Đi tìm 'giấc mơ Mỹ'

10/12/2018 - 13:00

PNO - Khoảng hơn 5.000 người, hầu hết xuất phát từ Honduras, băng qua Guatemala và Mexico, sau một tháng rưỡi đã tới thành phố Tijuana thuộc bán đảo Baja California (Mexico) sát biên giới Mỹ.

Di tim 'giac mo My'
Những dòng người nối gót đi tìm "giấc mơ Mỹ"

Trong những ngày tới, chính phủ Mexico ước tính sẽ có khoảng từ 10.000 đến 14.000 người đi tìm cơ hội đổi đời ở “thiên đường Mỹ” như suy nghĩ của họ. Chưa kể ít nhất 5 triệu người các nước Trung Mỹ, theo thăm dò của Viện Gallup, đang theo dõi dòng người di cư và sẽ nối gót ngay nếu các nhóm tiền trạm này được nhận vào Mỹ. Chỉ cần một phần mười trong số đó thực hiện thành công ước mơ ấy thì ít nhất nửa triệu dân Trung Mỹ sẽ tràn qua Hoa Kỳ, bởi đoàn người cứ lớn dần khi đi qua từng nước. Trong đoàn có cả trẻ em 4-5 tuổi. 

Chính phủ Mỹ đã huy động 2.100 vệ binh quốc gia và 5.200 lính chính quy đến biên giới, cộng với cảnh sát biên giới và cảnh sát địa phương. Đụng độ đã xảy ra khi nhiều nhóm thanh niên leo rào, kéo hàng rào kẽm gai, liệng đá hay vác gậy đánh lực lượng ngăn chặn khiến cảnh sát đã phải bắn hơi cay để giải tán. Cửa khẩu San Ysidro đã bị đóng mấy tiếng đồng hồ, không ai được qua lại kể cả dân Mỹ và người Mexico cư trú hợp pháp.

Thị trưởng Tijuana đã ban bố tình trạng “khủng hoảng nhân đạo quốc tế” ở địa phương này. Chưa kể chi phí 30.000 USD mỗi ngày để nuôi cả sư đoàn dân di cư, Tijuana còn bị đe dọa bởi nạn băng đảng trộm cướp và ma túy. Ông thị trưởng cũng cho biết, Tijuana đang cần lao động nên sẵn sàng đón nhận khoảng 5.000 người ở lại, cung cấp việc làm và giúp đỡ ban đầu. Nhưng dĩ nhiên chẳng ai nhận vì trong họ giấc mơ Mỹ là nỗi ám ảnh. Có tin hai chính phủ Mỹ và Mexico đang điều đình và dường như đã tìm được sự đồng thuận “bán cái” cho Mexico lo việc tạm trú cho số người này.

Tổng thống Trump khẳng định sẽ không chấp nhận việc mà ông gọi là “xâm lăng” của đám di dân và sẽ ngăn cản bằng mọi giá. Theo luật Hoa Kỳ, di dân muốn xin tỵ nạn phải đến văn phòng di trú tại biên giới nộp đơn, nếu được chấp nhận sơ khởi vì có lý do chính đáng thì mới được cho vào đất Mỹ tạm trú hay tạm giữ để chờ quyết định cuối cùng của Tòa Di trú Mỹ. Nếu được chấp nhận sẽ được trả tự do vào sống trên đất Mỹ, dần dà theo đúng thủ tục có thể trở thành công dân Mỹ. Nếu không sẽ bị trục xuất. 

Hiện nay, Mỹ đang cứu xét trung bình 100 đơn mỗi ngày, con số 10.000 người “xâm lăng” hiện nay nhanh nhất cũng phải cần từ ba đến bốn tháng mới giải quyết hết. Ngoài ra, còn có hơn 700.000 đơn xin tỵ nạn ứ đọng đang được cứu xét, dĩ nhiên số đơn này là ưu tiên. Nhóm di dân mới sẽ chờ ít nhất vài ba năm trong trại tạm giam.

Cảnh tượng thương tâm không làm thay đổi thái độ của Tổng thống Trump. Mới đây, ông ra sắc lệnh việc xin tỵ nạn hợp pháp chỉ áp dụng cho những người đã ở Mỹ hay đang xin vào Mỹ hợp lệ, có quyền xin ở lại đúng theo luật lệ hiện hành, theo những tiêu chuẩn đã có từ lâu như bị đàn áp về chính trị, tôn giáo, hay cũng có thể được nhận vì lý do nhân đạo khi an toàn cá nhân bị đe dọa vì bạo lực gia đình (bị chồng đánh đập) hay vì bạo lực trong môi trường sống (băng đảng hoành hành) và chỉ được ở tạm trong khi chờ phán quyết của Tòa Di trú. 

Dĩ nhiên là sắc lệnh đã bị phe cấp tiến “phản pháo” ngay tại thành phố cấp tiến nhất của Mỹ là San Francisco, với một thẩm phán cấp tiến, ông Jon Tigar, do cựu Tổng thống Obama bổ nhiệm. Ông này bác bỏ ngay sắc lệnh của Trump vì cho rằng vi phạm luật do Quốc hội ban hành, cho phép di dân bất hợp pháp cũng được quyền xin tỵ nạn.

Về cơ bản, Thẩm phán Tigar có lý phần nào. Luật cho phép những di dân lậu khi bị bắt, được quyền xin tòa cứu xét để khỏi bị trục xuất ngay. Hiện nay có khoảng 12 triệu di dân lậu đang sống tại Mỹ. Nhưng hầu hết khối người đó chẳng ai đủ tiêu chuẩn để xin tỵ nạn vì đều là đi kiếm công ăn việc làm chứ chẳng phải bị đe dọa an toàn cá nhân hay bị đàn áp chính trị, tôn giáo. 

Tóm lại, quyết định của Thẩm phán Tigar chẳng khác gì một thông điệp gửi đến những người đang chờ ở Tijuana một niềm hy vọng. Điều này khiến Tổng thống Trump tức giận và gọi đây là phán quyết không hợp lý, diễn giải luật một cách máy móc bất kể hậu quả. 

Thanh Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI