Hình ảnh huy hoàng của Nhà thờ Đức Bà, giờ chỉ còn trong thi văn?

16/04/2019 - 17:58

PNO - Napoleon Bonaparte lên ngôi, Paris thoát khỏi Đức Quốc xã, đám tang Charles de Gaulle, nhà thờ Đức Bà, “chứng nhân lịch sử” của Paris liệu chỉ còn đẹp hùng tráng trong những áng văn của Victor Hugo?

Ngọn lửa vào đêm thứ Hai 15/4 đã đánh cắp một phần trái tim của Paris khi nuốt chửng mái nhà thờ Đức Bà, công trình thời trung cổ nổi tiếng trong tác phẩm của Victor Hugo.

Hai tòa tháp lớn của nó được che chở bằng những máng xối đặc trưng mà cả những người chưa bao giờ đến thăm thành phố cũng có thể nhận ra.

Hàng nghìn người dân Paris đổ ra đường để theo dõi khi đám cháy lan rộng, đau xót trước thiệt hại thảm khốc đối với một di sản toàn cầu, vốn thu hút gần 14 triệu khách du lịch và tín đồ Công giáo ghé thăm mỗi năm.

Hinh anh huy hoang cua Nha tho Duc Ba, gio chi con trong thi van?
Ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn phần mái của Nhà thờ, khiến ngọn tháp xoắn ở giữa sụp đổ.

Cảm giác mất mát khắc sâu trên khuôn mặt người xem, nhiều người lau nước mắt khi suy ngẫm về viễn cảnh nhà thờ Đức Bà mà họ biết, giờ chỉ có thể được nhìn thấy trong sách lịch sử hoặc văn chương.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hiện trường vụ cháy: “Đó là lịch sử, văn học, trí tưởng tượng của chúng tôi, nơi chúng tôi trải nghiệm tất cả những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của nước Pháp”.

Nhà thờ mang tính biểu tượng là một phần quan trọng của lịch sử Paris, kể từ khi việc xây dựng bắt đầu vào cuối thế kỷ 12, khoảng năm 1163, và kéo dài hơn hai thế kỷ đến năm 1345.

Chính tại Notre-Dame, Napoleon Bonaparte đã tự phong mình là hoàng đế của Pháp.

Tiếng chuông tenor khổng lồ của Nhà thờ là lời tuyên bố giải phóng thành phố khỏi sự kiểm soát của Đức Quốc xã vào ngày 24/8/1944, chấm dứt những năm đen tối dưới sự cai trị của Đức trong Thế chiến II.

Hai mươi sáu năm sau, đây là nơi tổ chức tang lễ của Charles de Gaulle, một vinh dự hiếm có cho nhà lãnh đạo đã thúc đẩy tinh thần kháng chiến của người dân Pháp.

Hinh anh huy hoang cua Nha tho Duc Ba, gio chi con trong thi van?
Đám tang của Charles de Gaulle năm 1970 tại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Nhà thờ truyền cảm hứng cho các bậc thầy văn học như Victor Hugo, Marcel Proust và Sigmund Freud. Hugo là ví dụ đáng chú ý nhất. Ông đã dành riêng cuốn tiểu thuyết “The Hunchback of Notre Dame”, trong tiếng Pháp được gọi đơn giản là “Notre Dame de Paris”, cho công trình yêu dấu này.

Cuốn sách không chỉ nêu tên nhà thờ trong tiêu đề và có các mô tả chi tiết về kiến trúc, nó được viết riêng để gây sự chú ý đến tòa nhà theo kiến ​​trúc Gothic đã bị lỗi mốt ở Paris.

Hugo nghĩ về nhà thờ Đức Bà như một “người tị nạn” của thời đại và muốn cứu nó.

Hinh anh huy hoang cua Nha tho Duc Ba, gio chi con trong thi van?
Đại văn hào Victor Hugo đã làm sống lại Nhà thờ trong giai đoạn mai một của nó.

Vào năm 1831, Hugo làm sống lại Nhà thờ với “Notre-Dame de Paris”, tạo cho nó một tính cách ngang tầm với hai nhân vật chính, thằng gù Quasimodo và người đẹp Esmeralda.

Vào thời điểm nhà thờ đang đối mặt với viễn cảnh bị phá hủy vì tình trạng xuống cấp, cuốn tiểu thuyết của Victor trở thành lời kêu gọi hành động, khiến quốc gia bắt đầu nỗ lực bảo vệ cấu trúc đầy tính lịch sử này.

Không chỉ vậy, chính sự tận tâm trong cách miêu tả đến từng chi tiết của kiến ​​trúc nhà thờ đã gây ra sự chậm trễ trong việc soạn thảo của đại văn hào. Tuy nhiên, Victor Hugo đã thành công, cà các thế hệ nhà văn kể từ đó đã phần nào bị ảnh hưởng bởi Notre Dame, và tình yêu của ông với kiến ​​trúc gothic.

Nhà văn Marcel Proust, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất đầu thế kỷ 20 với bộ tiểu thuyết “Đi thời gian đã mất”, cũng bị ấn tượng sâu sắc bởi nhà thờ lớn hùng vĩ.

Hinh anh huy hoang cua Nha tho Duc Ba, gio chi con trong thi van?
Nhà văn Marcel Proust từng đứng suốt hai giờ trước Nhà thờ để tìm cảm hứng.

Tác giả Mary Bergman trong cuốn sách năm 2014 về Proust viết: “Nhà thờ Đức Bà de Paris là ‘nàng thơ’ của Proust. Ông từng khoác mỗi chiếc áo lông lên trên chiếc áo ngủ và đứng trước nó trong hai giờ để tìm cảm hứng mới”.

Sự nổi tiếng của Paris mê hoặc những tác giả bên ngoài nước Pháp; trong đó có Sigmund Freud, nhà tâm thần học và nhà văn có ảnh hưởng của Đức Lần đầu tiên nhìn thấy công trình vào năm 1885, Freud nói rằng ông đã có một cảm giác “chưa từng có trước đây”.

Sau đó, Freud trở lại nhà thờ Đức Bà vào mỗi buổi chiều rảnh rỗi để đắm chìm trong vẻ đẹp hùng vĩ của nó. Freud nói: “Tôi chưa từng thấy công trình nào vừa choáng ngợp, lại vừa trầm mặc như nơi đây”.

Trong thời hiện đại, nhà thờ trở thành một cột mốc của văn hóa phương Tây, phần lớn nhờ vai trò chính của nó trong một số bộ phim, không chỉ là Hunchback of Notre-Dame năm 1956.

Bộ phim chứng kiến ​​Anthony Quinn mang đến một Quasimodo bị mê hoặc bởi Esmeralda đẹp ngẩn ngơ do nữ diễn viên người Ý, Gina Lollobrigida thủ vai.

Các thế hệ sau thì khám phá sự hấp dẫn của Nhà thờ thông qua Walt Disney, phiên bản hoạt hình của câu chuyện từ năm 1996; trong khi ở cộng đồng nói tiếng Pháp, vở hài kịch cùng tên của Luc Plamondon tại Canada vào năm 1998 đã trở thành một hiện tượng.

Hinh anh huy hoang cua Nha tho Duc Ba, gio chi con trong thi van?
Thế hệ trẻ biết đến Notre-Dame thông qua bộ phim hoạt hình của hãng Walt Disney.

Bây giờ nét huy hoàng của nhà thờ lớn đã biến mất, chìm trong biển lửa. Nhưng Notre-Dame hầu như không thay đổi kể từ khi được tạo ra, và mỗi thời đại dường như chỉ mang lại những nét riêng cho cấu trúc.

Ngọn tháp xoắn ban đầu được xây vào năm 1250 từng biến mất vào 5 thế kỷ sau đó. Nhưng vào cuối thế kỷ XIX, kiến ​​trúc sư Eugene Viollet-le-Duc, một người bảo vệ không mệt mỏi các di tích thời trung cổ của Pháp, đã xây dựng lại tháp, mặc cho lời chỉ trích từ người dân và khách du lịch. Và kể từ năm 1860, ngọn tháp lại xuất hiện trong ký ức của người dân từ mái vòm Nhà thờ Đức Bà Paris.

Hinh anh huy hoang cua Nha tho Duc Ba, gio chi con trong thi van?
Lễ đường bằng đá và bệ thờ vẫn trụ vững sau trận cháy

Lần này cũng thế, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định rằng: “Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại Notra-Dame”, và hiện số tiền quyên góp từ khắp thế giới cho việc xây dựng lại Nhà thờ đã vượt qua 300 triệu euro.

Hinh anh huy hoang cua Nha tho Duc Ba, gio chi con trong thi van?
 

Tấn Vĩ (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI