Mạng xã hội - công cụ đắc lực cho người biểu tình Hồng Kông

14/06/2019 - 06:34

PNO - Mạng xã hội trở thành công cụ đắc lực trong việc tổ chức các cuộc biểu tình. Ngoài ra, bằng cách sử dụng các nền tảng nhắn tin an toàn, người biểu tình có thể tránh được sự giám sát và bức hại từ phía cảnh sát.

Dù Facebook và Twitter vẫn đang được sử dụng để chia sẻ tin tức về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, phần lớn việc chia sẻ và phối hợp thông tin nhạy cảm đã chuyển sang Telegram và Signal.

Vai trò của các ứng dụng trong cuộc biểu tình được nhấn mạnh khi quản trị viên của một nhóm Telegram bị cảnh sát bắt. Các cáo buộc chống lại Ivan Ip (20 tuổi) - quản lý một nhóm trò chuyện lên đến 30.000 thành viên - bao gồm âm mưu bài xích Hội đồng Lập pháp và chặn các con đường quanh khu trung tâm.

Mang xa hoi - cong cu dac luc cho nguoi bieu tinh Hong Kong

Những người trẻ tuổi khác, gồm cả học sinh trung học, đã sử dụng tin nhắn mã hóa để trao đổi chi tiết về cách thức và nơi bày tỏ sự bất bình của họ. Người biểu tình gửi lời cầu cứu vào các nhóm Telegram, yêu cầu được cung cấp bổ sung các thiết bị an toàn và bộ dụng cụ sơ cứu.

Công nghệ không chỉ là công cụ để tổ chức các cuộc biểu tình. Mọi người còn hy vọng, bằng cách sử dụng các nền tảng nhắn tin an toàn, người biểu tình có thể tránh được sự giám sát và bức hại từ phía cảnh sát.

Ông Lokman Tsui - giáo sư nghiên cứu về truyền thông và công nghệ - nhận xét: “Người dân đang sử dụng công nghệ theo cách mà chính quyền rất khó kiểm soát”. Theo ông Tsui, một trong những cách để giữ an toàn là tắt tính năng Face ID và Touch ID trên iPhone - tính năng cho phép người dùng đăng nhập bằng vân tay hoặc nhìn vào thiết bị.

Luật pháp ở Hồng Kông đảm bảo rằng, mọi người có quyền im lặng khi bị bắt, trong đó bao gồm việc từ chối tiết lộ mã pin điện thoại. Tuy nhiên, nhà chức trách có thể buộc những người bị giam giữ phải mở khóa điện thoại bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt hoặc dấu vân tay. Ông Tsui cũng cảnh báo, một số ứng dụng như Telegram không an toàn như người biểu tình vẫn nghĩ, vì các tin nhắn qua Telegram không được mã hóa mặc định.

Những ứng dụng liên lạc, chia sẻ thông tin hiện nay khác với năm 2014 - thời kỳ diễn ra các cuộc biểu tình Chiếm trung tâm. Thống kê cho biết, từ ngày 26-30/9/2014, hơn 1,3 triệu tin nhắn về Hồng Kông đã được đăng trên Twitter.

Mối quan tâm của cộng đồng về quyền riêng tư đã tăng lên sau khi Facebook phải hầu tòa vì để lộ thông tin người dùng và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ giám sát dữ liệu ở Trung Quốc. Một người biểu tình nói, bạn bè của cô đã ngừng sử dụng Octopus - thẻ thanh toán không tiếp xúc, được sử dụng rộng rãi cho giao thông công cộng ở Hồng Kông - loại thẻ được liên kết với dữ liệu cá nhân như tên, ngày sinh và số chứng minh thư.

Keyboard Frontline - một tổ chức phi chính phủ, ủng hộ môi trường trực tuyến tự do - đã xuất bản một cuốn sách nhỏ về cách người biểu tình có thể bảo vệ danh tính. Hướng dẫn bao gồm không sử dụng Wifi công cộng, để điện thoại ở nhà và thậm chí bảo vệ thẻ ID, hộ chiếu hay thẻ ngân hàng bằng cách bọc chúng trong giấy nhôm. Tất cả lưu ý đều nhằm bảo vệ thông tin cá nhân trước các máy quét nhận dạng tần số vô tuyến (RFID).

Theo giáo sư Tsui, có rất nhiều điều không chắc chắn về những gì cảnh sát có thể hoặc không thể truy tìm. Đó là lý do tại sao có quá nhiều thuyết âm mưu được đưa ra và người biểu tình thà cẩn thận còn hơn là bị bắt. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI