ rút khỏi UNESCO. Trước đó là năm 1984, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Mỹ cho rằng, một số quyết định của UNESCO khi ấy gây nhiều bất lợi chính trị cho Mỹ. Năm 2003, Tổng thống George W. Bush đã đưa Mỹ trở lại UNESCO. Tại thời điểm đó, Tổng thống Bush nhấn mạnh đến vai trò của hợp tác quốc tế, vì Mỹ cần sự ủng hộ của càng nhiều bên càng tốt, khi triển khai quân đến Iraq. Vì thế, việc Mỹ rút khỏi UNESCO lần này được xem là chuyện cần phải làm, nhưng giới quan sát nhận định, rồi Mỹ sẽ quay trở lại, khi thật sự cần cái-gọi-là sức mạnh của tinh thần hợp tác quốc tế.

Cuộc chạy đua “quyền lực mềm”

Nhiều người lo lắng, nếu không có Mỹ, hoạt động của UNESCO sẽ khó lòng trọn vẹn. Sự thực thì, nếu vài năm trước, việc Mỹ ra đi đúng là điều đáng phải quan tâm; nhưng ở thời điểm này, UNESCO không nhắc nhiều đến sự thiếu hụt tài chính khi không có Mỹ nữa.

Mỹ đang có 10 di tích văn hóa và 12 di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận. Việc Mỹ rời UNESCO khiến nhiều hoạt động hướng đến giá trị nhân văn cần sự kết nối xuyên suốt bị gián đoạn, nhưng điều đó không có nghĩa UNESCO sẽ dừng lại. Họ vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình trên toàn cầu, vẫn còn những hợp tác với một số tổ chức, trường học ở Mỹ. Nhưng về lâu dài, khi Mỹ không còn là thành viên của tổ chức thì việc hợp tác này sẽ mong manh hơn rất nhiều. Theo phân tích của giới quan sát, điều này ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng cho “quyền lực mềm” của Mỹ trên thế giới.

Dường như Mỹ đang tạo cơ hội cho một số thành viên khác của UNESCO lấp đầy khoảng trống và củng cố vai trò của họ. Một trong số đó, phải kể đến Trung Quốc - quốc gia đang trên đường đua ở nhiều lĩnh vực với Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, chính trị. Trong một cuộc họp báo thường niên tại Bắc Kinh năm 2018, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng của UNESCO và muốn đóng góp nhiều hơn cho sự hợp tác của tổ chức”.

Bất ngờ rút ứng cử viên Trung Quốc cho vị trí tổng giám đốc của UNESCO và ủng hộ cho ứng viên Moushira Khattab của Ai Cập chính là cách Trung Quốc tăng cường quan hệ với thế giới Ả Rập, cũng như lôi kéo sự tham gia của Ai Cập trong kế hoạch cơ sở hạ tầng và chiến lược “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.

Trong khi Tổng thống Donald Trump chọn chiến lược “Nước Mỹ trên hết”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn xây dựng hình ảnh đất nước đứng về lợi ích hợp tác quốc tế. Mỹ sẽ buộc phải tính toán rất nhiều cho chiến lược tiếp theo sau lần ra đi này. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI