Cứu hộ hơn 14.000 con cừu trên tàu bị đắm

27/11/2019 - 18:00

PNO - Hoạt động cứu hộ được nối lại sau khi người ta nghe tiếng động bên trong tàu Queen Hind chìm một nửa hôm 24/11 gần cảng Midia của Romania. Chiếc tàu đang chở 14.600 con cừu đến Saudi Arabia.

Nỗ lực cứu hộ đàn cừu được phục hồi sau khi các nhà hoạt động tại hiện trường cho biết họ nghe thấy âm thanh phát ra từ trong con tàu cho thấy một số cừu vẫn còn sống, trong khi video quay con tàu đắm cho thấy nhiều xác cừu trôi lềnh bềnh trong hầm tàu.

Cuu ho hon 14.000 con cuu tren tau bi dam
Lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian cứu những con cừu trên chiếc tàu đang chìm ở khu vực cảng Midia (Romania) trên Biển Đen - Ảnh: Animals International

Các nhà vận động một lần nữa kêu gọi ban hành lệnh cấm xuất khẩu động vật sống từ châu Âu sang các nước ngoài EU, sau khi tàu Queen Hind chở 14.600 con cừu đến Saudi Arabia bị chìm hôm Chủ nhật ở Biển Đen ngay sau khi rời cảng.

Các đoạn video do tổ chức bảo vệ động vật Animals International đang làm việc tại Romania quay được cho thấy đàn cừu đổ xô chồng chất lên nhau về một phía khi con tàu nghiêng và chìm dần. Những cảnh quay ngày hôm sau (25/11) là xác những con cừu trôi nổi quanh tàu bên mạn tàu chìm sâu dưới nước và không có dấu hiệu nào của hoạt động cứu hộ.   

Bất chấp sự phản đối không ngừng của công chúng, việc buôn bán động vật sống tiếp tục tăng trưởng cả trong và ngoài lãnh thổ các nước EU. Kim ngạch xuất khẩu động vật sống của châu Âu tăng từ 1 tỷ đô la năm 2000 lên 3,3 tỷ đô la năm 2018.

Saudi Arabia mới bắt đầu nhập khẩu cừu sống từ Romania thời gian gần đây. Nhưng đây là nhà nhập khẩu khổng lồ, họ mua hàng từ nhiều nguồn khác, trong số đó có Sudan, Somalia và Jordan. Việc xuất khẩu động vật sống sang Trung Đông thời gian qua tăng đáng kể, và Lebanon, Israel, Kuwait và Oman là những nhà nhập khẩu đặc biệt lớn. Sự tăng trưởng của ngành này là do nhu cầu thịt tăng cao, do chính sách ưu tiên giết mổ tại địa phương và thiếu nguồn nước cho chăn nuôi gia súc.

Các nhóm bảo vệ động vật đã nhiều lần dấy lên mối lo ngại về việc buôn bán của EU sang các nước Trung Đông. Nhà hoạt động Emma Slawinski của tổ chức Compassion in World Farming chỉ ra rằng xuất khẩu động vật sống ra khỏi châu Âu có nghĩa là không thể kiểm tra xem các yêu cầu của châu Âu về vận chuyển, mật độ tồn trữ, nghỉ giải lao cho thú uống nước và giết mổ có thực sự được tuân thủ hay không.

Cuu ho hon 14.000 con cuu tren tau bi dam
Tàu Queen Hind chở 14.600 con cừu bị lật úp - Ảnh: Animals International

Romania và Bulgaria là những tuyến đường chính để động vật sống được đưa ra khỏi EU, khi ngành xuất khẩu động vật sống của Romania tăng trưởng đều đặn từ 97 triệu đô la năm 2000 đến 444 triệu đô la năm 2018. Hiện Midia là cảng xuất khẩu động vật sống nhộn nhịp nhất châu Âu. Tuy nhiên, theo tổ chức Animals International, không có giao thức nào cho các vụ tai nạn như vụ việc xảy ra hôm 24/11. Đến nay, cơ quan chức năng mới cứu được tất cả 33 con cừu.

Đầu mùa hè này, Romania đã phớt lờ yêu cầu không gửi một lô lớn cừu sống đến Kuwait của EU vì lo ngại trời nóng quá mức. Thành viên Nghị viện châu Âu Anja Hazekamp nói với tờ Guardian rằng bà sẽ yêu cầu tổ chức một cuộc tranh luận tại Nghị viện châu Âu về vấn đề này. Bà Hazekamp nói, “dường như chúng ta quan tâm đến tiền bạc nhiều hơn đến con vật cũng như con người”.

Thanh Vân (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI