Mỹ có cơ hội thiết lập chiến lược an ninh vững chắc trước tình hình tại Biển Đông

03/08/2019 - 07:09

PNO - Những sự cố gần đây liên quan đến tàu Trung Quốc ở Biển Đông đang thử thách lòng tin của khu vực đối với Bắc Kinh về hòa bình trên biển, góp phần thúc đẩy Mỹ xây dựng liên minh với các quốc gia tại Đông Nam Á.

Vấn đề quốc tế

Việc Trung Quốc điều động tàu bè đến các vùng biển giàu năng lượng của Biển Đông, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dự kiến sẽ là tâm điểm của hội nghị ngày 2/8, khi các nhà ngoại giao hàng đầu của khối Đông Nam Á ASEAN tham dự một cuộc họp an ninh với các cường quốc thế giới. Ở phương diện khác, Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ từng bước thách thức quyền bá chủ hàng hải của Trung Quốc, và tìm kiếm mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia mất niềm tin vào Bắc Kinh.

Đầu tháng 7/2019, Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh đưa tàu khảo sát và hộ tống ra khỏi vùng biển gần một khối dầu ngoài khơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong vòng vài giờ, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng khiển trách Trung Quốc vì “hành vi bắt nạt”, “khiêu khích và gây mất ổn định” khu vực. Ông Nguyen Hong Hai, một nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland (Úc) nói: “Vai trò của Mỹ rất quan trọng và họ cần gây thêm áp lực cho Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế cũng cần phải làm điều đó. Tất cả các bên cần quốc tế hóa vấn đề”.

My co co hoi thiet lap chien luoc an ninh vung chac truoc tinh hinh tai Bien Dong
Một nhân viên Rosneft Vietnam tại giàn khoan Lan Tây ở Biển Đông, ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Lời kêu gọi tập hợp cộng đồng quốc tế của Việt Nam là bước khởi đầu mới, khác biệt so với những phản ứng thận trọng song phương thường thấy đối với Trung Quốc. Việt Nam dường như cũng có sự hỗ trợ ngầm từ Nga, công ty dầu mỏ nhà nước Rosneft, đang vận hành một khối dầu trong phạm vi mà Trung Quốc đưa ra yêu sách. Hai ngày sau khi tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc xuất hiện gần khối dầu vào ngày 16/7, mà theo Tổ chức Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) là hành động “đe dọa”, cơ quan thông tấn nhà nước Sputnik của Nga truyền tải thông điệp cá nhân của Tổng thống Vladimir Putin, bày tỏ sự hoan nghênh đối với Rosneft Việt Nam vì đã phát triển khối dầu ở mỏ Lan Đỏ.

Nga sẽ nằm trong số 27 quốc gia tham dự cuộc họp Diễn đàn khu vực ASEAN vào thứ Sáu tại Bangkok. Cùng có mặt sẽ là các bộ trưởng ngoại giao của Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Úc, cộng với các quốc gia trong khu vực bao gồm Philippines, Malaysia và Việt Nam, những nước gần đây đã bị các tàu Trung Quốc tác động, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển và đội “dân quân đánh cá”.

Chiến lược “Vùng xám”

Theo AMTY, tàu bảo vệ bờ biển Haijing 35111 của Trung Quốc xuất hiện gần mỏ dầu do công ty Rosneft khai thác ngoài khơi Việt Nam cũng từng “lượn quanh” một giàn khoan dầu trên thềm lục địa Malaysia trong tháng 5.

Trong khi đó vào tháng 6, tàu đánh cá Trung Quốc đã đánh chìm một tàu cá Philippines, khiến 22 thủy thủ mắc kẹt gần Bãi Cỏ rong (Reed Bank), nơi Philippines đặt các mỏ khí đốt. Phía Trung Quốc cho biết đây là một tai nạn. Hôm thứ Hai 29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana xác nhận rằng năm tàu ​​chiến của Trung Quốc đã đi qua vùng lãnh hải của Manila  trong tháng này mà không thông báo cho chính phủ, và gọi đó là thất bại trong việc tuân thủ giao thức quốc tế hoặc phép lịch sự thông thường.

My co co hoi thiet lap chien luoc an ninh vung chac truoc tinh hinh tai Bien Dong
Ngay sau khi tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh kinh tế của Việt Nam, Tổng thống Nga Putin bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hợp tác giữa công ty Rosneft và Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia người Mỹ về Biển Đông Carl Thayer, sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc gần đây không phải là ngẫu nhiên, mà là một phản ứng đối với Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, và sự gia tăng số lượng máy bay ném bom, cũng như hải quân Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Ông Thayer cho rằng Trung Quốc đang tích cực ngăn chặn các nước láng giềng Đông Nam Á phát triển dự trữ năng lượng ngoài khơi, và tìm cách chia rẽ quan hệ đối tác nước ngoài. Việc sử dụng chiến thuật vùng xám của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải có biện pháp đối phó và phòng vệ. Điều này mang đến rủi ro rằng các cuộc đối đầu trên biển sẽ leo thang.

Bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Zhao Jianhua, cho biết hôm 30/7 rằng Trung Quốc luôn tôn trọng luật pháp quốc tế và “làm việc rất chăm chỉ” với ASEAN để tạo ra một bộ quy tắc ứng xử hàng hải trong vòng ba năm. Ông nói: “Bất kể Trung Quốc có thể trở nên mạnh mẽ như thế nào, Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ hoặc thiết lập các phạm vi ảnh hưởng”.

Một đồng minh quan trọng của Trung Quốc là Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, được tờ China Global Times ca ngợi vào tuần trước là “yêu hòa bình, hợp tác và biết kiềm chế”. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy người Philippines ủng hộ Mỹ hơn Trung Quốc. Theo tác giả và nhà phân tích Richard Heydarian từ Manila, ông Duterte ngày càng bị cô lập về thái độ bảo vệ Trung Quốc. Ông Richard kết luận: “Từ những chiến tuyến, Hồng Kông, Đài Loan đến Philippines, Malaysia, Indonesia và chắc chắn là Việt Nam, bạn sẽ thấy sự phòng bị mạnh mẽ của rất nhiều quốc gia nhỏ hơn. Do đó, chắc chắn Washington có cơ hội thực hiện chiến lược của mình trong khu vực”.

Tấn Vĩ (Theo Reuters, Sputnik, Rosneft.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI