Luật của định kiến

05/10/2018 - 06:15

PNO - Ủy viên hội đồng thành phố Kumamoto (Nhật Bản) Yuka Ogata không có lỗi, lỗi ở định kiến.

Đó là lời khẳng định của những ai ủng hộ cho giá trị bình đẳng giới xung quanh vụ việc bà Yuka Ogata chỉ vì ngậm thuốc ho mà bị đuổi ra khỏi phiên họp hội đồng thành phố.

Luat cua dinh kien
Hiệu trưởng Tetsuo Yukioka (trái) và Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Y khoa Tokyo Keisuke Miyazawa đã phải cúi đầu xin lỗi

Chuyện xảy ra từ tuần trước nhưng đến nay mới trở thành tâm điểm bình luận của truyền thông quốc tế vì cách mà bà Yuka bị đối xử đi ngược lại tất cả nỗ lực tiến tới bình đẳng giới toàn cầu. Trong khi bà Yuka đang phát biểu, Chủ tịch hội đồng Shinya Kutsuki chất vấn và khi biết bà đang ngậm thuốc ho thì đã thẳng thừng đuổi bà ra khỏi phòng họp. Điều oái oăm là không có bất cứ nội quy nào ngăn cản việc ăn thức ăn nhẹ trong cuộc họp. Yuka dũng cảm đứng lên tranh luận để bảo vệ lý lẽ nhưng không thành.

Cách hành xử vô lý và nóng vội ấy làm dấy lên câu hỏi liệu bà Yuka có phải là “cái gai” trong mắt những ai cho rằng, nơi làm việc phải là nơi hoàn toàn cứng nhắc đến như thế? Đây không phải lần đầu bà Yuka bị đuổi khỏi phòng họp hội đồng. Tháng 11 năm ngoái, bà Yuka Ogata từng bị đuổi ra khỏi phòng họp vì mang con bảy tháng đến nơi này. Yuka Ogata không có ý định thách thức. Bà không còn cách nào khác sau khi đã yêu cầu dịch vụ hỗ trợ trông trẻ từ ban tổ chức cuộc họp hội đồng nhưng bị từ chối. 

Chuyện xảy ra với bà Yuka Ogata đúng thời điểm diễn ra khóa họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mà ở đó, điểm nhấn thú vị nhất được nhắc đến chính là hình ảnh Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ẵm con gái nhỏ vào phòng họp. Bà Jacinda Ardern rạng rỡ và tự tin khi xuất hiện cùng con gái và bố của bé. Thỉnh thoảng bà quay sang với con, rồi trở lại tập trung cho chuyện họp hành trong khi phu quân một tay chăm sóc đứa bé. 

Bà Jacinda Ardern quyết định đưa con gái đến Mỹ trước tiên vì bà đang nuôi con bằng sữa mẹ và bà cho biết chưa từng có ý nghĩ phải cắt sữa sớm vì công việc. Lý do thứ hai là bà muốn hình ảnh của bà trở thành nguồn cảm hứng không phải với người dân mà còn với lãnh đạo cũng như các nhà hoạch định chính sách toàn cầu. Bà Jacinda Ardern chia sẻ: “Tôi thật may mắn. Tôi có những người thân bên mình sẵn sàng hỗ trợ, giúp tôi có thể ở cạnh con bất cứ lúc nào. Tôi biết tôi chỉ là trường hợp hiếm hoi, hầu hết các nơi không cho phép những bà mẹ làm như vậy. Tôi hiểu rõ điều này và tôi cam kết sẽ nỗ lực thay đổi, hướng đến văn hóa xã hội chấp nhận việc bà mẹ và trẻ em là một phần của nơi làm việc”.

Luat cua dinh kien
Bà Yuka Ogata từng bị đuổi vì ẵm con bảy tháng đến phòng họp hội đồng

Cách mà người ta đang cư xử với bà Yuka Ogata chính là lời khước từ thô bạo đối với những người mẹ khát khao cống hiến. Trong mặc định suy nghĩ của xã hội, công sở cấp cao không phải là nơi dành cho phụ nữ. Họ có thể “đổ lỗi” cho phụ nữ là nguồn cơn gây phiền hà, như câu chuyện của Yuka Ogata. Hình ảnh con trẻ lại càng không được chấp nhận nhưng không ai trả lời được câu hỏi: đứa trẻ nên ở đâu khi người mẹ phải tập trung vào công việc?

Nhật Bản vốn nổi tiếng với sự hà khắc của định kiến xã hội dành cho nữ giới. Tháng Tám vừa qua, Trường đại học y khoa Tokyo bị phát hiện dính vào vụ bê bối đầy tai tiếng. Họ cố tình trừ bớt điểm của thí sinh nữ để đảm bảo tỷ lệ thí sinh nữ đậu vào trường không vượt quá 30. Hiệu trưởng Tetsuo Yukioka và Chủ tịch Hội đồng quản trị Keisuke Miyazawa đã phải cúi đầu xin lỗi về sự việc này. Sau vụ bê bối ấy, cuối tháng Chín vừa qua, Đại học Y khoa Tokyo lần đầu tiên có nữ hiệu trưởng. Những định kiến cũ kỹ đang bị đào thải vì bình đẳng là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại, là nơi mà phụ nữ và nam giới bình quyền trong mọi lựa chọn của mình. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI