Hàng không Canada phải trả 15 ngàn đô la vì… thiếu tiếng Pháp trên dây đai an toàn

31/08/2019 - 07:48

PNO - Mới đây, Hãng hàng không Canada đã phải trả 15.000 USD cho một cặp vợ chồng khiếu nại dây đai an toàn trên máy bay không ghi chữ lift – hướng dẫn nhấc tấm kim loại để tháo dây đai – bằng tiếng Pháp.

Khách hàng vẫn chọn phương tiện hàng không để đi lại những chặng đường dài cho dù họ vẫn tiếp tục khiếu nại các vấn đề của ngành hàng không. Nhưng lần này, một khiếu nại chuyển thành vụ kiện đã mang lại “vận may” cho hai hành khách người Canada.

Hang khong Canada phai tra 15 ngan do la vi… thieu tieng Phap tren day dai an toan
Hãng hàng không Canada phải trả 15.000 đô la cho một cặp vợ chồng khiếu nại chữ ghi trên dây đai an toàn

Tuần này, Tòa án Liên bang ra lệnh hãng hàng không Air Canada trả 21.000 đô la Canada (tương đương hơn 15.000 USD) và gửi thư xin lỗi chính thức tới một cặp vợ chồng nói tiếng Pháp ở Ottawa vì hãng đã nhiều lần vi phạm bình đẳng ngôn ngữ.

Vụ kiện liên quan đến hơn 22 khiếu nại ông bà Michel và Lynda Thibodeau đệ đơn chống lại Air Canada vào năm 2016.

Cặp vợ chồng này phàn nàn từ lift (nhấc tấm kim loại để mở dây đai an toàn) chỉ ghi bằng tiếng Anh mà không có từ tương đương tiếng Pháp.

Ông bà Thibodeau cũng cáo buộc cách dịch sang tiếng Pháp các thuật ngữ exit (lối thoát) và warning (cảnh báo) dùng ít ký tự hơn so với tiếng Anh, và thông báo hành khách lên máy bay bằng tiếng Pháp tại sân bay không chi tiết bằng thông báo tiếng Anh.

Ông bà Thibodeau lập luận: "Air Canada vi phạm một cách có hệ thống quyền ngôn ngữ của công dân nói tiếng Pháp Francophones”. Theo cặp vợ chồng, vụ việc này liên quan đến quyền của họ căn cứ Hiến chương của Canada về Quyền và Tự do cũng như Đạo luật Ngôn ngữ Chính thức, đảm bảo rằng tiếng Anh và tiếng Pháp “có vị thế ngang nhau ở Canada”.

Ông Michel Thibodeau nói với Tập đoàn Phát thanh Canada (CBC) sau khi có phán quyết của tòa án rằng “bảng chỉ dẫn cần phải có chất lượng tương đương”. Ông cho biết, ông có kỳ vọng trong vòng một vài tháng tới vợ chồng ông có thể bay trên bất kỳ máy bay nào của Air Canada có chỉ dẫn bằng cả hai thứ tiếng.

Đây không phải là lần đầu tiên ông bà Thibodeau đệ đơn khiếu nại Air Canada. Nhưng trước đó, hãng hàng không chỉ nhận khiếu nại và nói một câu xin lỗi.

Năm 2009, Tòa án Tối cao Canada phán quyết chống lại cặp vợ chồng “nhiều chuyện” này. Ông bà Thibodeau không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào mặc dù họ đưa ra nhiều khiếu nại về việc thiếu dịch vụ tiếng Pháp trên một số chuyến bay quốc tế của Air Canada.

Ông bà cũng cáo buộc Air Canada vi phạm quyền ngôn ngữ tiếng Pháp của họ trên các máy bay của hãng vào các năm 2005, 2011 và 2012.

Theo phán quyết liên quan đến các trường hợp gần đây, ông bà Thibodeau đòi “bồi thường thiệt hại, bảo vệ quyền ngôn ngữ và ngăn chặn các vi phạm tiếp theo”. Trong khi đó, Air Canada cho biết các nguyên đơn diễn giải Đạo luật Ngôn ngữ của đất nước “quá cứng nhắc”.

Theo hồ sơ của tòa, Air Canada lập luận chống lại việc bắt buộc phải đưa ra "cách đối xử giống hệt nhau cho cả hai ngôn ngữ", mà là đối xử với tiếng Pháp và tiếng Anh như nhau. Hãng hàng không cũng lập luận rằng nhà sản xuất quyết định ghi chữ lift trên dây đai an toàn và giải thích rõ sau đó bằng một video song ngữ.

Nhưng Thẩm phán Tòa án Liên bang Martine St-Louis đã đứng về phía ông bà Thibodeau, và Air Canada được lệnh trả 1.500 CAD cho mỗi khiếu nại đúng trong số 14 khiếu nại của nhà Thibodeau.

Bất chấp các tranh chấp pháp lý, cặp đôi có kế hoạch tiếp tục bay với Air Canada, hãng hàng không nội địa và quốc tế lớn nhất của Canada. Ông Michel Thibodeau nói với CBC, “tôi không việc gì phải thay đổi hãng hàng không và Air Canada nên phục vụ như nhau đối với các hành khách nói tiếng Pháp và tiếng Anh”.

Hoàng Diệu (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI