Đức Giáo hoàng Phanxicô mang thông điệp chống hạt nhân đến các thành phố bị ném bom của Nhật Bản

24/11/2019 - 10:11

PNO - Sau chuyến thăm Thái Lan, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến Nhật Bản vào tối thứ bảy 23/11 cho chuyến thăm bốn ngày tại nước này. Tại đây, ngài đã kêu gọi lệnh cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân, ngay cả để răn đe.

Vốn là một nhà vận động chống hạt nhân nhiệt thành, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi bãi bỏ vũ khí hạt nhân và hướng lời nguyện cầu đến Nagasaki và Hiroshima - hai thành phố Nhật Bản bị tàn phá bởi các vụ ném bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai. Đây cũng là hai nơi duy nhất trên thế giới gánh chịu và nếm trải sự kinh hoàng của bom hạt nhân.

Duc Giao hoang Phanxico mang thong diep chong hat nhan den cac thanh pho bi nem bom cua Nhat Ban
Đức Giáo hoàng Phanxicô bước xuống sân bay Haneda, Tokyo, Nhật Bản tối thứ bảy 23/11. Ảnh: Reuters

Trong thời gian ở Nhật Bản, Giáo hoàng cũng sẽ gặp những người sống sót trong vụ nổ hạt nhân Fukushima ngày 11/3/2011. Đây là vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nhân loại kể từ sau sự cố hạt nhân Chernobyl ở Nga. Vụ nổ hạt nhân Fukushima đã gây ra động đất và sóng thần tàn phá nhiều nơi.

Đức Phanxicô cũng là Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Nhật Bản sau 38 năm. Ngài mở đầu bài diễn từ với các giám mục ở Tokyo bằng cách nhớ lại giấc mơ thời trẻ của mình. Khi đó, ông đã muốn trở thành một nhà truyền giáo ở Nhật Bản.

“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã yêu thích và quý mến những vùng đất này và đã hơn 470 năm kể từ khi Thánh Phanxicô Xavier, một trong những tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Nhật Bản để bắt đầu truyền đạo Kitô giáo”, ông nói.

Tại Nagasaki, thành phố với hải cảng xanh, từ lâu đã trở thành một trung tâm của Công giáo Nhật Bản, Đức Phanxicô sẽ bắt đầu cử hành nghi thức xúc động và trang nghiêm nhất trong chuyến đi Nhật Bản lần này vào hôm nay 24/11 tại Công viên Bom Nguyên Tử Hypocenter.

Ông sẽ đặt hoa, thắp một ngọn nến và dành một khoảnh khắc thinh lặng để tưởng nhớ khoảng 400.000 người đã mất mạng ở Hiroshima và Nagasaki. Các nạn nhân đã tử vong ngay lập tức hoặc chết sau đó vì nhiễm phóng xạ, bị thương sau khi Hoa Kỳ thả hai quả bom để tìm cách kết thúc Đệ Nhị Thế chiến vào tháng 8/1945.

Nagasaki là thành phố thứ hai bị phá hủy, sau cuộc tấn công vào ngày 9/8/1945, bởi một quả bom nguyên tử được đặt tên là Fat Man. Cho đến tận ngày nay, có vẻ như 2% dân số của thành phố này vẫn đang gặp vấn đề về sức khỏe do bom nguyên tử.

“Chúng tôi không muốn có thêm vũ khí hạt nhân nữa”, một tài xế taxi ở Nagasaki cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng.

Cũng vào Chủ nhật hôm nay, Đức Phanxicô sẽ viếng thăm một đài tưởng niệm các Thánh tử đạo trong suốt 250 năm Kitô giáo bị cấm đoán ở Nhật Bản. Trong thời kỳ đó, các tín hữu buộc trú ẩn trong lòng đất hoặc đối mặt với cái chết. Kitô hữu “ẩn danh” tìm cách pha trộn Kitô giáo với Phật giáo và tín ngưỡng Thần đạo bản địa để tồn tại và Đức Phanxicô có thể sẽ gặp gỡ một số hậu duệ của họ.

Duc Giao hoang Phanxico mang thong diep chong hat nhan den cac thanh pho bi nem bom cua Nhat Ban
Nói chuyện với các Giám mục từ Đại sứ quán Vatican ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/11, Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi sở hữu vũ khí hạt nhân là không thể biện hộ và suy đồi. Ảnh: New York Post

Chiều cùng ngày, một thánh lễ với ý chỉ cầu nguyện cho các nạn nhân của bom nguyên tử. Đây là sự kiện cuối cùng ở Nagasaki của Đức Thánh cha trước khi ngài đến Hiroshima, nơi cũng bị phá hủy bằng bom nguyên tử Little Little Boy vào ngày 6/8/1945.

“Tôi muốn gặp những người vẫn còn mang vết thương của giai đoạn bi thảm này trong lịch sử loài người”, Đức Giáo hoàng nói với các Giám mục Nhật Bản.

Khách sạn ở Nagasaki đã chật cứng vì chuyến thăm của Đức Giáo hoàng. Ngoài người từ toàn quốc kéo về, thậm chí còn có người bay đến từ chuỗi đảo nhiệt đới Okinawa để tham dự thánh lễ. Hình ảnh làm người dân địa phương nhớ lại chuyến viếng thăm Nhật Bản của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II vào 38 năm trước trong một ngày tháng 2 tuyết phủ dày.

Dòng Tên đã đưa Kitô giáo đến Nhật Bản vào năm 1549 và tôn giáo này đã bị cấm vào năm 1614. Các nhà truyền giáo bị trục xuất và các tín hữu bị buộc phải lựa chọn giữa việc tử vì đạo hoặc che giấu niềm tin của họ. Lệnh cấm đạo được xoá bỏ vào năm 1873. Bản thân Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng xuất thân là một tu sĩ Dòng Tên.

Quốc Ngọc (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI