Đảo Mageshima Nhật Bản sẽ thành ‘tàu sân bay không thể đánh chìm’ của Mỹ

07/12/2019 - 17:00

PNO - Mageshima, đảo đá núi lửa rộng 7,77km2 bên rìa biển Hoa Đông, một ngày nào đó sẽ được sử dụng như một tàu sân bay không thể bị đánh chìm của hải quân Mỹ khi nổ ra chiến tranh ở châu Á.

Kênh tin tức CNN của Mỹ đưa tin, trong tuần chính phủ Nhật Bản đã công bố việc mua đảo Mageshima, một hòn đảo không người cách điểm cực nam đảo chính Kyushu của Nhật Bản 34km.

Dao Mageshima Nhat Ban se thanh ‘tau san bay khong the danh chim’ cua My
Đảo Mageshima nhìn từ trên máy bay - Ảnh: CNN/Getty Images

Đảo Mageshima - phần lớn thuộc sở hữu tư nhân của một công ty phát triển hạ tầng có trụ sở tại Tokyo – là một hòn đảo không có người ở và có hai đường băng giao nhau chưa được trải nhựa bị bỏ hoang trong một dự án phát triển trước đó.

Chính phủ Nhật cho biết các đường băng sẽ được đổ bê tông và sử dụng cho các máy bay của hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ để mô phỏng việc hạ cánh trên tàu sân bay, mặc dù phía Nhật không đưa ra khung thời gian phải hoàn thành vì thỏa thuận còn chưa hoàn tất.

Nhưng khi các cơ sở cần thiết được xây dựng thì hòn đảo cũng có thể trở thành căn cứ thường trực cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong trường hợp Tokyo muốn củng cố vị thế của mình dọc theo biển Hoa Đông, nơi họ phải đối mặt với các yêu sách tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku hiện do Nhật quản lý.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố, "việc mua đảo Mageshima là vô cùng quan trọng và phục vụ cho việc tăng cường tính răn đe của liên minh Nhật-Mỹ cũng như nâng cao khả năng phòng thủ của Nhật Bản".

Việc mua đảo Mageshima là chủ đề đàm phán kéo dài nhiều năm. Sân bay Tasuton, công ty sở hữu phần lớn hòn đảo, cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Nhật cuối tháng 11 vừa qua.

Hòn đảo được xác định là một địa điểm phù hợp để Mỹ sử dụng làm căn cứ thường trực cho hoạt động tập hạ cánh trên tàu sân bay theo thỏa thuận năm 2011 phác thảo việc tái tổ chức lực lượng Mỹ tại Nhật Bản.

Thỏa thuận trị giá 146 triệu USD được ký kết khi quân đội Mỹ đáp ứng lời kêu gọi tăng số lượng căn cứ chiến lược của nước này ở Đông Á nhằm đối phó với kho tên lửa ngày càng lớn của Trung Quốc. Phần lớn lực lượng không quân chiến đấu của Mỹ tại Nhật Bản chỉ tập trung tại sáu căn cứ.

Các nghiên cứu gần đây, trong đó có một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney (Úc) được công bố tháng 8/2019, cho biết với các nguồn lực hiện tại của mình, lực lượng của Mỹ sẽ dễ bị Trung Quốc tấn công phủ đầu bằng tên lửa khi xung đột nổ ra. Một cách thức để giảm thiểu nguy cơ này đó là giãn rộng binh sĩ và cơ sở của Mỹ ra nhiều căn cứ hơn.

Dao Mageshima Nhat Ban se thanh ‘tau san bay khong the danh chim’ cua My
Máy bay quân sự Mỹ thực tập di chuyển trên đường băng tại căn cứ không quân Kadena ở Okinawa năm 2017

Căn cứ ổn định trên mặt đất được coi là có giá trị hơn tàu sân bay, bởi vì nó có thể chịu được nhiều hơn bom đạn tấn công. Về lý thuyết, một tàu sân bay có thể bị loại khỏi vòng chiến đấu bằng một quả tên lửa hoặc ngư lôi. Thiệt hại trên các cơ sở mặt đất cũng có thể được khắc phục nhanh hơn nhiều so với một cỗ máy chiến tranh phức tạp như một tàu sân bay.

Căn cứ mới trên đảo Mageshima là một dấu hiệu tốt cho hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật, đã từng trải qua căng thẳng những năm gần đây sau khi các địa phương của Nhật gây áp lực đòi chuyển các căn cứ quân sự Mỹ ra xa các điểm dân cư và Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng đòi các đồng minh như Nhật Bản chung vai gánh nặng tài chính quốc phòng với Mỹ.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI