‘Hàn Quốc không giáo dục thỏa đáng lịch sử Đông Nam Á, Ấn Độ’

13/12/2019 - 13:00

PNO - Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ, giáo dục của Hàn Quốc về các nước này được cho là không chính xác và không đầy đủ.

Tờ The Korea Times đưa thông tin trên vào ngày 12/12, dẫn một báo cáo của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (KISEAS) có trụ sở tại Seoul. KISEAS đã tiến hành xem xét sách giáo khoa lịch sử trung học theo yêu cầu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc.

Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh Chính sách Hướng Nam mới của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, vốn tìm cách thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc với Đông Nam Á và Ấn Độ.

Theo sáng kiến này, các cuộc trao đổi giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã phát triển và Hàn Quốc đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN nhằm kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại tại Busan vào tháng trước.

Tuy nhiên, các học giả thuộc KISEAS chỉ ra rằng hệ thống giáo dục của Hàn Quốc đã không cải thiện nhận thức thiên vị của công chúng về những đối tác kinh tế mới nổi này.

Họ nói rằng ở Hàn Quốc, hầu hết các nước Đông Nam Á vẫn được coi là các quốc gia kém phát triển và nghèo nàn, và những nhận thức như vậy hiện diện trong một số sách giáo khoa ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

"Sách giáo khoa Hàn Quốc có xu hướng mạnh là công nhận lịch sử của các quốc gia Đông Nam Á như ‘lịch sử bên rìa’. Sự mô tả tập trung vào ảnh hưởng bên ngoài của Trung Quốc và Ấn Độ đối với các quốc gia này, và một số nội dung liên hệ quá mức lịch sử của các nước ASEAN với lịch sử của Ấn Độ hoặc nhìn từ góc độ tập trung vào Trung Quốc”, báo cáo viết.

Nghiên cứu còn cho biết một số tên thậm chí bị viết sai.

Khi đề cập Ấn Độ, nhiều sách giáo khoa đã mô tả nước này là một quốc gia nặng về tôn giáo hoặc một quốc gia nghèo có tiềm năng kinh tế lớn. Báo cáo cho rằng giới hàn lâm Hàn Quốc đã chấp nhận phân tích thiên vị của các nước phương Tây về Ấn Độ do chỉ có một vài học giả ở Hàn Quốc nghiên cứu lịch sử quốc gia Nam Á này.

Theo nghiên cứu, 42 trong số 67 giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông cho biết họ dạy lịch sử Đông Nam Á trong 1 hoặc 2 giờ mỗi năm, nếu có.

‘Han Quoc khong giao duc thoa dang lich su Dong Nam A, An Do’
Lãnh đạo Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN ở Busan. Ảnh: The Korea Times

Với việc thiếu giáo dục, nhiều học sinh Hàn Quốc thậm chí thiếu kiến ​​thức cơ bản về Đông Nam Á. Khi được yêu cầu viết tên các quốc gia Đông Nam Á, 67% trong số 105 học sinh trung học có thể viết được 4 cái tên hoặc ít hơn, và 15% chỉ viết được 1 tên.

Nghiên cứu cho biết ngành giáo dục Hàn Quốc cần thay đổi tập quán giảng giải Đông Nam Á và Ấn Độ cùng với nhau.

"Sách giáo khoa và sách lịch sử nên cho thấy Đông Nam Á đóng vai trò cầu nối Đông Bắc Á với Ấn Độ, Tây Nam Á và châu Âu, kể từ thời tiền Kitô giáo", báo cáo viết, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng lịch sử hiện đại của các quốc gia này “nên được công nhận không phải qua lăng kính thuộc địa”.

"Những cuộc nghiên cứu về nước ngoài của các trường đại học Hàn Quốc tập trung vào các ngôn ngữ, nhưng chương trình giảng dạy của họ nên được thay đổi nhằm xem xét tốt hơn với các khu vực nói chung", báo cáo cho biết.

"Ngoài ra, không có một giáo sư chuyên ngành lịch sử Ấn Độ nào tại khoảng 200 khoa liên quan đến lịch sử trong nước (Hàn Quốc). Tình huống này đòi hỏi các biện pháp cấp chính phủ", báo cáo nói thêm.

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI