Hạnh phúc của người Phần Lan nhìn từ 'hệ quy chiếu' Mỹ

10/04/2019 - 06:35

PNO - Phần Lan tiếp tục đứng đầu danh sách quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh trong báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hiệp Quốc. Khác với Mỹ, hạnh phúc ở đất nước Phần Lan dựa trên tính công bằng và tinh thần tập thể.

Đất nước Phần Lan nhỏ bé với diện tích chỉ bằng 75% diện tích bang California của Mỹ và dân số chỉ khoảng 5,5 triệu người. Nếu nước Mỹ nổi tiếng với tư duy lấy cá nhân làm trọng tâm khi xét đến tất cả mối quan hệ, lấy thành công cá nhân là đích đến của sự hài lòng, thỏa mãn, khuyến khích cái gọi là “dấu ấn cá nhân” thì Phần Lan lại khác. Người Phần Lan không đặt thành tựu cá nhân là mục tiêu cho mọi cuộc chinh phục mà coi trọng tính công bằng và tinh thần tập thể. 

Hanh phuc cua nguoi Phan Lan nhin tu 'he quy chieu' My
Trẻ ở bậc mẫu giáo đã được nâng đỡ, tạo điều kiện để phát triển bình đẳng về mọi mặt bất kể điều kiện, hoàn cảnh gia đình thế nào

Người Mỹ có hàng ngàn quyển sách dạng self-help (sách hướng dẫn độc giả cách giải quyết các vấn đề của bản thân, phát triển cá nhân) nhưng khi đem những gì đọc được áp dụng vào cuộc sống, người ta vẫn không tìm được hạnh phúc cho riêng mình.

Những quyển sách như "7 thói quen của bạn trẻ thành đạt"; "Cha giàu, cha nghèo"; "Tôi ổn và bạn cũng vậy"; "Ai đã lấy miếng pho mát của tôi?"; "Đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim") trong nhiều năm qua đã làm mưa làm gió trong giới độc giả toàn cầu, tạo nên hệ tư duy và niềm tin rằng, người ta chỉ hạnh phúc nếu thành đạt, nổi bật trong đám đông, chủ nghĩa cá nhân là trên hết. 

Nước Mỹ thường được ví như “thiên đường hạnh phúc”. Thế nhưng, kết quả từ bản thăm dò tổng quát xã hội ở nước này năm 2018 cho thấy, mức độ hạnh phúc của người trẻ trưởng thành ở Mỹ rớt xuống mức kỷ lục. Trong độ tuổi 18-34 (độ tuổi được cho là có nhiều ước mơ, hoài bão và khát khao cống hiến nhất), chỉ có 25% cho biết họ cảm thấy cực kỳ hạnh phúc. Đây là tỷ lệ thấp nhất qua các lần khảo sát. Ở đất nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi người dân tiếp cận công nghệ hiện đại sớm nhất thế giới, người ta vẫn khó chạm được giấc mơ hạnh phúc. 

Tháng Ba vừa qua, tai tiếng chạy trường của giới nhà giàu khiến người Mỹ phải giật mình với những giá trị họ đang theo đuổi và chung sống. Đích thân Bộ Tư pháp cùng Cục Điều tra Liên bang Mỹ phải vào cuộc, truy đến cùng đường dây 50 người giàu có ở Mỹ chi hàng triệu USD cho con vào học các trường danh giá như Yale, Stanford, Georgetown hay Nam California. Trong danh sách, có hai nữ diễn viên nổi tiếng là Felicity Huffman và Lori Loughlin. Cuộc điều tra hiện đang lan sang cả Đại học Harvard vốn nổi tiếng là cái nôi đào tạo những bộ óc tài năng. 

Wendell Nii Laryea Adjetey - giảng viên lịch sử tại Đại học Harvard - nhận định: “Chúng ta không thể chịu được cách nghĩ đầy xúc phạm rằng, người ta nghèo là do lười biếng và họ (người nghèo) chẳng có giá trị gì, để rồi làm ngơ cho thói bao che, trò tham nhũng, từ đó cho phép sự tự mãn tạo nên môi trường mà ở đó, tiền bạc làm xói mòn những giá trị nền tảng về tính công bằng, bình đẳng”.

Một bài báo trên tờ Financial Times viết: “Đa số các trường tốp đầu nhận nhiều sinh viên từ các gia đình thuộc nhóm 1% hơn nhóm còn lại. Hệ thống đại học Mỹ dù tạo vẻ ngoài hấp dẫn bởi trình độ học thuật đẳng cấp thì cũng là cái máy tái sản sinh bất bình đẳng”. Khái niệm “nhóm 1%” trong câu viết trên để chỉ 1% dân số đang nắm 99% thu nhập ở Mỹ. 

Trong khi đó, người Phần Lan có tư duy bình đẳng từ khi họ biết nhận thức. Mỗi lớp học mẫu giáo đều có hai giáo viên, một giáo viên bình thường và một giáo viên được trang bị kiến thức hỗ trợ cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Nhiệm vụ chung của họ đều là giáo dục các em, nhưng giáo viên được đào tạo cách tiếp cận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ biết cách trò chuyện với các em đến từ gia đình có thu nhập thấp hay gia đình có những rắc rối cần tháo gỡ. Nhờ đó, trẻ sẵn sàng chia sẻ, bày tỏ cảm xúc và nguyện vọng của mình. 

Đấy chính là cách loại bỏ những rào cản gây khó khăn cho trẻ trước thời điểm trẻ bắt đầu bước vào bậc tiểu học. Công bằng và bình đẳng là bài học trẻ được học ngay từ lúc bắt đầu có những mối quan hệ thực thụ bên ngoài xã hội. Đó là ngọn nguồn của hạnh phúc trong xã hội Phần Lan.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI