Giới y khoa cảnh báo nguy cơ ung thư vì bơm ngực bằng túi silicone và saline

27/11/2018 - 10:06

PNO - Cải thiện vòng một là nhu cầu làm đẹp không thể thiếu của nhiều phụ nữ. Nhưng mối nguy hiểm đến tính mạng sau những màn “lột xác” đang khiến dư luận rùng mình.

Giật mình trước kết luận của giới y khoa

Gioi y khoa canh bao nguy co ung thu vi bom nguc bang tui silicone va saline
Chị Michelle (bên phải) tưởng ngực bị viêm nhiễm nhưng thật ra chị đã mắc ung thư.

Chị Michelle (46 tuổi) hiện đang sống ở Sacramento, California. Chị kể: “Tôi cấy ngực 19 năm trước. Mọi thứ rất ổn cho đến 3 năm gần đây, khi tôi cảm nhận những bất thường xảy ra”. 

Đỉnh điểm là tháng 12/2017, một buổi sáng thức dậy, Michelle cảm thấy vòng một của mình căng to bất thường. Michelle Forney không bao giờ quên được cảm giác ngực mình bất ngờ sưng tấy và ngứa ngáy khó chịu. 

Bác sĩ khám sơ qua và nói với Michelle rằng ngực chị đã viêm, nhiễm trùng, phải điều trị bằng kháng sinh. Michelle uống kháng sinh 10 ngày nhưng tình hình vẫn không thuyên giảm. Các bác sĩ tiến hành chụp X-quang cũng không kết luận được nguyên nhân gây viêm nhiễm.

Cho đến khi một bác sĩ thuyết phục chị tháo túi ngực cấy vào người thì mới phát hiện có những khối u li ti xung quanh đó. Michelle hoảng hồn khi biết thật ra mình mắc u bạch huyết, hậu quả của việc cấy ghép ngực. 

Gioi y khoa canh bao nguy co ung thu vi bom nguc bang tui silicone va saline
 

Michelle Forney chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân từng cấy ghép ngực và mắc chứng ung thư máu khá hiếm ALCL (một dạng ung thư hạch không Hodgin liên quan tới các tế bào lympho lớn thoái biến). 

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) từng điều tra hàng loạt báo cáo chỉ ra mối liên quan giữa cấy ghép ngực và ung thư. Hiện FDA đã có trong tay hơn 400 báo cáo trường hợp mắc ung thư sau khi nâng ngực, trong đó có 9 người đã tử vong. 

Theo thống kê của Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ ở Mỹ, có khoảng 400.000 trường hợp cấy ghép ngực được thực hiện trong năm 2017. Con số này tăng 40% so với năm 2000. 

FDA đã mất rất nhiều năm thu thập dữ liệu và hiện họ tin rằng việc cấy ghép ngực nhiều khả năng gây ra ALCL. Giới nghiên cứu ở Úc mới đây cũng công bố số liệu cứ 1.000 cấy ghép ngực thì có 1 người có nguy cơ mắc ALCL.

Những nguy cơ khó lường

Gioi y khoa canh bao nguy co ung thu vi bom nguc bang tui silicone va saline
 

Trường hợp mắc ung thư ALCL liên quan đến cấy ghép ngực được phát hiện lần đầu tiên năm 1997 và phải mất đến hơn 10 năm, giới chuyên gia mới đưa ra kết luận sau quá trình thống kê, nghiên cứu thận trọng. 

Các nhà nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong báo cáo năm 2016 từng đề cập đến việc những khối u sẽ phát triển ngay xung quanh phần ngực cấy ghép và bất ngờ phát tán nhanh, lan rộng, khó kiểm soát. 

Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ và Quỹ Phẫu thuật Thẩm mỹ tại Mỹ độc lập thực hiện danh sách đối tượng cấy ghép ngực. Theo danh sách này, họ sẽ theo dõi những yếu tố rủi ro, khả năng nhiễm khuẩn để có thể can thiệp, hỗ trợ sớm. 

Qua quá trình nghiên cứu các trường hợp cấy ghép ngực với túi chứa silicone và túi chứa dung dịch nước muối sinh lý (saline) cho thấy những khác biệt. Theo đó, kiểu cấy ghép “ngực nhân tạo” càng cố định, khó di chuyển trong bầu ngực thì nguy cơ càng cao.

Gioi y khoa canh bao nguy co ung thu vi bom nguc bang tui silicone va saline
 

Hiện có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho kết quả quan sát này. Một trong những nguyên nhân được chấp nhận nhiều nhất là những quả ngực cấy vào nếu quá cố định sẽ gây ra sự cọ xát, kích thích phản ứng của hệ miễn dịch và từ đó gây ra các vấn đề.

Hoặc một số thì cho rằng nguyên nhân nằm ở cơ địa bệnh nhân vì trong gen họ đã tiềm ẩn khả năng mắc ung thư ALCL. Một nguyên nhân khác được đưa ra là vì vi khuẩn phát triển trên bề mặt quả ngực giả, gây ra tình trạng kích ứng liên tục và dẫn đến phát triển những khối u. 

FDA cho rằng: “Hiện có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc phát triển ung thư ALCL đối với người cấy ghép ngực”. 

Theo bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Eric Swanson đang làm việc ở Kansas, giải pháp đơn giản nhất là tránh sử dụng những bầu ngực nhân tạo có kết cấu quá cứng nhắc, cố định (với mục đích phát triển mô sẹo dính vào bầu ngực giả này, làm cho chúng ít có khả năng di chuyển, định hình tốt). 

Dù bầu ngực giả cố định chưa hẳn là nguyên nhân duy nhất gây u bạch huyết nhưng đây là yếu tố có thể giúp loại trừ rủi ro. 

Minh Khôi (Theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI