Hàn Quốc phạt nặng những trường hợp sa thải người lao động bị ngược đãi

17/07/2019 - 10:00

PNO - Đạo luật mới có hiệu lực ngày 16/7 hình sự hóa việc các chủ doanh nghiệp tự ý sa thải công nhân viên bị quấy rối tại nơi làm việc.

Theo khảo sát của chính phủ, khoảng hai phần ba người lao động Hàn Quốc nói rằng, họ từng bị quấy rối trong công việc, và 80% đã chứng kiến điều đó.

Luật mới đem đến hy vọng về công lý

Sau nhiều tháng chịu sự quấy rối liên tục tại nơi làm việc, nhân viên văn phòng Christine Jung cuối cùng cũng lên tiếng; kết quả, cô bị ông chủ của mình sa thải và kiện ngược lại. Trường hợp của Christine không phải hiếm ở Hàn Quốc, nơi mà các nhân viên thường “nhắm mắt làm ngơ” trước hành vi lạm dụng của những người có quyền lực. Xứ sở kim chi gọi hiện tượng này là “gabjil”, nhưng nhờ vào luật lao động sửa đổi, một hy vọng mới về công lý vừa được thắp lên.

Han Quoc phat nang  nhung truong hop sa thai nguoi lao dong bi nguoc dai
Ảnh từ đoạn video lan truyền trên mạng vào năm 2018 cho thấy CEO của một công ty công nghệ đánh đập và bắt nhân viên quỳ gối

Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ cho thấy, 2/3 người lao động Hàn Quốc từng bị quấy rối trong công việc, rất nhiều trường hợp bị sa thải khi lên tiếng. Một trong những ví dụ điển hình nhất là việc người thừa kế hãng hàng không Hàn Quốc “mạt sát” phi hành đoàn sau khi được phục vụ món ăn vặt trong túi thay vì chén đựng vào năm 2014. Hệ thống phân cấp công ty cứng nhắc, cạnh tranh gay gắt về việc làm và địa vị xã hội đều góp phần vào môi trường làm việc độc hại, giữa một nền kinh tế bị chi phối bởi các tập đoàn do gia đình điều hành.

Trong trường hợp của Christine Jung, kẻ quấy rối cô là cha của vị tổng giám đốc. Ông ta từng chế nhạo rằng, tòa nhà rung chuyển mỗi khi Christine bước đi vì cô quá mập. Một lần khác, ông ta cố gắng theo cô đến phòng tắm nữ, hay đột ngột sờ bụng cô nhân viên 37 tuổi trong văn phòng của mình. Khi Christine đưa vấn đề ra ánh sáng, ban quản lý buộc tội cô là một kẻ dối trá. Cuối cùng, Christine tìm đến Bộ Lao động năm 2018, nhưng được biết trường hợp của cô không tính là bắt nạt tại nơi làm việc vì kẻ gây hấn không phải là cấp trên và không được công ty tuyển dụng, mặc dù ông ta đến văn phòng hầu như mỗi ngày.

Hiện tại, luật mới có thể phạt chủ sở hữu của các công ty tự ý sa thải người lao động đưa ra cáo buộc quấy rối, với mức án ba năm tù hoặc khoản tiền lên tới 30 triệu won (25.400 USD).

Văn hóa bắt nạt ăn sâu vào xã hội

Các nhân viên nhận lệnh làm bài tập cho con của “sếp”, thực hiện các điệu nhảy gợi cảm cho giám đốc điều hành hoặc thậm chí nhổ tóc bạc cho ông chủ của họ là một trong những ví dụ được ghi nhận bởi Nhóm quyền lao động Workplace Gabjil 119 và các tổ chức phi lợi nhuận khác. Bên cạnh đó, hành vi bạo lực cũng không phải hiếm. Năm 2015, một giáo sư đại học phải ngồi tù vì lạm dụng sinh viên và nhân viên cũ của mình, đánh anh ta bằng gậy bóng chày vì nạn nhân tự ý nghỉ giữa giờ và buộc anh ta phải ăn phân. Gần đây, hai vụ tự tử của nhân viên vì chịu không nổi áp lực từ chủ làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận về lĩnh vực này.

Vấn đề tồn tại ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ Kpop và phim ảnh đến chăm sóc sức khỏe và học thuật. Nhưng với mạng lưới an toàn xã hội yếu và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến các nạn nhân thường khó có thể lên tiếng, vì họ sợ mất việc hoặc giáng chức. 
Park Jeom-gyu, nhà hoạt động tại Workplace Gabjil 119, nói rằng ngay cả với luật mới, Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước, vì luật không trực tiếp hình sự hóa những kẻ bắt nạt, mà chỉ nhằm vào sự trừng phạt nạn nhân vì đã lên tiếng. Michael Hurt, một nhà xã hội học tại Đại học Seoul, nói rằng nỗi ám ảnh về thứ bậc tồn tại từ chủ nghĩa quân phiệt thời chiến, sau đó được các nhà lãnh đạo độc đoán của Hàn Quốc áp dụng. Trong cấu trúc quyền lực này, bắt nạt tại nơi làm việc là một cách để chứng minh cho bản thân và người khác giá trị xã hội của mình.

Đối với nhiều công nhân viên Hàn Quốc, bao gồm cả Christine Jung, các biện pháp mới xem chừng đến quá muộn. Thay vì nhận được lời xin lỗi từ hung thủ, cô bị sa thải, người sau đó thậm chí còn kiện cô vì tội phỉ báng và bôi nhọ. Tuy vụ án không bao giờ được đưa ra xét xử, nhưng cô nói rằng mình từng tự sát vì cảm thấy bất lực: “Những người chủ cũ của tôi đã không đối xử với tôi như một con người mà chỉ như những hàng hóa dùng một lần của họ”. 

  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI